Thứ ba, 20/9/2016, 21h39

Băn khoăn với các bài thi tích hợp

Theo dự thảo về phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2017, bài thi gồm 5 bài: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).

Thí sinh thi THPT quốc gia 2016 môn lịch sử tại Hội đồng thi ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: M.Tâm

Với hai bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đây có thể coi là một hình thức ra đề khá mới, phù hợp với quan điểm tích hợp các môn học vốn đã được đề cập từ năm học trước. Mặt tích cực ở bài thi tích hợp này có thể kể: thứ nhất, đây là lần đầu tiên đưa môn giáo dục công dân vào chương trình thi tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH. Thứ hai, bài thi đồng thời buộc thí sinh phải học nhiều môn, mỗi kỳ thi phải học ít nhất 6 môn, từ đó góp phần tránh được học tủ, học lệch. Thứ ba, gắn một số môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội vào các bài thi là cách cụ thể hóa chương trình học chuyên ban ở bậc THPT…

Xét cho cùng, việc thực hiện bài thi tích hợp ngay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017 là quá vội vàng, khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ, cả về phía học sinh, giáo viên và cơ quan ra đề (Bộ GD-ĐT). Do đó, cần thiết có thêm thời gian lắng nghe, nghiên cứu để có một phương án toàn diện hơn, hợp lý hơn, thuyết phục hơn!

Có thể nói, bài thi tích hợp nhiều môn nên xem là một xu hướng phù hợp với tình hình giáo dục nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện các bài thi tích hợp e rằng phát sinh một số vấn đề chưa hay.

Trước hết, chương trình học và cách dạy, cách kiểm tra trên lớp đều chưa thực hiện tính tổ hợp, nếu có chỉ rải rác, chưa trở thành một sự tích hợp đầy đủ và thống nhất, càng chưa có sự tích hợp theo từng nhóm môn như dự kiến. Do vậy, học sinh chưa được làm quen với hình thức bài thi này, cách nào đó là sự đánh đố thí sinh; bản thân giáo viên cũng sẽ gặp khó khăn trong việc giảng dạy và ra đề. Không chỉ vậy, nếu trong kỳ thi quốc gia thực hiện các bài thi tổ hợp thì việc gắn kết từng môn trong bài thi sẽ thể hiện như thế nào để trở thành một bài thi hoàn chỉnh, có sự liên hệ, xâu chuỗi với nhau chứ không phải là các câu hỏi của từng môn rời rạc nhau, cũng là một vấn đề không nhỏ.

Vì lẽ đó, bài thi tích hợp (theo phương án vừa nêu hoặc phương án khác) nên thực hiện vào các năm sau, ít nhất có một năm (sẽ tiến hành vào năm học 2017-2018) để giáo viên và học sinh có thời gian làm quen với cách thức mới này. Trong thời gian này, Bộ GD-ĐT cần có định hướng rõ ràng về cách thức tích hợp, về nội dung, hình thức, việc kiểm tra, đánh giá… để sự tích hợp đó thực sự là tích hợp chứ không phải sự gán ghép rời rạc nội dung của nhiều môn vào một bài thi. Bên cạnh đó, về việc cho phép thí sinh có quyền lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội thì có khả năng sự lựa chọn nghiêng hẳn về phía các môn khoa học tự nhiên, khi đó tình trạng “đìu hiu” có thể diễn ra ở cả môn giáo dục công dân, địa lý chứ không chỉ lịch sử như các năm, trừ trường hợp thí sinh chọn các ngành khoa học xã hội mà điểm đầu vào xét ở môn thi này. Nhất là với môn giáo dục công dân, lần đầu tiên được đưa vào thi tốt nghiệp, nếu có quá ít sự lựa chọn thì có thể gây tâm lý, dư luận không hay, bởi những ý kiến cho rằng học sinh bây giờ không quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục đạo đức, giáo dục công dân.

Giúp thí sinh chủ động hơn trong ôn tập

Theo Bộ GD-ĐT, các bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là bài thi tổ hợp, mỗi bài thi gồm các môn thi riêng rẽ, các môn được bố trí tuần tự hết môn này đến môn khác. Kết quả chấm thi sẽ đưa ra điểm từng môn thành phần và điểm của cả bài thi tổ hợp phục vụ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhằm hạn chế việc thí sinh có thể chỉ làm bài thi đối với một số môn thành phần, bỏ qua một số môn khác trong bài thi, quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể cách thức tổ chức thi và mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để làm điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Để được xét tốt nghiệp THPT, ngoài 3 môn bắt buộc, thí sinh chọn thi thêm bài thi khoa học tự nhiên hoặc bài thi khoa học xã hội. Nếu có nguyện vọng, thí sinh có thể thi cả 2 bài thi này để tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ nhiều ngành khác nhau. Khác với các năm trước, năm nay thí sinh biết trước các môn thi ngay từ đầu năm, do đó giúp thí sinh chủ động hơn trong ôn tập.

PV

Do đó, nên chăng vẫn cần có 5 bài thi, trong đó cả 5 bài thi đều bắt buộc, theo đó ngoài 3 bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ thì bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cũng là bài tích hợp từ các môn như dự kiến. Điểm để xét tốt nghiệp THPT gồm điểm của cả 5 bài, còn điểm để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ thì tùy theo ngành, khối mà thí sinh có thể tổ hợp điểm của các bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một trong 2 bài thi môn tích hợp. Cách làm này sẽ tránh được tình trạng học lệch, học tủ, cả về phía các môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội.

Ngoài ra, với các bài thi tích hợp thì việc xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ sẽ được thực hiện như thế nào cho phù hợp? Chẳng hạn, theo truyền thống, một ngành học khối A sẽ lấy điểm 3 môn toán, vật lý, hóa học, với 3 bài thi hoàn chỉnh khác nhau thì với bài thi tích hợp, cả 3 môn chỉ còn “gói gọn” trong một bài sẽ phát sinh tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Thừa vì còn nội dung không thuộc ngành/khối mà nhà trường muốn tuyển; thiếu vì dung lượng bài thi của từng môn lại quá ít, không đủ cơ sở để đánh giá được năng lực thực sự của thí sinh. Không chỉ vậy, các bài thi này chỉ có 60 câu trắc nghiệm (mỗi môn chỉ còn lại khoảng 20 câu), thực sự rất ít để xác định được khả năng của thí sinh có phù hợp với ngành/trường đó hay không.

Nếu thực hiện phương án tích hợp này, thì không thể xây dựng bài thi trắc nghiệm 60 câu làm bài trong 90 phút, mà nên có ít nhất 120 câu và thi trong 180 phút mới có thêm cơ sở để đánh giá năng lực của thí sinh.

ThS. Nguyễn Minh Hải