Thứ ba, 1/12/2015, 22h55

“Bàn tay nặn bột” trong đọc - hiểu văn bản

Một tiết học môn ngữ văn của học sinh lớp 9 (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” vốn được cha đẻ của nó khai sinh để áp dụng cho các môn khoa học tự nhiên. Nhưng nay đã được vận dụng vào dạy học các môn khoa học xã hội, trong đó có bộ môn ngữ văn.

“Bàn tay nặn bột” (BTNB) là phương pháp giảng dạy khoa học dựa trên tìm tòi khám phá. Các bước quan trọng nhất của phương pháp BTNB trong dạy học môn ngữ văn được xem là những “kỹ thuật” gây mâu thuẫn về nhận thức, lựa chọn những quan niệm ban đầu theo ý đồ tổ chức tìm hiểu và khai thác kiến thức của giáo viên; giúp học sinh so sánh quan niệm khác biệt liên quan đến kiến thức trọng tâm, để đề xuất câu hỏi, phương án trả lời câu hỏi đặt ra…

Kỹ thuật gây “mâu thuẫn” về nhận thức

Bước gây hứng thú đặc biệt trong giờ đọc - hiểu văn bản, còn gọi là bước đầu tiên của quá trình tổ chức giờ học. Ở bước này ta chú trọng tình huống nêu đặc trưng thể loại, kích thích trí tò mò bằng việc tạo ra những cú “sốc”, tới độ khát khao tìm kiếm! Hay còn gọi là cách tạo ra những tình huống xuất phát có câu hỏi nêu vấn đề lớn đặt ra trong toàn bài. Kỹ thuật này là tiền đề vạch ra đích đến, để thống nhất trong từng bước của quá trình tổ chức dạy học. Sự thống nhất này thể hiện nhuần nhuyễn trong từng thao tác chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh. Sự tự chủ giải quyết vấn đề, báo cáo, hợp thức hóa và vận dụng kiến thức mới của học sinh... đều nằm trong ý đồ thiết kế và kỹ thuật tổ chức của giáo viên.

Lựa chọn biểu tượng liên quan đến kiến thức trọng tâm

Bước thứ hai đòi hỏi giáo viên phải linh hoạt cho học sinh phát hiện và nêu được những quan niệm đầu tiên từ vấn đề mà bài học đặt ra, trong số những quan niệm khác biệt của học sinh, giáo viên đã chọn lựa, thì khác biệt nào liên quan đến kiến thức trọng tâm của bài. Bằng cách viết, vẽ hình ảnh, sơ đồ... thể hiện suy nghĩ của các em, giáo viên khéo léo lựa chọn những quan niệm ban đầu khác biệt trong vô số những quan niệm của mấy chục em, sau đó giáo viên hệ thống những biểu tượng ban đầu theo ý đồ khai thác kiến thức về tác giả, tác phẩm, bố cục, nội dung, nghệ thuật... của tác phẩm thơ, truyện theo thể loại mà mình đã thiết kế.

So sánh, đề xuất câu hỏi và phương án trả lời

Đây là bước quan trọng nhất và quyết định. Phương án đặt câu hỏi và tìm ra câu trả lời là phương án tìm hiểu, phân tích tác dụng của các biện pháp nghệ thuật thông qua cách khai thác cấu trúc, nhịp điệu, hình ảnh, biểu tượng, biện pháp tu từ... trong thơ. Hoặc diễn biến tâm lý nhân vật, cốt truyện, chủ đề, các biện pháp nghệ thuật... trong truyện để phát hiện tư tưởng, nội dung tác phẩm. Đó là bước đặt ra các câu hỏi và tìm cách trả lời được các câu hỏi. Trường hợp học sinh không tìm ra phương án, giáo viên có thể gợi ý. Những biểu tượng ban đầu khác biệt là căn cứ cho học sinh so sánh, đặt ra những câu hỏi liên quan đến bài học, lựa chọn biểu tượng ban đầu chưa đúng tính chất, thể loại, kiểu bài sẽ lệch pha với mục tiêu của bài học, không thể hiện rõ được  ý đồ của giáo viên, hay cách tổ chức không thực hiện được mục tiêu “BTNB” đề ra. Ví dụ: Khi dạy truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi, thay việc xác định thể loại từ kiểu, dạng nhân vật, thì giáo viên hướng học sinh nêu quan niệm, nhận ra khác biệt từ bài đã học về truyện Ếch ngồi đáy giếng. Từ đó học sinh hình thành sự so sánh về các kiểu dạng nhân vật, hành động suy nghĩ, thái độ từng kiểu nhân vật qua tính cách con vật, con người, kết cục trong mỗi truyện để rút ra bài học khác nhau từ mỗi truyện. Đó là những biểu tượng ban đầu liên quan đến kiến thức trọng tâm của bài Thầy bói xem voi nêu ra cách nhận thức về thế giới: Chỉ nhìn một mặt, không nhìn tổng thể, sẽ không có kết luận chính xác và đầy đủ về vấn đề, là phương pháp nhận thức về thế giới khách quan.

Vai trò “trọng tài chuyên môn” đặt ở đâu?

Với vai trò là người “cầm cương”, giáo viên phải chủ động trong mọi tình huống, nhưng do tư duy theo thói quen như dạy truyện ngụ ngôn thông thường, giáo viên tại một trường THCS quận Gò Vấp (TP.HCM) đã liên hệ với đời sống thực tại, theo nghĩa đen của từ “mù” khi cho học sinh nêu quan niệm từ việc quan sát “Các thầy bói mù xem voi bằng cách sờ voi”; giáo viên lựa chọn quan niệm khác biệt, hướng học sinh đề xuất câu hỏi “Có phải ai mù cũng phán xét sai về cuộc sống hay không? Em biết tấm gương nào về người bị mù mà vẫn vươn lên trong cuộc sống...?”. Với cách nêu những kiểu câu hỏi trên, cách giáo viên đưa tấm gương nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu để minh họa, gợi ý tìm câu trả lời là việc lựa chọn quan niệm đi theo hướng nêu bài học về sự rèn luyện ý chí, phẩm chất. Không phải bài học nêu cách nhận thức về thế giới, lệch pha với mục tiêu mà bài học Thầy bói xem voi đặt ra.

Thanh Huyền

Nếu hiểu BTNB một cách mờ nhạt, lựa chọn quan niệm chưa sát để gợi ý cho học sinh cách so sánh và đề xuất ý kiến, từ việc giáo viên lựa chọn những quan niệm ban đầu không tốt là một cản trở cho học sinh khi so sánh những biểu tượng, quan niệm và đề xuất câu hỏi. Đây là vấn đề về kiến thức của giáo viên, đòi hỏi các nhà chuyên môn phải vào cuộc.