Thứ tư, 21/6/2017, 15h06

Báo chí với thách thức thời công nghệ số

Khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) vừa kỷ niệm 55 năm thành lập khoa (1962 - 2017). Lễ kỷ niệm diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa. 

Giao lưu các thế hệ thầy trò Khoa Báo chí

Giao lưu các thế hệ thầy trò Khoa Báo chí

Trong đó, phải kể đến buổi giao lưu “Các thế hệ thầy - trò với nghề báo” đã diễn ra sôi nổi vào tối 9-6. Những gương mặt thân quen đối với các thế hệ sinh viên trường báo đã cùng chia sẻ về những gian truân, vất vả của nghề báo cũng như những vinh quang, tự hào mà cái nghề đặc biệt này mang lại.
Áp lực của mỗi nhà báo ngày càng lớn
Có một điểm chung mà những người đi trước chia sẻ, đó là sinh viên báo chí muốn trở thành nhà báo phải có ý chí học và rèn nghề. Phải đọc, nghiên cứu thật nhiều, bởi vì nhà báo hiện nay không chỉ là người đưa tin mà còn là nhà chính luận, văn hóa. Nếu không đọc, nghiên cứu, các em sẽ không có đủ kiến thức làm nghề. Mặt khác, những đổi thay chóng mặt của thực tiễn, của nhịp sống công nghệ, khi mà mạng xã hội cũng được coi là kênh thông tin hấp dẫn, nhanh nhạy… càng khiến cho áp lực của mỗi nhà báo trở nên lớn hơn.
Trong chùm sự kiện kỷ niệm 55 năm thành lập khoa, đáng chú ý còn có triển lãm ảnh “Thầy trò và khoảnh khắc cuộc sống”, giới thiệu những tác phẩm của các thế hệ thầy và trò trong khoa từ khóa 1 (1969-1973) đến nay. Kỷ niệm 55 năm của khoa là 55 bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc từ cuộc sống của các thế hệ sinh viên báo chí. Triển lãm tôn vinh những giây phút mà người phóng viên ảnh đã chứng kiến và ghi lại bằng tất cả tâm huyết với nghề và sự say mê với cuộc sống…
Khoa được thành lập ngày 16-1-1962 cùng với sự ra đời của Trường Đại học Tuyên giáo, tiền thân của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay. PGS-TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí, cho biết, trải qua 55 năm, khoa đã đào tạo cho đất nước và bạn bè quốc tế hơn 13.000 nhà báo. Trong đó, nhiều người đã và đang giữ trọng trách cao trong hệ thống chính trị của cả nước và ở các nước bạn anh em. Nhiều nhà báo, nhà khoa học trưởng thành từ đây có uy tín, làm nòng cốt trong giới học thuật về báo chí - truyền thông. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng ở tuổi 55, Khoa Báo chí vững tin vào hiện tại và sẵn sàng bước vào tương lai - giai đoạn đào tạo nguồn nhân lực cho thời kỳ kỷ nguyên truyền thông số Việt Nam.
Thay đổi để đáp ứng yêu cầu của xã hội
Trong bối cảnh báo chí truyền thông số, hiện có hơn 18.000 nhà báo được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ. Dân số Việt Nam 92 triệu người thì có tới 48 triệu người dùng facebook, mạng xã hội - 48 triệu người đó chính là những người làm báo. Trong nền báo chí công dân, gần như người nào sử dụng mạng xã hội cũng trở thành người làm báo. Mỗi tài khoản facebook trở thành một “tòa soạn” và mỗi người dùng facebook đều trở thành một nhà báo công dân. Tự do bình luận, viết nói trên chính “tòa soạn” của mình. Do vậy, báo chí chính thống phải làm thế nào để định hướng đúng, định hướng được, khi 48 triệu người làm báo như vậy. Có thể thấy, báo chí trong thời đại mới gắn chặt với truyền thông số - nhất là trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. “Nếu chúng ta không tiến kịp, chính báo chí sẽ đi sau mạng xã hội và nguy cơ tụt hậu với mạng xã hội là một nguy cơ hiện hữu...”, đúng như cảnh báo của Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn tại lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Khoa Báo chí.
Thách thức trong thời đại công nghệ số đối với mỗi tờ báo, mỗi nhà báo đã rất lớn. Nhưng đối với các cơ sở đào tạo báo chí thì còn trở lên cấp bách hơn. Bởi cơ sở đào tạo báo chí phải thay đổi phương thức đào tạo để mỗi sản phẩm làm ra là những nhà báo trẻ phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội đang thay đổi từng ngày, với sự len lỏi đến từng ngõ ngách của công nghệ số. Điều đó đòi hỏi phải thay đổi giáo trình giảng dạy, cập nhật công nghệ làm báo mới trong đào tạo.
Muốn vậy, giảng viên báo chí vừa phải có năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tốt, vừa phải có năng lực và phẩm chất cũng như đam mê hành nghề báo chí - truyền thông. Bởi sản phẩm của báo chí - truyền thông là tạo sự khác biệt; thông điệp truyền thông phải tạo sự khác biệt. Người học cần được khuyến khích và hỗ trợ sáng tạo, hình thành phong cách… 
Đáng chú ý, năm 1995 là năm đầu tiên trên cả nước, Khoa Báo chí được Bộ Giáo dục - Đào tạo cho phép chiêu sinh đào tạo thạc sĩ báo chí. Năm 2003, khoa được cho phép mở chiêu sinh đào tạo tiến sĩ báo chí, chuyên ngành báo chí học - trở thành đơn vị đầu tiên trên cả nước đào tạo trình độ tiến sĩ báo chí. Từ năm 2005, khoa phối hợp với các cơ quan, đơn vị bên ngoài mở hàng chục lớp đào tạo nhân lực truyền thông - PR; từ lớp cập nhật kiến thức và kỹ năng truyền thông - PR, quản lý truyền thông trong khủng hoảng, tổ chức sự kiện, thiết kế và quản trị dự án, cho đến các lớp xây dựng, quản trị chiến lược và kế hoạch truyền thông - PR... 

LÂM NGUYÊN (SGGP)