Thứ sáu, 29/1/2010, 14h01

Bảo vệ trẻ trong những ngày Tết: Kỳ cuối: Bệnh từ miệng mà ra

Đừng để trẻ phải vào bệnh viện đón Tết vì thiếu sự quan tâm của cha mẹ

Ngày Tết, gia đình thường dự trữ nhiều thức ăn được chế biến sẵn… Nếu không được bảo quản kỹ sẽ là môi trường thuận lợi cho những loại vi trùng sinh sôi và phát triển. Những loại như E.coli, Shigella sẽ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, nhất là đối với trẻ nhỏ…
Ca cấp cứu lúc nửa đêm
Chị Cẩm (P.3, Q. Bình Thạnh) kể lại: “Khoảng 9 giờ tối mùng 2 Tết năm ngoái, vừa đi chơi cùng ba mẹ về, bé Na (4 tuổi) bắt đầu than đau bụng. Sau đó thì nôn thốc nôn tháo, bao nhiêu thức ăn nôn ra bằng hết. Cứ tưởng thế là xong, nào ngờ… gần 1 giờ sáng, cả nhà đang ngủ bỗng nghe bé Na bật dậy ôm bụng khóc. Rồi bé đòi đi vệ sinh. Thấy bé đi liên tục, người cứ lả dần, vợ chồng tôi vội vã đưa con tới bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây các bác sĩ cho biết bé bị tiêu chảy cấp, nếu để lâu rất nguy hiểm cho tính mạng”.
Các bác sĩ nhi khoa cho biết, tiêu chảy cấp thường do trẻ ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn, không đảm bảo vệ sinh, thức ăn dự trữ lâu ngày hoặc sữa pha sẵn để quá lâu. Tác nhân gây bệnh thường là do Rotavirus, E.coli, Shigella...
Triệu chứng gồm tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có màu vàng hoặc vàng xanh, có thể kèm nôn hoặc buồn nôn, đau bụng hoặc sốt. Nếu bị mất nước nhiều trẻ có thể bị mệt lả, chân tay lạnh, mắt trũng, da khô, tiểu ít. Xử trí tại nhà, cần bù dịch cho trẻ bằng dung dịch ORS và cho ăn thức ăn dễ tiêu nhưng phải đầy đủ chất đạm.
Ngày Tết, trong nhà lúc nào cũng đầy thức ăn được chế biến sẵn như bánh mứt, thịt, cá, bánh chưng, giò chả... Vốn ham ăn lại không bị ba mẹ quản thúc như những ngày thường nên lúc nào cái miệng của Thảo (5 tuổi) cũng chóp chép nhai. Thảo ăn đủ thứ từ mứt, kẹo đến bánh chưng, giò, chả, lạp xưởng. Không chỉ ăn, Thảo còn uống rất nhiều nước ngọt. Chiều mùng 3 Tết năm 2009, sau một ngày ăn uống thả cửa, Thảo bắt đầu đau bụng. Rồi nôn ói và tiêu chảy nhiều lần. Vốn có chút kiến thức y khoa nên chị Bảo đã bù dịch cho con bằng dung dịch ORS, nấu cháo dinh dưỡng cho con ăn. Tuy nhiên, tình trạng của bé Thảo vẫn không cải thiện nên vợ chồng chị Thảo phải đưa con đến bệnh viện Nhi đồng 1.
Nhập viện vì bị… bỏ đói
Những ngày Tết, bé Hoàng (8 tuổi) được ba mẹ cho vui chơi thoải mái. Vốn mê chơi điện tử nên Hoàng chơi quên cả ngủ và bỏ cả bữa ăn. Ngày mùng 1 Tết, vì bố mẹ bận tiếp khách nên không ai nhắc nhở Hoàng chuyện ăn uống. Còn bản thân Hoàng thì đang mải miết với các trò chơi trên máy tính. Đến gần 4 giờ chiều, Hoàng thấy chóng mặt, vã mồ hồi, tay chân lạnh ngắt. Cũng may lúc đó chị giúp việc phát hiện kịp. Ngay lập tức bé Hoàng được đưa đến bệnh viện. Tại đây các bác sĩ cho biết Hoàng bị hạ đường huyết. Bé được cô y tá nới lỏng quần áo rồi cho uống ngay một ly nước ấm pha đường, sau đó cho nằm đầu bằng (không gối). Khoảng 15 phút sau, Hoàng tỉnh lại và được ăn một chén cháo nóng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Để phòng ngừa bệnh hạ đường huyết, phụ huynh nên duy trì lịch ăn uống hàng ngày cho trẻ một cách nghiêm túc. Có thể cho trẻ vui chơi nhiều hơn thường ngày một chút nhưng phải đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc, nhất là giấc ngủ đêm.
Ngoài ra, trong những ngày Tết, trẻ có thể gặp một số bệnh như quai bị, thủy đậu, viêm màng não. Bệnh quai bị, thủy đậu, ít khi gây ra các biến chứng nguy hiểm nhưng rất dễ lây lan cho những người trong gia đình và ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và học hành của các bé. Hiện tại đã có vắc xin phòng ngừa hai bệnh này. Với bệnh viêm màng não, trẻ thường có các triệu chứng sốt, ói, bỏ bú, quấy khóc, bứt rứt. Thậm chí trẻ còn bị co giật li bì, cổ cứng hoặc thóp phồng. Khi phát hiện các dấu hiệu trên, phụ huynh cần cho trẻ đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa.
Bài & ảnh: MINH ANH