Thứ hai, 20/4/2009, 11h04

Bắt nạt tuổi học trò - chuyện cũ mà không cũ

Vấn đề không phải là chúng ta không thể tìm ra giải pháp mà ở chỗ chúng ta không nhìn ra bản chất của sự việc. (It isn’t that we can’t see the solution. It’s that we can’t see the problem) - G.K. Chesterton.
 Ai cũng từng qua thời trẻ nhỏ và vì thế chúng ta thường xem hiện tượng bắt nạt tuổi học trò như “chuyện của trẻ con ấy mà”, là “một phần tự nhiên của quá trình phát triển”, và nó “cần thiết để giúp trẻ cứng rắn hơn, giúp chúng chuẩn bị cho thực tế ở tuổi trưởng thành”...
Cho đến gần đây khi người lớn phải sững sờ với những tin chấn động về những vụ tự tử hay những vụ thảm sát do học sinh mang vũ khí vào trường học chỉ vì bị chúng bạn bắt nạt, chúng ta mới nhìn nhận vấn đề như là một vấn nạn xã hội.
Thật ra các nhà khoa học trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu đến hiện tượng bắt nạt từ thập niên 70, với nghiên cứu đầu tiên của Dan Olweus, một nhà khoa học Na Uy. Những nghiên cứu gần đây càng cho thấy sự phức tạp và mối nguy hại của những hành vi bắt nạt tuổi học trò. Vấn đề phức tạp nên giải pháp cũng không hề đơn giản như chúng ta từng nghĩ.
Thế nào là bắt nạt?
Bắt nạt không giống như những vụ ẩu đả ngẫu nhiên của hai người hoặc hai nhóm do khích bác hoặc do bất đồng mà chúng bao gồm ba đặc điểm:
1/ Cố ý gây hại cho người bị bắt nạt;  2/ Hành vi được lặp đi lặp lại, vì thế thường làm nạn nhân sợ sệt và lo lắng thường xuyên; 3/ Luôn có sự chênh lệch về quyền lực. Kẻ bắt nạt thường to lớn hơn, đông hơn về số lượng, khéo léo nhanh nhẹn hơn, học giỏi hơn, đến từ gia đình giàu có thế lực hơn...
Có nhiều hình thức bắt nạt: 1/ Đánh đập hành hung. 2/ Lấy cắp hoặc hủy hoại tài sản. 3/ Mắng chửi, xỉ nhục, đe dọa, tống tiền, vu oan. 4/ Tẩy chay, cô lập. 5/ Gần đây nhất là bắt nạt qua điện thoại, tin nhắn, email, hay bôi nhọ trên mạng gọi là cyber bullying. Hình thức này cũng có thể gây nên cái chết của cả người lớn như trường hợp của nữ diễn viên nổi tiếng của Hàn Quốc Choi Jin Sil.
Tại sao phức tạp?
Phức tạp vì nghiên cứu cho thấy bất cứ trẻ nào cũng có thể bị lôi kéo vào những vụ bắt nạt. Người lớn đừng nên nghĩ con mình không bao giờ là kẻ đi bắt nạt, vì trong một hoàn cảnh thích hợp nào đó dù là con trai hay con gái, con bạn cũng có thể trở thành kẻ bắt nạt. Bắt nạt là một hành vi học được (learned behavior).
Con bạn có thể hùa theo bạn bè day dẳng đùa cợt và chế giễu một trẻ khuyết tật, dè bĩu một người xấu xí, tẩy chay một người vì ganh tỵ (ngoan hơn, đẹp hơn...), bôi nhọ hoặc chọc tức một trẻ khác chỉ vì người này không cư xử giống như “băng” của chúng…
Phức tạp vì chỉ qua những câu chuyện không đầy đủ trên báo chí hay Internet chúng ta sẽ phát triển những suy nghĩ sai lầm về bắt nạt. Chúng ta thường cho rằng trẻ con không ưa kẻ bắt nạt nhưng thực tế không như thế. Ở những năm cấp II học sinh thường ưa thích những kẻ đầu têu cho những vụ trêu chọc hay quấy rối.
Tuổi teen là tuổi đang tìm kiếm hình ảnh bản thân, muốn chứng tỏ mình không bị người lớn ảnh hưởng nên thường thích thú những vụ tai tiếng. Những đứa trẻ khác thì ngưỡng mộ hoặc bắt chước những hành vi này vì chúng xem đó là biểu hiện của sự mạnh mẽ hay cứng rắn.
Phức tạp là vì chúng ta cho những rằng chỉ những trẻ yếu đuối, rụt rè mới dễ bị bắt nạt, nhưng thực tế cho thấy cả những trẻ thông minh, năng động khi lạc lõng trong một môi trường mới (thí dụ như vừa chuyển cấp, chuyển từ nông thôn lên thành phố, chuyển từ trường công sang trường quốc tế...) vẫn có thể trở thành mục tiêu những vụ bắt nạt.
Những học sinh mới chuyển trường này, vì không muốn bị cô lập hoặc vì muốn chứng tỏ quyền lực, cũng có thể gia nhập nhóm của những kẻ bắt nạt và trở thành kẻ đi bắt nạt. Trẻ cảm thấy tự hào khi những kẻ “cứng rắn, bản lĩnh và uy quyền” chấp nhận chúng.
Một nhầm lẫn khác nữa là người ta thường cho rằng trẻ đi bắt nạt là những trẻ không đánh giá cao bản thân (low self-esteem). Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy các em này xem mình là người nổi trội và đôi khi thực hiện ý muốn làm tâm điểm chú ý của mọi người bằng việc bắt nạt người khác, hoặc bằng những hành vi chống đối xã hội. Sự nổi loạn của tuổi dậy thì!
Phức tạp vì sự chênh lệch quyền lực giữa kẻ bắt nạt và người bị bắt nạt. Chính sự chênh lệch về quyền lực này làm trẻ bị bắt nạt không dám chống cự và thường giữ kín chuyện bị bắt nạt. Yếu đuối hơn, làm sao chúng dám chống lại kẻ to lớn hơn hay một nhóm đông hơn? Trong đầu óc trẻ con làm sao chúng nghĩ rằng ba mẹ chúng dám làm gì với con ông cảnh sát, thầy cô dám làm gì con bà hiệu phó?
Thầy cô hay quản lý nhà trường cũng thường xem những hành vi bắt nạt của học sinh giỏi hay học sinh năng động trong sinh hoạt phong trào như là “đùa nghịch của trẻ con” nên dễ dàng bỏ qua những hành vi này, điều này củng cố thêm ý nghĩ cam chịu của trẻ bị bắt nạt.
Phức tạp là vì thầy cô cứ nghĩ rằng chuyện “bắt nạt thật sự” (không phải trò đùa nghịch trẻ con) chỉ xảy ra ở những nơi kín đáo. Thực tế chúng xảy ra ngay trong lớp hay giữa sân trường, nơi có sự chứng kiến của rất nhiều học sinh khác.
Phức tạp là vì người lớn cũng góp phần vào việc bắt nạt do phân biệt đối xử mà không hay biết, bởi rất khó nhận thấy sự phân biệt đối xử tiềm ẩn (hidden).
Thí dụ như đôi khi thầy cô chỉ trích hoặc chế nhạo “xóm nhà lá” - những em hoc sinh học yếu hoặc chậm chạp trong lớp. Thật ra những em này có thể thuộc nhóm gặp khó khăn về học tập (learning disability) - nghĩa là vẫn học tốt ở những lớp chính qui nhưng cần một số hỗ trợ cần thiết (Tôi đã gặp khá nhiều người gặp khó khăn về học tập ở các nước. Họ đã là thạc sĩ hay tiến sĩ, và họ cho biết rằng đó là nhờ những hỗ trợ này theo qui định của nhà nước về “Giáo dục cho tất cả mọi người” - Education for All).
Thầy cô thiếu quan tâm đầy đủ cũng có thể bực mình và chỉ trích những em đang có những hành vi bất thường mà không biết rằng các em đang có vấn đề về tâm lý do rắc rối cá nhân hoặc rắc rối gia đình. Sự quan tâm và ưu đãi không đúng cách đối với các em khuyết tật (cho ngồi riêng, không bắt làm bài tập, miễn thi,…) cũng tạo sự khác biệt và bất bình đẳng trong đối xử. Tất cả những điều này đã vô tình tách biệt các em và biến các em thành đối tượng của sự bắt nạt.
Phức tạp là vì đa số cha mẹ, thầy cô và học trò cho rằng bắt nạt chỉ liên quan đến kẻ bắt nạt và người bị bắt nạt. Nghiên cứu cho thấy những vụ bắt nạt luôn có những học sinh khác im lặng chứng kiến như một thông điệp “im lặng đồng thuận”, có thể chúng đang thầm mừng là “mình không bị chọn làm nạn nhân”. Những học sinh khác thì cổ vũ, giữ mối quan hệ “có vẻ bạn bè” với những người mà chúng nghĩ rằng có thể tìm sự hỗ trợ khi cần thiết.
Chất lượng của mối quan hệ bị ảnh hưởng bởi cách nhìn về quyền lực và sự ưu thế, và bởi lối suy nghĩ hèn nhát về sự ‘tự bảo vệ” (Luxmoore 2000). Những trẻ khác thì cùng tham gia. Chúng “chỉ đùa thôi mà!”. Chính sự chứng kiến và quan tâm này đã góp phần củng cố thêm hành vi của kẻ bắt nạt và sự cam chịu của người bị bắt nạt. Rất ít trẻ dám đứng ra bênh vực hay bảo vệ người bạn bị bắt nạt, vì chúng cũng bối rối không biết làm thế nào!
Phức tạp là vì có đôi khi nạn nhân sẽ trở thành kẻ bắt nạt (bully-victim). Những trẻ này chiếm khoảng 5% những trẻ bị bắt nạt. Chúng có những đặc điểm giống đại đa số những trẻ bị bắt nạt khác như yếu đuối về thể chất, rụt rè nhút nhát, không có kỹ năng kết bạn nên ít bạn bè, thường tách biệt, luôn cảm thấy thiếu sự hỗ trợ chung quanh nên dễ sợ hãi, và thiếu tự tin vào khả năng và sức mạnh của chính mình. Những em này cũng thường là trẻ khuyết tật hoặc được cha mẹ bảo vệ thái quá nên thiếu độc lập.
Tuy nhiên, những trẻ này thường cộc tính, lầm lì, cau có, và khi bị bắt nạt hay tìm cách đánh trả. Những trẻ này dễ làm bạn bè hoặc thầy cô xa lánh, vì vậy khi chúng thường bị bắt nạt bởi cả lớp hay cả một nhóm khá đông. Nếu thấy cô không cân nhắc đúng, trẻ có thể bị phạt oan vì bị xem như kẻ đã gây ra những vụ lộn xộn chứ không phải là nạn nhân của sự bắt nạt. Trẻ này cũng thường tìm cách bắt nạt lại những trẻ yếu đuối hơn.
Đây là trường hợp cần sự chú ý và giám sát cẩn thận. Thứ nhất, vì những phản ứng bộc phát có phần thái quá, các em thường bị cho là có vấn đề về tâm thần nên đôi khi bị chuyển vào những trường đặc biệt. Ở đây các em rất dễ trở thành kẻ chuyên đi bắt nạt những trẻ khuyết tật khác. Thứ hai, dù những em này thường có những cơn bùng nổ cảm xúc, chúng lại có khuynh hướng che giấu và đè nén nỗi đau khổ bị bắt nạt của mình, và vì thế mà nguy hiểm vì sẽ dẫn đến những cơn bùng phát dữ dội hơn. Đây là những em có thể sẽ mang vũ khi vô trường và gây nên những vụ thảm sát.
Phức tạp là vì các em cũng thường hay chứng kiến người lớn bắt nạt nhau và người yếu thế hơn luôn bị bắt nạt mà không làm được gì khác. Những người bị bắt nạt này có khi là những người mà các em yêu quí và ngưỡng mộ. Người đó có thể là mẹ, là cô, là chị, là bảo mẫu của các em. Và phim ảnh cũng cho các em thấy chỉ có cách giải quyết theo kiểu “tự mình hành động chứ không thể đợi chờ luật pháp” là nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Chúng ta phải làm gì?
Như đã đề cập trong phần mở đầu, bắt nạt ở tuổi học trò là một vấn đề phức tạp nên không thể dễ dàng tìm được cho nó một giải pháp hoàn hảo. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu được cơ chế hình thành và vận hành của nó. Chúng ta không cứ loay hoay đi giải quyết hậu quả của những vụ bắt nạt, vì có những hậu quả không thể nào giải quyết hay sửa chữa được, thí dụ những vụ thảm sát hay những chấn thương tâm lý, hay sự sợ hãi trường học.
Ngăn ngừa vẫn là giải pháp tối ưu nhất, vì giống như những vấn đề xã hội khác, bắt nạt mở ra cách nhìn về các mối quan hệ xã hội của tất cả những bên liên quan: mối quan hệ của trẻ đi bắt nạt và trẻ bị bắt nạt, mối quan hệ của trẻ với gia đình chúng, mối quan hệ của trẻ với bạn cùng lớp hay cùng trường, của thầy cô với học trò, của thầy cô với đồng nghiệp, và của quản lý nhà trường với thầy cô, phụ huynh và học sinh.
Trường học thân thiện là một cách ngăn ngừa hữu hiệu, nhưng trường học chỉ thật sự thân thiện khi những vụ bắt nạt không còn diễn ra hoặc được hạn chế đến mức tối đa. Muốn được như thế chúng ta cần đến hành động của toàn xã hội:
- Cần có luật chống bắt nạt ở trường học (School anti-bullying law). Một chương trình tuyên truyền và hướng dẫn việc thi hành luật cũng hết sức cần thiết vì luật sẽ không khả thi nếu không ai biết đến cũng như hiểu rõ luật.
- Mỗi trường học cũng phải có chính sách riêng của mình đối với bắt nạt, trong đó nêu rõ những hành vi nào (của cả học sinh, thầy cô, và quản lý nhà trường) sẽ bị xem là bắt nạt và các hình thức kỷ luật cụ thể cho việc vi phạm
- Cần có chương trình tập huấn hoặc sách hướng dẫn cha mẹ nhận ra những dấu hiệu con mình bị bắt nạt hoặc đi bắt nạt người khác, hậu quả của vấn đề và cách giải quyết.
- Cần có chương trình tập huấn hoặc sách hướng dẫn cho thầy cô và các nhân viên trường học nhận ra các dấu hiệu có thể dẫn đến sự bắt nạt hoặc dấu hiệu đã diễn ra bắt nạt, hậu quả của nó và cách giải quyết.
- Tập huấn cho trẻ về giá trị sống và các kỹ năng sống, giúp trẻ hiểu được tác hại của bắt nạt cũng như biết được những cách đúng đắn để thể hiện giá trị của mình. Đồng thời trẻ cũng học được kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ, cách nhận ra những dấu hiệu có thể dẫn đến bắt nạt người khác hoặc bị bắt nạt và cách xử lý chúng…
- Các chương trình đồng hành (mentoring program) cũng đang được các nước thực hiện. Chương trình này bắt cặp các em với bạn đồng trang lứa, với anh chị lớp trên, với những những người lớn thành đạt… sẵn lòng tham gia chương trình. Đây là một chương trình mà Đoàn hoặc Hội Liên hiệp thanh niên có thể thực hiện.
- Và đặc biệt, mỗi trường học cần có ít nhất một nhân viên xã hội học đường, người sẽ giúp kết nối các bên liên quan lại với nhau.
Trên đây chỉ là một số gợi ý, và dĩ nhiên để thực hiện chúng cần có thêm các kế hoạch chi tiết. Nhưng chúng ta không thể khoanh tay chờ đợi nữa mà phải bắt đầu ngay những hoạt động khả thi với hoàn cảnh và điều kiện của từng ngôi trường. Vì tương lai con em chúng ta không thể chờ đợi nữa!
ThS VÕ T. HOÀNG YẾN (ĐH Mở TP.HCM)