Thứ ba, 23/1/2018, 21h50

Bệnh thủy đậu: Coi chừng lây từ… người nhà

Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận một bệnh nhi 15 tháng tuổi bị lây thủy đậu từ mẹ. Các chuyên gia khuyến cáo, thủy đậu rất dễ lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp, tỷ lệ lây truyền giữa những người trong cùng một nhà có thể lên đến 87%.

Phụ huynh không nên kiêng tắm cho trẻ bệnh thủy đậu vì dễ gây nhiễm trùng và để lại vết sẹo về sau

Lây bệnh ở nhà cao hơn bệnh viện

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, bệnh nhi bị lây thủy đậu từ mẹ là bé H.Q.V (ngụ Đồng Tháp). V. nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ ngày 16-1-2018, là bệnh nhi nhỏ tuổi thứ hai điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 kể từ năm 2014 đến nay. Được biết, chị N.T.T.M  (mẹ bé V.) sau khi sinh con đã bị thủy đậu và điều trị tại nhà, sau khi mẹ khỏi bệnh thì bé V. bị nổi mụn nước, quấy khóc và sốt cao. Bệnh viện địa phương xác định bé bị thủy đậu và chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị.

Bác sĩ Khanh lưu ý, bệnh thủy đậu (dân gian còn gọi là trái rạ) do vi rút Varicella zoster gây ra, thường xuất hiện từ khoảng tháng 1 và kéo dài đến tháng 6 hàng năm. Điều đáng ngại là cả người lớn và trẻ em đều có thể nhiễm bệnh thủy đậu do độ bao phủ tiêm ngừa còn hạn chế, có người chích có người không. Trong đó có nhiều trường hợp cha mẹ do không chích ngừa từ nhỏ, nên khi bị thủy đậu đã lây bệnh cho con. Điều cần lưu ý là thời gian ủ bệnh của thủy đậu khá dài, từ 10-20 ngày sau đó mới xuất hiện các triệu chứng cụ thể như biếng ăn, mỏi mệt, sốt cao, nhức đầu, mọc mụn nước toàn thân. Đối với bệnh thủy đậu, người càng lớn tuổi thì diễn tiến bệnh càng nặng hơn so với trẻ em. Mặc dù là một loại bệnh lành tính, nhưng nếu bệnh nhân không được phát hiện kịp thời, không được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ gặp phải các biến chứng như bội nhiễm da, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, thủy đậu rất dễ lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp (do hít phải chất dịch chứa virus khi người bệnh ho, nói chuyện…), qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu còn vương lại trên các vật dụng cá nhân, quần áo hoặc ra giường người bệnh nằm. Do đó, trong gia đình nếu có người bị mắc thủy đậu và điều trị tại nhà, việc cách ly không nghiêm ngặt sẽ gây lây lan cho người thân với tỷ lệ cao đến 87%, trong khi tỷ lệ lây nhiễm ở bệnh viện chỉ khoảng 70%. Do dễ lây lan nên ngoài môi trường gia đình, thì công sở, trường học, văn phòng cũng là những nơi thuận lợi dễ làm bùng phát dịch thủy đậu.

Cách phòng tránh trước mùa “đỉnh dịch”

Để chủ động phòng ngừa bệnh thủy đậu, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần chủ động tiêm ngừa vaccine đủ liều, đúng lịch; Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý; Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Trong trường hợp mắc bệnh thủy đậu, người bệnh cần được nghỉ làm hoặc nghỉ học từ 7-10 ngày, kể từ khi bắt đầu phát bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Với tình hình bệnh thủy đậu đang vào mùa, dễ bị lây nhiễm chéo, nên mấy ngày qua nhiều phụ huynh liên tục gửi thắc mắc nhờ bác sĩ Trương Hữu Khanh tư vấn. Tiêu biểu trường hợp của anh Phan Út (quận Tân Bình), con anh đã chích vaccine ngừa thủy đậu lúc 12 tháng với phác đồ một mũi, nhưng anh không an tâm khi thấy có bé 18 tháng tuổi được tiêm phác đồ hai mũi, bác sĩ Khanh khuyên anh Út “nên tiêm cho bé 2 mũi để có hiệu quả phòng bệnh tối đa”. Tương tự, chị Phạm Vân Anh (ngụ quận 2) đã cho con tiêm vaccine thủy đậu vào lúc 13 tháng tuổi, bác sĩ hẹn chích thêm một mũi nhắc trong 4 năm nữa, thời gian khá dài nên chị rất phân vân. Bác sĩ Khanh cho biết khoảng cách giữa hai mũi tiêm như vậy là khá xa, phụ huynh nên cho con tiêm mũi thứ nhất cách mũi thứ hai trong khoảng 3 tháng hoặc trước mùa dịch mới an toàn cho bé. Lo lắng hơn ai hết có lẽ là tình trạng của gia đình anh Phan Văn Tân (ngụ quận 5), do vợ anh bị thủy đậu nhưng không biết để cách ly sớm cho con, bác sĩ còn dặn phải cho bé cai bú sữa mẹ trong vòng nửa tháng. Theo giải đáp của bác sĩ Khanh, nguy cơ lây thủy đậu từ mẹ của con anh Tân rất cao. Tuy nhiên, vì đã lây virus trước khi mẹ xuất hiện các triệu chứng thủy đậu nên cho dù bây giờ có cai sữa bé vẫn không tránh khỏi. Do vậy, mẹ vẫn nên duy trì cho bé bú để bé có kháng thể từ mẹ, nhưng cần rửa tay sạch và đeo khẩu trang khi cho con bú. Trong trường hợp trẻ bị thủy đậu, bác sĩ Khanh lưu ý, các bệnh nhi cần được chăm sóc đúng cách, không cần kiêng ăn, kiêng gió, kiêng nước để xổ mụn ra hết.

Trước tình trạng chích ngừa thủy đậu diễn ra còn lẻ tẻ, khiến virus thủy đậu hoang dại lưu hành, bác sĩ Khanh khuyên cả người lớn và trẻ nhỏ đều nên tiêm vaccine với phác đồ 2 mũi tiêm nhằm phòng tránh thủy đậu một cách hiệu quả. Riêng với trẻ nhỏ, mũi đầu tiên nên tiêm vào lúc bé 12 tháng tuổi, mũi thứ 2 cách mũi 1 ít nhất 3 tháng. Vì thực tế đã có những trường hợp cho dù tiêm 1 mũi vẫn bị thủy đậu, nên mũi tiêm vaccine thứ hai có vai trò rất quan trọng, đảm bảo miễn dịch hoàn toàn cho trẻ, nhất là lúc xung quanh có nhiều người mắc bệnh thủy đậu. Theo Thống kê của Cục Y tế Dự phòng, cả nước đã ghi nhận gần 40.000 ca thủy đậu vào năm 2017, xuất hiện tập trung vào các tháng 2-5 và đạt đỉnh dịch vào khoảng tháng 3. Do đó, các gia đình cần lưu ý biện pháp phòng bệnh cho trẻ từ trước đỉnh dịch. Tại TP.HCM, việc tiêm ngừa vaccine thủy đậu được thực hiện tại một số cơ sở y tế công lập như Viện Pasteur TP.HCM (252 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3), Trung tâm Y tế dự phòng TP (699 Trần Hưng Đạo, quận 5), BV Nhi đồng 1 (532 Lý Thái Tổ, quận 10), BV Nhi đồng 2 (14 Lý Tự Trọng, quận 1)…

Vũ Phương