Thứ ba, 27/8/2013, 21h08

Biến bùn thành... phân bón

Lê Minh Vương

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường thủy sản ngày càng trầm trọng (đặc biệt là nghề nuôi tôm), Lê Minh Vương - SV năm 4 Khoa Khoa học môi trường, Trường ĐH Sài Gòn - đã nghĩ ra việc cải tạo bùn thành phân bón và trộn bùn với các phế phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho trùn quế, vừa tăng thu nhập, vừa tránh ô nhiễm môi trường.
Mô hình có tên “Cải tạo bùn thải từ ao nuôi tôm thành phân bón hữu cơ vi sinh kết hợp nuôi trùn quế”. Cùng thực hiện đề tài còn có 3 SV: Nguyễn Minh Nhật, Trần Văn Hà (học cùng khoa với Vương) và Nguyễn Trung Chánh (Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM).
1 tấn bùn làm ra 800kg phân bón
Việc đầu tiên là nhóm đi thu thập bùn về bãi tập kết rửa mặn trực tiếp bằng nước ngọt ở các kênh mương, hoặc nước ngầm. Thời gian này mất khoảng 4-5 ngày. Sau đó bùn tiếp tục được ủ khoảng 3-4 tháng với một số men sẽ thành phẩm. Mô hình áp dụng cho những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, có lót bạt. Sau một vụ nuôi, người dân có thể thu gom cải tạo bùn và đem bón cây nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu thì nhóm thấy rằng nếu bổ sung thêm phụ phẩm nông nghiệp như rau, rơm, bã các loại thực vật, phân bò, phân trâu… sẽ gia tăng hàm lượng dinh dưỡng của phân bón. Một phần nữa là phối hợp thêm phân trâu bò hay phụ phẩm để làm thức ăn nuôi trùn quế. Vương cho biết: “Ở nông thôn, diện tích đất nuôi lớn và nguồn phế phẩm đặc biệt là phân trâu bò cũng nhiều. Đây lại là nguồn thức ăn rất ưa thích của trùn quế. Việc kết hợp với nuôi trùn sẽ tạo ra một nguồn lợi rất đáng kể cho bà con. Giá trùn quế dao động từ 40-50 ngàn đồng/kg, giá phân trùn quế khoảng 5.000 đồng/kg. Trong 1  tấn bùn thì em sẽ tách ra khoảng 700-800kg bùn cải tạo trực tiếp thành phân bón, còn lại 200-300kg bùn kết hợp phế phẩm làm thức ăn. Và kinh phí đầu tư cải tạo khoảng hơn 10 triệu đồng cho 1.000m2. Bằng hình thức này, quá trình nuôi trồng thủy sản như một vòng tròn kinh tế khép kín. Sau khi thu hoạch tôm, người dân cải tạo lấy phân bón và nuôi trùn quế, tăng thu nhập kinh tế lại không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường như trước.
Lấy ý tưởng từ thực tiễn
Khi được hỏi lý do vì sao nhóm lại có ý tưởng độc đáo này, Vương chia sẻ: “Nghề nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, một vụ có thể lời gần 100 triệu đồng hoặc hơn đối với ao nuôi trên 5.000m2 mà vốn bỏ ra khoảng 50-60 triệu đồng. Nhưng trong nuôi tôm thâm canh chỉ có 10-15% thức ăn công nghiệp được tôm hấp thụ, còn lại khoảng 80% thức ăn bị thất thoát ra ngoài; theo đó dịch bệnh tiềm ẩn trong nước và bùn thải là nguyên nhân rất lớn làm phát sinh mầm bệnh. Khi người dân chạy theo lợi ích về kinh tế mà không quan tâm tới môi trường thì hậu quả sẽ rất nặng nề, như tôm sẽ chết hàng loạt… Vì thế em đã nghĩ đến và quyết tâm thực hiện đề tài này, mong muốn đề tài sẽ áp dụng ngay tại quê hương của em là xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Khi bắt tay vào làm, Vương gặp không ít khó khăn về kinh nghiệm kỹ thuật lẫn vốn. Em phải làm các thí nghiệm phân tích nhiều lần và thời gian phân tích tổng Nito là khó khăn nhất bởi vì thí nghiệm phải sử dụng tới hóa chất rất nhiều. Nhưng với sự quyết tâm cao, cuối cùng Vương và các bạn đã thành công.
Đề tài này được Ban tổ chức cuộc thi Holcim Prize 2013 đánh giá là có tính thực tiễn cao và đã lọt vào vòng bán kết của cuộc thi (sắp diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM). Theo Vương, để nhân rộng mô hình này đến bà con thì cần có các buổi tuyên truyền để truyền đạt và thuyết phục bà con.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh