Thứ năm, 1/2/2018, 22h05

Buổi họp phụ huynh đặc biệt

Vẫn là cuộc họp phụ huynh học sinh. Nhưng ở đó không có những lời nhắc nhở về điểm số, những “tối hậu thư” được giáo viên truyền đến phụ huynh. Thay vào đó là những giọt nước mắt xúc động, sự nghẹn ngào trong từng câu chữ mà những người cha, người mẹ cặm cụi viết cho con mình…

Phụ huynh nghẹn ngào đọc những điều thầm kín của con 

Đó là buổi họp phụ huynh đặc biệt của lớp 11A2 Trường THPT Ten lơ man (TP.HCM) được cô chủ nhiệm Phạm Kim Dung thực hiện trong đợt sơ kết học kỳ I vừa qua. Cuộc họp chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 2 tiếng, nhưng theo cô Dung, những gì mà phụ huynh và ngay cả giáo viên nhận ra là nhiều hơn thế.

“Tôi không muốn có những buổi họp phụ huynh đơn điệu, khô khan chỉ để thông báo tình hình học tập, nhắc nhở các em. Điều tôi mong muốn là buổi họp phụ huynh trở thành một cầu nối cho phụ huynh và học sinh, để cả hai hiểu nhau nhiều hơn. Từ đó, người giáo viên cũng hiểu hơn về hoàn cảnh cũng như những khủng hoảng hiện thời các em đang gặp phải mà đưa ra hướng can thiệp kịp thời”, cô Dung chia sẻ.

Trước khi buổi họp phụ huynh diễn ra, cô Dung cho học sinh của mình xem clip mang tên “bàn tay đẹp nhất” và viết những lời tâm sự với cha mẹ vào những mẩu giấy hình trái tim. “Các em luôn chỉ nhìn thấy những gì đẹp đẽ xung quanh mình nhưng lại vô tình quên mất rằng, thứ đẹp đẽ nhất trên cõi đời này là hình ảnh người cha, người mẹ, là đôi bàn tay mẹ gầy guộc, là dáng cha còng còng… Trong khoảnh khắc nhận ra rằng mình vô tâm, rất nhiều em đã khóc. Những điều các em viết ra thật sự rất xúc động. Đó có thể là lời xin lỗi, những điều ước về một gia đình vẹn tròn… Phần nhiều, các em đều không ghi tên”, cô Dung nói. “Con xin lỗi mẹ, bấy lâu nay con là đứa vô tâm, không nhận ra rằng tóc mẹ đã điểm bạc, không thấy tiếng thở dài của mẹ những lần con xin tiền đóng học”. Có học sinh viết: “Con ước một gia đình hạnh phúc, ba mẹ luôn yêu thương nhau”, hay “Con ước được gặp mẹ nhiều hơn”, “Đã bao lâu rồi mình không được nắm bàn tay ấy”…  Tất cả những dòng tâm sự ấy được gửi đến các bậc phụ huynh trong buổi họp. Cả phòng họp như lặng đi khi cô Dung đọc những lời tâm sự thầm kín được viết bởi những nét chữ run rẩy. Đó có thể là mong muốn những đấng sinh thành hãy hiểu mình, để mình được sống đúng với sở thích, đam mê. “Con mong muốn ba mẹ hãy hiểu con, dù kết quả học tập của con không được tốt nhưng con mong rằng ba mẹ sẽ hiểu con đã cố gắng hết sức. Mong ba mẹ đừng chê bai và ngăn cản đam mê của con, hãy cho con được sống với đam mê của mình”. Có thể là khát khao được chia sẻ: “Hãy cho con được lớn khôn và trưởng thành từ những trải nghiệm. Hãy tâm sự với con, con đã thật sự lớn rồi”. Hoặc, mong muốn được san sẻ gánh nặng tiền bạc với gia đình: “Con mong có thể được đi làm thêm để phụ ba mẹ chuyện tiền bạc”… Đổi lại, các bậc phụ huynh cũng viết những tâm sự thầm kín để nhờ cô giáo gửi đến con mình. “Mẹ đã hiểu rằng con không muốn đi du học. Mẹ sẽ không ép con nữa”, “Ba mong con gái ba sẽ thật sự trưởng thành từ trong suy nghĩ. Con hãy mạnh mẽ lên. Ba luôn luôn ở bên con”…

Những điều ước của học sinh gửi đến cha mẹ
“Trước giờ tôi cứ nghĩ đã biết về hoàn cảnh của các em nhưng lại không phải vậy. Có những thứ không bao giờ được ghi trong lý lịch. Có em vừa mất mẹ, có em lại phải chịu nhiều ẩn ức, có em lại đang phải chịu nỗi buồn gia đình cha mẹ ly hôn hay có em lại là đứa trẻ không cha, có em lại khó khăn về kinh tế…”, cô Phạm Kim Dung chia sẻ.

“Buổi họp phụ huynh như thế này giúp tôi hiểu con được nhiều hơn, từ ước mơ của con, mong muốn của con. Bởi có những điều, không bao giờ con chia sẻ với cha mẹ”, chị Thu chia sẻ. Tương tự, anh Nam xúc động nói: “Bấy lâu nay tôi cảm thấy con thật khó trò chuyện, mỗi lần nói chuyện với con là mỗi lần cáu gắt. Qua buổi họp phụ huynh này, tôi đã hiểu được mấu chốt của vấn đề rằng tôi đã chưa thật sự lắng nghe con nói. Cảm ơn cô chủ nhiệm đã mang đến cho những người cha, người mẹ như tôi biết nhìn lại mình và hiểu con hơn”.

Sau buổi họp, có 3 phụ huynh đã nán lại, gặp riêng cô Dung và khóc. “Làm sao để hiểu con hơn bây giờ cô ơi? Làm sao để con có thể phụ mẹ việc nhà nhiều hơn? Làm sao để con đừng mặc cảm rằng mình là đứa trẻ không ba?... Những điều đó, cô Dung nói rằng, phụ huynh đặt ra câu hỏi mà như chính mình đang hỏi lại phụ huynh vậy. “Trước giờ tôi cứ nghĩ đã biết về hoàn cảnh của các em nhưng lại không phải vậy. Có những thứ không bao giờ được ghi trong lý lịch. Có em vừa mất mẹ, có em lại phải chịu nhiều ẩn ức, có em lại đang phải chịu nỗi buồn gia đình cha mẹ ly hôn hay có em lại là đứa trẻ không cha, có em lại khó khăn về kinh tế… Từng trường hợp, tôi gặp riêng phụ huynh và học sinh để hỏi sâu hơn và động viên và chia sẻ”, cô Dung bày tỏ.

Theo cô Dung, khi tổ chức buổi họp phụ huynh như vậy, ngoài việc tạo ra cầu nối để cha mẹ hiểu hơn về con cái mình thì điều mà cô mong muốn nhất là “Phụ huynh đừng đặt nặng quá vấn đề điểm số, thi cử, chọn trường chọn nghề mà tạo áp lực cho các em. Đừng so sánh các em với bất kỳ ai. Hãy để các em được sống đúng với đam mê của bản thân trong những giới hạn cho phép”.

Yến Quân