Thứ hai, 28/11/2011, 18h11

Cá thể hóa việc dạy học xưa và nay

Ký ức về bức tranh thầy đồ và học trò được xem ngày nhỏ, làm tôi nhớ đến việc cá thể hóa việc dạy học mà nhiều nhà giáo nhắc tới hiện nay.
Một lớp học với nhiều học trò, ở nhiều cấp độ khác nhau vẫn đang diễn ra dưới sự dẫn dắt của một “ông thầy” - thầy đồ. Người thầy dạy học trò mọi cấp độ: từ những đứa trẻ vừa được ba mẹ đưa tới nhờ thầy khai tâm, khai trí, đến những thanh niên, những người đã có con, có cháu vẫn ấp ủ trong lòng hy vọng đỗ đạt trong kì thi Hương, thi Hội, thi Đình sắp tới. Tất cả “bọn học trò” ấy ngồi cùng chung một nhà, đứa dưới đất, đứa trên chiếu, đứa bò trên bàn… để học.
Thầy dạy ở những lớp học này không chỉ của một lớp học sinh có cùng trình độ như ta thấy trong các lớp học ngày nay, mà là thầy của nhiều trò, với các cấp độ (trình độ) khác nhau. Ông thầy ấy miệt mài kèm từng trò - ông áp dụng thứ mà bây giờ chúng ta gọi là cá thể hóa việc dạy học. Xem ra, không phải cái việc cá thể hóa xuất phát từ phương Tây, mà ở ngay một quốc gia nghèo khó nhưng hiếu học từ cả nghìn năm trước. Mỗi tội, các nhà giáo dục Việt Nam chẳng ai chịu làm cái việc đúc kết thành lí luận, nên giờ mới lấy Tây ra làm ví dụ, để học tập.
Tôi nhớ lại, hình như trên sách báo của ta cũng ghi chép đến các lớp ghép ở những vùng mật độ dân số thấp, không thể mở trường như thành thị. Các em học sinh ở miền núi và hải đảo cũng đã từng học trong các lớp học như vậy. Ở đó, một thầy cô giáo dạy một nhóm học sinh ở nhiều trình độ (lớp) khác nhau. Tất nhiên, để dạy được, thầy cô giáo cũng phải dùng đến phương pháp cá thể hóa việc dạy học.
Ở các “lớp” học ấy, học trò học chủ động và sáng tạo. Không chủ động sao được nếu muốn học được và học giỏi. Không sáng tạo sao được khi có những trò chỉ học những ông thầy (đồ) chẳng bao giờ đỗ đạt ấy lại đỗ bảng nhãn, tiến sỹ…
Quá khứ, lịch sử dân tộc đã từng tổ chức dạy học theo phương thức (pháp) cá thể hóa. Giờ đây các trường phổ thông bắt đầu nói đến cá thể hóa việc học tập của học sinh. Quá khứ cũng cho thấy học sinh có thể chủ động học, tự xây dựng kế hoạch học tập cho riêng mình và học tập sáng tạo. Thế thì cái gì đã không cho học sinh học chủ động, sáng tạo, thầy giáo kia không dạy tận tâm, không thể “cá thể hóa” việc dạy nhỉ? Có nhiều lẽ, nhưng điều dễ nhận thấy nhất đó là các lớp học của ta bây giờ đông quá, 40-50 học trò một lớp, thầy cô lại chỉ có thể dạy một hai tiết liền thì làm sao cá thể hóa được?
Nguyễn Kim Hồng (ĐH Sư phạm TP.HCM)