Thứ tư, 15/11/2017, 17h13

Cách mạng công nghiệp 4.0: Đặt giáo dục đại học trước nhiều thách thức

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng sẵn sàng cho hội nhập
Những năm qua, cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 hay còn gọi là “cách mạng số” đang hình thành ngày một rõ nét với nền sản xuất tự động hóa và công nghệ hóa. CMCN 4.0 làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất và phương pháp quản trị các nhà máy, doanh nghiệp thông minh, trong đó máy móc được kết nối mạng internet và kết nối với nhau tạo thành hệ quản lý khép kín vận hành công ty thay vì các dây chuyền sản xuất và phương pháp quản trị hành chính dựa vào sức người như trước đây. Robot trí tuệ nhân tạo dần thay thế lao động con người trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Nhiều công ty, doanh nghiệp đang chuyển sang xu thế hoạt động hầu như bằng máy móc, công nghệ, robot dẫn đến sự mất việc của hàng trăm ngàn người lao động.
CMCN 4.0 tác động rất lớn đến nền kinh tế - xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cơ hội nó mang đến là rất lớn vì giúp doanh nghiệp giảm chi phí lương, chi phí quản lý, chi phí sản xuất, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ hiện đại, giảm áp lực thời gian sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh… Tuy nhiên, khi CMCN 4.0 xuất hiện cũng là lúc nhiều ngành nghề biến mất, nhất là những ngành nghề thâm dụng lao động và nhiều người sẽ thất nghiệp. Song, để xã hội phát triển thì cuộc cách mạng này tất yếu phải diễn ra. Việc chúng ta nên làm ngay bây giờ là chuẩn bị thật tốt để đương đầu với những thách thức mà cuộc CMCN này mang lại hoặc sẽ bị tụt hậu mãi mãi. 
1.Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng” với hơn 50% dân số trong độ tuổi lao động nên 4.0 là cơ hội của chúng ta nếu chúng ta biết cách biến nguồn nhân lực phổ thông thành nhân lực chất lượng cao. Còn ngược lại, đây sẽ là áp lực cực kỳ lớn, vì với một đội ngũ nhân công dồi dào nhưng trình độ thấp, thiếu các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, thiếu trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, không đủ khả năng cạnh tranh… Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp tràn lan. Nếu không nhanh chóng đưa ra các giải pháp hữu ích thì nước ta sẽ phải đối mặt với gánh nặng chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho hàng trăm nghìn lao động trước nguy cơ thất nghiệp. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã chỉ rõ khoảng 86% số công nhân dệt may và da giày của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm khi nền công nghiệp đi vào tự động hóa. Đây là rủi ro rất lớn khi các ngành dệt may, da giày đã tạo ra không ít việc làm cho người lao động.
Hiện nay, dù trình độ sản xuất của Việt Nam còn thấp, chỉ đang ở giai đoạn công nghiệp 2.0 hoặc 3.0 nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước đã thay đổi tư duy, chú trọng đổi mới công nghệ, tuyển chọn nhân lực xuất sắc để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực. Do đó, vì sự tồn vong của doanh nghiệp mình, họ không chọn lao động giá rẻ như trước đây nữa mà thay vào đó là lao động có sức cạnh tranh, có kỹ năng sử dụng các công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ dẫn đến nguồn nhân lực của chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn vì đa số chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, người lao động còn thiếu hụt các kiến thức và kỹ năng liên quan đến nhận thức (tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng thích nghi, kỹ năng sáng tạo); các kỹ năng về thể chất (kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng số, kỹ năng kết nối); và các kỹ năng về xã hội (giao tiếp, ứng xử, tạo lập quan hệ, làm việc theo nhóm)… Đó một phần là lỗi ở hệ thống giáo dục. Hệ thống giáo dục của chúng ta những năm qua có rất nhiều cải cách, nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng còn áp dụng công nghệ, chương trình, giáo trình cũ kỹ trong giảng dạy, đào tạo. 
2. Trong thời kỳ phát triển nào con người luôn là yếu tố trung tâm. Không ngoại lệ, muốn bắt kịp và hòa nhập vào cuộc CMCN 4.0, nguồn nhân lực chất lượng cao phải là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Câu hỏi lớn đặt ra cho tất cả chúng ta là làm sao để có được một đội ngũ lao động chất lượng cao kịp thời. Kinh nghiệm của các nước phát triển là để có được một nguồn nhân lực có năng lực sáng tạo, có khả năng ứng dụng nhanh những thành tựu mà cuộc cách mạng số tạo ra, có tinh thần khởi nghiệp và đủ bản lĩnh để đứng trước sự đổi thay và phát triển - chỉ có một cách là thông qua giáo dục và đào tạo. 
Tuy nhiên, các trường đại học ở nước ta hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, cải cách giáo dục chưa mang lại hiệu quả, thiếu sự gắn kết giữa đào tạo và thị trường lao động gây ra tình trạng sinh viên thất nghiệp nhiều khi ra trường, dẫn đến việc dư thừa lao động gây lãng phí lớn.
Để đào tạo được nguồn nhân lực thích ứng với kỷ nguyên mới, bắt buộc các trường phải thay đổi tư duy về giáo dục, đổi mới mô hình, chương trình và phương thức đào tạo theo hướng CMCN 4.0. Mục tiêu không còn là đào tạo sinh viên ra trường có việc làm nữa, mà phải đào tạo cho ra những công dân toàn cầu có năng lực tư duy đổi mới và sáng tạo và đủ tố chất để lĩnh hội các kỹ thuật tiên tiến trong kỷ nguyên cách mạng số. 
Việc cải cách phải bắt đầu từ những người đứng đầu các trường đại học, họ phải là những người thay đổi tư duy, sẵn sàng tiếp nhận những thách thức từ sự phát triển, sẵn sàng áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào giảng dạy. Thực tế hiện nay tại các trường, việc đào tạo chưa gắn liền với thực tiễn, dạy lý thuyết là chủ yếu, vì thế khi ra trường làm việc tại các công ty, sinh viên rất mơ hồ trong việc sử dụng các thiết bị, phần mềm công nghệ, thường là các doanh nghiệp phải đào tạo lại từ đầu.
Đầu tiên, để việc giáo dục được thực hiện tốt, các trường cần tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng cao, thu hút các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành về giảng dạy và nghiên cứu. Bên cạnh đó, các trường phải đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học để giữ chân người tài; đảm bảo cuộc sống cho các nhà khoa học để họ tập trung nghiên cứu và giảng dạy.
Tiếp đến, các trường cần đầu tư cơ sở vật chất, phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại về tự động hóa, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng và vật liệu mới, công nghệ sinh học... để tạo môi trường làm việc tập trung cho chuyên gia và các sinh viên. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để cho ra đời nguồn nhân lực trẻ trí tuệ cao và những sản phẩm công nghệ tiên tiến.
3. Trong cuộc cách mạng 4.0, nhiều ngành nghề sẽ biến mất và thay vào đó là các ngành nghề khác, phù hợp với sự phát triển của nền công nghiệp số như điện tử, viễn thông, cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin… Các trường đại học nên chú trọng đào tạo nguồn nhân lực các ngành này, vì khi bước vào CMCN 4.0, nhu cầu tuyển dụng nhân lực các ngành này sẽ phát triển mạnh mẽ. Để nguồn nhân lực công nghệ có trình độ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, các trường nên khuyến khích sự tham gia cố vấn của doanh nghiệp. 
Các trường nên chủ động kết nối nhiều hơn với doanh nghiệp, phải xem doanh nghiệp là thị trường của mình, sinh viên mình đào tạo ra là để đáp ứng nhu cầu công việc cho các doanh nghiệp ấy. Doanh nghiệp sử dụng những máy móc, thiết bị, phần mềm nào, chúng ta sẽ chú trọng dạy sinh viên những máy móc, thiết bị và phần mềm đó.
Thêm vào đó, các trường và doanh nghiệp nên phối hợp với nhau trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để cho ra đời những sản phẩm mang tính trí tuệ cao, đạt tiêu chuẩn của thời đại 4.0.
Bên cạnh đó, các trường cũng cần chú trọng thu hút đầu tư từ nước ngoài, từ các thành phần kinh tế vào giáo dục; đầu tư mua sắm máy móc công nghệ mới nhất để giảng dạy sinh viên; rút ngắn thời gian giảng dạy lý thuyết, dành thời gian nhiều hơn cho các giờ giảng về thiết bị máy móc và tiêu chuẩn nhân lực chất lượng cao.
Nhà nước cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo động lực để các trường phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. NN cần tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường các sản phẩm công nghệ cao được phát triển bền vững, qua đó thúc đẩy sự sáng tạo của sinh viên. Giá cả sản phẩm công nghệ phải được định giá tương xứng với công sức và tư duy của người làm ra. Đánh giá đúng năng lực và ưu đãi đặc biệt với các chuyên gia đầu ngành. Hỗ trợ phát triển các vườn ươm khởi nghiệp, vườn ươm công nghệ. Và Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý tạo môi trường thuận lợi để khởi nghiệp và để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngô Thị Thanh Tiên