Thứ sáu, 4/11/2011, 09h11

Cần phân loại các trường đại học

Phải phân tầng các cơ sở GDĐH và phân hóa chất lượng đào tạo chứ không nên “đánh đồng một lứa” như hiện nay.

Trao đổi với báo chí sau khi trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) ngày 2- 11, ông Đào Trọng Thi cho biết.
Sinh viên trường ĐHXH&NV Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Hồng Vĩnh.

  Luật GDĐH được ban hành có giải quyết được những bức xúc về chất lượng đào tạo hiện nay không, thưa ông?

Luật này được kỳ vọng sẽ đề cập, xử lý tất cả những vấn đề lớn, bức xúc của GDĐH. Một vấn đề cần quan tâm trong luật là nhu cầu về phân tầng các cơ sở GDĐH. Bây giờ không thể nói cơ sở GDĐH là chung chung như nhau, “đánh đồng một lứa”.
Hiện nay bằng nào cũng như nhau, chung nhau một mẫu. Do vậy, phải phân loại các trường. Nhà nước xác định cơ sở GDĐH có uy tín chuyên môn để công bố cho xã hội biết. Như ở Mỹ, một sinh viên Harvard ra trường là được sự tin tưởng lớn.
Ở Việt Nam cũng có những cơ sở đảm bảo nhưng nhà nước không thừa nhận chính thức. Như vậy việc phân tầng các cơ sở GDĐH và phân hóa chất lượng đào tạo là rất quan trọng. Đây là nhu cầu xã hội và nhà nước phải có chính sách để công bố thông tin này.
Như vậy có dẫn đến việc sinh viên đổ xô vào một số trường được công bố chất lượng tốt?
Thực tế, hiện nay trong xã hội đã tự phát có các giải pháp khác nhau để phân tầng. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở khoa học nên việc phân loại có khi không chính xác.
Ví như, coi đào tạo đại học hệ tại chức là chất lượng thấp nên có địa phương không tuyển sinh viên tại chức. Nhưng nếu cơ sở đào tạo tốt thì sinh viên tại chức cũng có người giỏi, mặc dù tỷ lệ giỏi ít hơn. Các trường công lập và ngoài công lập cũng vậy, ấn tượng xã hội là trường công lập đảm bảo hơn về chất lượng, nhưng điều này không có nghĩa các trường ngoài công lập đều kém trường công lập. Càng không có nghĩa tất cả sinh viên dân lập kém sinh viên công lập.
Thực tế, tùy từng cơ sở sẽ đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực nhất định. Có nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực đại trà. Thậm chí có cơ sở GDĐH cung cấp nguồn nhân lực cho nhu cầu địa phương. Như vậy là có các mức độ đào tạo khác nhau và chúng ta phải chấp nhận, vì năng lực đào tạo của các trường.
Còn việc phát triển quá nhanh các cơ sở GDĐH, luật này có giải pháp để xử lý?
Mục tiêu của chúng ta là khuyến khích thành lập các trường đại học bởi chúng ta vẫn đang thiếu các trường. Nhu cầu học của nhân dân đã đáp ứng được bao nhiêu đâu. Chúng ta cần nhiều trường đại học, nhưng đó là các trường có chất lượng chứ không chấp nhận những trường không đảm bảo chất lượng.
Muốn vậy phải kiểm soát chặt chẽ hơn các điều kiện thành lập trường. Điều quan trọng hơn, xã hội dần dần phải phản ứng với những trường không đảm bảo chất lượng. Theo tôi, vừa qua đã xuất hiện dấu hiệu rất tích cực, tức là thanh niên, học sinh rất cần học, muốn học, nhưng người ta không chấp nhận những trường kém chất lượng.
Điều đó cho thấy, thị trường nguồn nhân lực đã định hướng sự phát triển của các trường đại học, buộc các trường phải đảm bảo chất lượng. Đó chính là quy luật tự nhiên. Nếu dùng các biện pháp hành chính không phải là điều tốt mặc dù biện pháp hành chính cũng rất cần.
Vậy ông có lo ngại các trường đại học dân lập tuyển sinh đầu vào quá thấp, không đảm bảo chất lượng, có thể triệt tiêu các trường nghề, trường cao đẳng?
Không phải. Thực tế hiện nay đã có xu hướng các trường nghề, trường cao đẳng lên ngôi, nhất là các trường có chất lượng vì người học đã có nhận thức được, vào đời không nhất thiết phải có bằng đại học mà có thể vào đời bằng nghề có chất lượng. Khi đó, họ tìm được việc tốt, có thu nhập cao. Tôi nghĩ, xã hội đang có sự điều chỉnh theo định hướng phát triển của một thị trường nhân lực lành mạnh.
Còn việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường, luật lần này có bổ sung gì không, thưa ông?
Đây là vấn đề bức xúc nhất. Ở các nước, tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của GDĐH, là điều đương nhiên, thậm chí họ còn gọi là “tự trị đại học”, cao hơn cả tự chủ. Tuy nhiên, trong thời gian qua chúng ta giao quá ít quyền tự chủ cho các trường nên mới thành chuyện lớn.
Đã đến lúc phải trao quyền tự chủ thực chất hơn cho các trường và tạo ra cơ chế thông thoáng, khuyến khích tính năng động sáng tạo, phát huy nguồn lực của các trường. Tuy nhiên, do các trường ở ta trình độ phát triển, năng lực quản lý, chuyên môn khác nhau nên không thể giao quyền tự chủ đồng loạt. Nếu vậy, sẽ có cơ sở lợi dụng trong điều kiện chúng ta chưa quản lý tốt thì có khi lại nảy sinh tác dụng ngược lại.
Hà Nhân (ghi)
Theo Tiền Phong