Thứ tư, 3/8/2011, 15h08

Cần quan tâm nhiều hơn đến học sinh lớp 6

Thầy cô dạy lớp 6 cần chú ý hướng dẫn HS cách học ngay từ đầu năm và giảng bài chậm hơn để các em quen dần với phương pháp học ở bậc THCS. Ảnh: N.Q
Những năm gần đây, khi học sinh (HS) lên lớp 6 được phân về các trường THCS theo tuyến thì các bậc phụ huynh không còn quá căng thẳng xem con mình vào trường hệ A hay B hoặc trường đó như thế nào. Đáng lo ngại hơn, với tâm lý chung là khi con em được vào lớp 6 thì họ xem như xong, không cần phải quan tâm nữa!
Về phía trường THCS, khối lớp thường được quan tâm nhiều là khối 8 và khối 9. Bởi khối 8 là lứa tuổi HS có nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên hay nghịch phá, có nhiều vấn đề về hạnh kiểm cần phải chú ý. Còn khối 9 là khối thi tuyển vào lớp 10, là “bộ mặt” của nhà trường nên cần quan tâm nhiều hơn, nhất là về học tập. Còn khối 6 được cho là nhẹ gánh nhất vì các em còn ngây thơ, dễ dạy so với các khối khác. Như vậy, vô tình cả gia đình lẫn nhà trường đều có xu hướng an tâm khi trẻ học lớp 6. Điều đó thật thiệt thòi cho các em vì đây là năm đầu tiên lên trung học, các em còn nhiều bỡ ngỡ trước mọi thứ mới lạ, không như ở tiểu học.
Việc đầu tiên làm cho các em trở nên nhút nhát là từ HS lớn nhất của trường tiểu học lại trở thành nhỏ nhất của trường THCS. Nhìn các anh chị lớp trên to lớn, lanh lợi, các em bỗng thấy mình sao nhỏ bé, ngờ nghệch, nếu bị các anh chị lớp trên hù dọa lại càng sợ hơn. Chưa hết, các nội quy, quy định của nhà trường đều được thực hiện thật nghiêm túc như đi trễ, không có phù hiệu trên áo, không đeo khăn quàng, quên mang dép có quai hậu… sẽ bị nhắc nhở, ghi tên từ ở cổng trường rồi sau đó còn bị giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở trong tiết sinh hoạt lớp, bị trừ điểm hạnh kiểm. Từ đó dẫn đến tình trạng các em rụt rè, mất tự tin.
Việc học cũng bao điều mới lạ, mỗi thầy cô dạy một môn, xong 1 tiết (45 phút) là thầy cô sang lớp khác dạy, không hiểu bài, không chép bài kịp cũng chẳng biết làm sao. Nhiều thầy cô ở THCS quen dạy các lớp 8, lớp 9 đến khi dạy lớp 6 vẫn giữ nguyên phong cách đứng lớp, phương pháp giảng dạy mới làm các em thêm lúng túng, mất tự tin. Quên học bài, làm bài hay không tập trung trong giờ học... là bị ghi vào sổ đầu bài, lớp bị trừ điểm thi đua. Nhiều môn học mới như môn vật lý với những bài học trừu tượng, nếu không nghe giảng kĩ gần như các em không hiểu gì hết (đây cũng là môn học khá nhiều HS lớp 6 phải học thêm mới hiểu). Ngay ở môn toán, phần đầu chương trình là học về tập hợp, lũy thừa… quá xa lạ về kiến thức lẫn cách trình bày bài làm. Môn Anh văn ở tiểu học chủ yếu là vui học, nghe nói vài mẫu câu thông thường quen thuộc thì bây giờ là phải thuộc từ vựng, hiểu ngữ pháp mới có thể làm bài được. Môn ngữ văn tưởng chừng quen thuộc lắm thì ở các văn bản đầu tiên học trong chương trình đầy rẫy từ Hán Việt, từ chú giải… Và giáo viên thường cho HS chuẩn bị bài trước ở nhà các văn bản sắp học như tự chia đoạn, tìm ý, giải thích từ, trả lời câu hỏi… làm cho các em càng thêm ngán ngẩm. Giáo viên ngữ văn cũng thường áp dụng phương pháp cho các em tự thuyết trình - đây là phương pháp mà ở cấp tiểu học các em ít khi thực hiện. Ở các môn học bài như lịch sử, địa lý, sinh học… các em cũng bị điểm dưới trung bình, thậm chí có em còn thi lại. Lý do thật đơn giản, vì ở tiểu học trước mỗi lần kiểm tra, thi học kì, ở các môn học bài, giáo viên thường chia câu hỏi ôn tập cho các em ôn dần mỗi ngày 2-3 câu và mỗi buổi học đều có dành thời gian để trả bài; HS chưa thuộc bài sẽ phải học ngay tại lớp. Khi lên lớp 6, ở các môn học bài, các thầy cô chỉ cho câu hỏi ôn và các em tự sắp xếp mà học, không có sự nhắc nhở kiểm tra chặt chẽ như lớp dưới.
Hiện nay, các bậc phụ huynh thường thể hiện sự quan tâm đến việc học của con em bằng cách cho đi học thêm. Ở tiểu học, các em chỉ học 3 buổi/ 1 tuần (ở một nơi), thì lên lớp 6 cứ 1 môn học 2 buổi/ 1 tuần ở nhiều nơi khác nhau. Như vậy suốt tuần chỉ có học và học. Liệu học như thế các em có tiến bộ hơn? Nhiều giáo viên THCS than rằng, HS lớp 6 học kém, lười. Thật vậy, số HS lớp 6 thi lại, ở lại lớp hàng năm không ít so với các lớp lớn hơn ở THCS.
Để giảm được điều này, các thầy cô dạy lớp 6 cần chú ý hướng dẫn các em cách học ngay từ đầu năm, giảng bài chậm hơn; các phương pháp mới ở THCS cần áp dụng từ từ để các em quen dần; nhắc nhở các em học bài trước mỗi lần kiểm tra… Ngoài ra, các thầy cô hãy nhớ: lớp 6 là lớp “vỡ lòng” của THCS, cần khai phá từng bước một thì các em mới có thể “bắt nhịp” được phương pháp dạy và học ở trung học. Riêng các phụ huynh có con học lớp 6 phải quan tâm đến các em nhiều hơn để kịp thời giúp các em vượt qua giai đoạn đầu hết sức khó khăn ở THCS từ tâm lý đến cách học, đừng giải quyết đơn giản là lớp 6 học yếu thì cho học thêm. Nếu có sự kết hợp đồng bộ giữa nhà trường và gia đình, chắc rằng HS lớp 6 sẽ học tốt hơn.
Lê Phương Trí
(GV Trường TH Đống Đa, Q.4, TP.HCM)
Các thầy cô hãy nhớ rằng, lớp 6 là lớp “vỡ lòng” của bậc THCS, do đó thầy cô cần khai phá từng bước một thì HS mới có thể “bắt nhịp” được phương pháp dạy và học ở trung học.