Thứ tư, 18/4/2012, 09h04

Cấp cứu cho ngành sư phạm

Nhiều năm nay, xã hội quay lưng với ngành sư phạm. Nguyên nhân là do đâu? Làm sao để khắc phục thực trạng này, bằng các biện pháp gì? Sẽ là một mối nguy rất lớn đối với đất nước nếu như không có sự thay đổi nhanh chóng và kịp thời về nhận thức xã hội cũng như chính sách đào tạo ngành sư phạm một cách đúng hướng và hiệu quả. Nhưng bằng cách nào? Đó là mục đích của diễn đàn này và Báo Lao Động rất mong ý kiến đóng góp từ bạn đọc.

Quay lưng với nghề giáo

Mỗi mùa thi đại học, cao đẳng là một lần chân dung của ngành sư phạm được nhận diện rõ hơn từ góc nhìn của hiện thực xã hội. Nghề giáo không được xã hội đánh giá cao nên không định hướng cho con cái theo học. Những học sinh giỏi không chọn ngành sư phạm cho nên ngành này vừa thiếu người học và người học lại yếu.
Qua loa sư phạm
Trước năm 1975, ở miền Nam nghề giáo rất được coi trọng. Những người thầy dạy cấp ba thường được gọi là “giáo sư” với tất cả sự kính trọng. Đồng lương của giáo viên khá cao so với mặt bằng thu nhập chung. Thầy giáo có đời sống rất tử tế, không phải dạy thêm hay làm thêm. Những người có khả năng thì viết sách, còn lại tham gia các hoạt động xã hội, nghiên cứu sách vở để nâng cao nghề nghiệp, bổ sung kiến thức. Vì vậy hình ảnh của người thầy trong xã hội rất đẹp, được đề cao, con cái làm nghề giáo thì cha mẹ nở mày nở mặt.
Những năm bao cấp, hình ảnh người thầy khác đi vì cái nghèo, cái đói. Các nghề khác còn đỡ hơn nghề giáo cho nên mới có câu “nhất y nhì dược, tạm được bách khoa, qua loa sư phạm”. Khi đất nước đổi mới, tưởng rằng nghề giáo có cơ hội để “phục hưng”, nhưng những ngành mới mở mang tính thời thượng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế có sức hấp dẫn hơn khiến cho xã hội không còn quan tâm đến ngành sư phạm.
Cùng có sức học như nhau, nhưng người học ngành thuộc nhóm kinh tế ra trường có đời sống khác hẳn người làm thầy giáo, có khi thu nhập chênh lệch nhau vài chục lần. Những kỳ lễ tết, người làm các ngành kinh tế, dịch vụ được thưởng từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, còn nghề giáo thì chỉ đủ mua ký mứt hay ăn bát phở
Chính vì sự khác biệt về thu nhập khiến cho xã hội nhìn về nghề giáo càng “qua loa” hơn. Sự thiếu thốn trong cuộc sống và sự thua thiệt về đời sống kinh tế so với các ngành khác cũng khiến cho chính người theo nghề này thiếu tự tin. Những thầy - cô giáo rất yêu nghề cho dù có bản lĩnh để sống thật đẹp với nghề của mình nhưng chắc chắn trong lòng không khỏi chua xót.
Mối nguy rất lớn
Ngoài việc bị chính xã hội xếp vào loại “qua loa” thì chính trong ngành sư phạm cũng có sự phân biệt giữa ngành này với ngành khác. Các ngành như văn, sử, địa bị chê là không ai thèm học. Có trường, thí sinh đạt 0,25 điểm môn lịch sử vẫn đỗ vào ngành sư phạm lịch sử. Sự phân biệt này là do thầy giáo các môn xã hội không dạy thêm được, còn thầy giáo dạy các môn tự nhiên và tiếng Anh dù sao cũng có cơ hội hơn.
Năm nay cũng  vậy, ngành sư phạm vẫn bị quay lưng, nếu có thí sinh đăng  ký dự thi thì đa số cũng là những học sinh có năng lực học tập trung bình hoặc yếu, rất ít học sinh giỏi. Ngành sư phạm bị xem thường, đầu vào thiếu và yếu trong nhiều năm liên tục như vậy thì ngành giáo dục  sở hữu một lực lượng giáo viên chất lượng thấp, nguy hiểm hơn là thiếu nhiệt huyết với nghề. Cây nào sinh trái ấy, với lực lượng giáo viên năng lực hạn chế thì các thế hệ học sinh của chúng ta không thể giỏi giang như mong muốn.
Để thay đổi hình ảnh người thầy, thu hút học sinh giỏi đến với ngành sư phạm, nhiều ý kiến cho rằng, hãy cứ có chế độ tiền lương thật ưu đãi đối với nghề giáo, người đi dạy ở vùng sâu, vùng xa phải có thêm các chính sách hỗ trợ đặc biệt. Đừng  so đo từng đồng với nghề giáo, bởi vì đầu tư cho con người chính là thực hiện dự án vĩ đại nhất mà không hề sợ bị lỗ vốn.
Thầy Lê Sỹ Trọng - giáo viên Trường THCS Võ Thành Trang, Q.Tân Phú - cho rằng: Hiện nay rất nhiều học sinh không còn mặn mà với ngành sư phạm mà tập trung vào các ngành kinh tế, kỹ thuật để theo học đơn giản vì sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm ra trường khi về địa phương rất khó xin việc. Muốn xin được việc thì phải có tiền “lót tay” tới cả trăm triệu đồng. Nhiều giáo viên lương không đủ sống, sáng đi dạy chiều phải phụ quán càphê, dạy thêm để trang trải cuộc sống.
Phụ huynh Lê Văn Quang, đường 385, P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9: Ngày xưa nghề giáo còn được nhiều người coi trọng, chứ bây giờ theo ngành sư phạm sau này làm giáo viên lương “ba cọc ba đồng” không đủ sống, ra trường cũng chưa chắc xin được việc.     H.A.C ghi
Lê Thanh Phong
Theo Lao Động