Thứ ba, 15/12/2015, 23h00

Chiến tranh không chỉ có đạn bom

LTS: Chiến tranh đâu chỉ có bom đạn, chết chóc và đau thương. Chiến tranh còn có cả “tượng đài tình yêu” vững chắc dưới làn đạn, dẫu mấy mươi năm bặt tin họ vẫn đợi chờ nhau. Nhân kỷ niệm 71  năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12, Giáo dục TP.HCM trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt bài này.

Bài 1: Hơn cả tình yêu

Câu chuyện tình của Thiếu tá Huỳnh Kiều (1940) và nữ biệt động Nguyễn Thị Mai (1943) những ngày ngập chìm trong bom đạn đến khi đất nước im tiếng súng mãi đẹp, đẹp đến ngỡ ngàng.

Ông Huỳnh Kiều và bà Nguyễn Thị Mai hiện nay

Còn hơn cả tình yêu là sự cảm thông, lòng vị tha và đặc biệt sự thấu hiểu nỗi đau chiến tranh, từ đó họ đã viết nên những câu chuyện tình đẹp như tranh vẽ. Chiến tranh không chỉ có bom đạn hay mất mát, đau thương mà còn có tình yêu sâu sắc, thủy chung và lãng mạn.

Sức mạnh của tình yêu

Sức khỏe yếu vì di chứng tra khảo của chính quyền Sài Gòn nhưng nữ biệt động Nguyễn Thị Mai vẫn hào hứng khi chúng tôi nhắc lại chuyện mấy mươi năm trước. Bà Mai nheo mắt, nhớ lại: “Đợt 1 Mậu Thân (năm 1968), tôi là Đội phó Đội 3 phụ trách hậu cần (trực thuộc Đội 90C - Biệt động thành). Trong hàng ngàn tân binh tăng cường lên biên giới Tây Nam lúc đó có anh Huỳnh Kiều, là đồng hương với tôi (Quảng Nam). Lần được lệnh hành quân, cả đoàn quyết định mua con heo làm thịt để bồi bổ sức khỏe cho anh em. Sau khi ăn uống xong, tôi phân công ông Kiều mang mấy hủ mỡ. Trên đường đi, ông Kiều bị đau bụng nhưng không dám kêu ai, vì thế mà hủ mỡ cũng không còn nguyên vẹn. Đến nơi, ông Kiều thất thểu báo cáo: “Thưa… tui làm đổ hủ mỡ hết rồi”. Tôi giận vì đó là số mỡ dành nấu canh cho anh em nhưng cũng không nhịn được cười bởi bộ dạng của ông ấy”.

Bà Mai chia sẻ: “Lúc nào cũng thấy cái chết cận kề, không dám nghĩ đến chuyện xây dựng tương lai, hơn nữa tôi bị thương tật nặng trước đó vì di chứng tra khảo, bác sĩ kết luận vĩnh viễn không làm mẹ được. Vì thế bản thân tôi và cả anh ấy luôn giữ khoảng cách, vẫn cấp trên cấp dưới bình thường, chưa có tình cảm gì đặc biệt”.

Quyết định chuẩn y ông Huỳnh Kiều kết hôn với bà Nguyễn Thị Mai của Phòng Chính trị Quân khu 4

Trong lần bị bắt, chính quyền Sài Gòn tra khảo bà bằng cách cho lươn vào cửa mình. Người trực tiếp thăm khám và chữa ca đặc biệt này là y sĩ Lê Thị Vân, nguyên Chủ tịch UBND Q.Tân Bình. Ngoài di chứng ấy, bà Mai còn bị tra tấn khiến thường xuyên bị đau đầu mỗi khi trái gió trở trời. Đó cũng chính là lý do mà đồng đội không đồng ý tác hợp tình duyên cho hai người vì sợ mai này bà sẽ khổ tâm.

Mọi chuyện thay đổi từ năm 1971, khi đội đóng quân ở biên giới Campuchia, trong chiều hai người dạo chợ quê, ông Kiều đề đạt với cấp trên trực tiếp của mình: “Tui muốn xây dựng gia đình với người miền Trung”. Cả đội biết bao nhiêu chị em là người miền Trung, anh muốn nói ai? Bà Mai thiệt tình, hỏi lại. “Là chị đó”, ông Kiều khẳng định. Ông Kiều nắm lấy tay bà Mai siết thật chặt như thay lời muốn nói. Đáp lại lời ông Kiều là cái nhìn e thẹn, dứt khoát: “Tui là thương binh, không thể…”. Ông Kiều tiếp lời: “Dù có tương lai hay không, tui vẫn tình nguyện xây dựng hạnh phúc gia đình với đồng chí thương binh”.

Nhận báo cáo của ông Kiều, tổ chức lo lắng vì tình hình sức khỏe của Mai như bác sĩ đã thông báo. Tuy nhiên, với tình yêu mà hai người dành cho nhau, tổ chức đồng ý nhưng phải có thời gian “thử thách”. Không lâu sau, cơ quan đã có quyết định tổ chức đám cưới cho hai người. Đám cưới sắp diễn ra theo kế hoạch nhưng không thực hiện ngay được vì hồ sơ Nguyễn Thị Mai ở Bộ Tổng tham mưu sắp phải đem ra xét xử. Mai bị kết án tù giam. Cuối năm 1972, Mai ra tù với đôi nạng vì hai bàn chân bị đốt trong lần tra khảo dẫn đến tê liệt.

Hạnh phúc vững bền

Lễ cưới cực kỳ đơn giản, đặc biệt cũng được diễn ra sau đó tại đền Bến Dược (huyện Củ Chi, TP.HCM). Chính xác là buổi họp nhanh của đơn vị và công bố quyết định của Phòng Chính trị.

Nhắc đến nữ biệt động Nguyễn Thị Mai, đồng đội nhớ đến một người phụ nữ gan dạ, kiên trung và từng được nữ tướng Nguyễn Thị Định tặng khẩu súng K54 trong Đại hội Chiến sĩ thi đua mừng công toàn miền năm 1968. Trở về với cuộc sống đời thường, bà là người mẹ, người vợ tảo tần chịu thương chịu khó. 

Trước đó, hay tin hai người nên duyên chồng vợ, cơ sở gửi lên khúc vải để may chiếc quần tươm tất cho Mai. Nhận vải, Mai choàng thử rồi ngắm nghía, đó sẽ là cái quần đẹp nhất mà chị từng có. Tiếc thay, nửa đêm pháo kích vào tâm điểm căn cứ, chiếc quần giặt phơi bên ngoài cũng nát bươm.

Trên chiếc xe của Sư 9 từ Bến Súc - Bình Dương về Sân bay Tân Sơn Nhất vào trưa 30-4-1975 có bà Mai và con trai Huỳnh Đức Dũng tròn 10 ngày tuổi. Trước đó, biết tin Mai có mang, ai nấy cũng vỡ òa sung sướng, đồng đội ở cơ sở, các căn cứ cũng đã băng rừng lội suối đến chúc mừng Mai, còn là để tận mắt chứng kiến chuyện khó tin.  

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, ông Kiều và bà Mai được phân công về Bộ Tư lệnh thành. Năm 1979 bà về hưu, ông tham gia mặt trận 479. Không còn sức thức khuya dậy sớm gói bánh rò, bánh ú như trước, nay ông bà lấy bánh bán, chính là để vui tay vui chân. Do di chứng tra khảo, sức khỏe của bà nay yếu mai đau, từ việc chợ búa, bếp núc đến đưa bà đi bệnh viện… cũng một tay ông Kiều đỡ đần. Ông cười, môi run run: “Hình như càng già càng sợ mất nhau thì phải”.

Ông bà có với nhau hai con trai: Huỳnh Đức Dũng (kỹ sư hóa, 41 tuổi) và Huỳnh Phước (kỹ sư viễn thông, 40 tuổi). Con đã lập gia đình, công việc ổn định, không phải lo lắng nhiều về kinh tế. Không phải đến sau này mà trước đây, dù cái ăn bên đôi bờ thiếu đủ nhưng chưa đến ngày nhận lương hưu, ông bà đã lên lịch, thuê xe, mua quà… đi thăm đồng đội cũ đang gặp khó khăn trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Trần Tuy An