Chủ nhật, 22/4/2012, 10h04

Chỗ dựa đời tôi

Bài dự thi viết “Từ hình ảnh người mẹ, suy nghĩ về vai trò người phụ nữ Việt Nam trong gia đình”.

Chị đã thay mẹ dạy em dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn... (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ. Gia đình lâm vào cảnh vô cùng khó khăn sau cơn bạo bệnh của mẹ. Chị tôi lúc ấy đã có gia đình riêng với hai con còn nhỏ nhưng phải quay về nhà, cùng ba và anh trai gánh vác gia đình.
Chị suốt ngày bận bịu chuyện bán buôn nhưng vẫn không quên để mắt kiểm soát những quy định dành cho cô em gái út của mình: Dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm và… ngủ trưa.
1. Ngày ấy, là một đứa trẻ con nên tôi oán chị lắm. Sao chị bắt tôi phải làm nhiều việc vậy, sao chị không cho tôi đi chơi mà lại bắt tôi ngủ trưa? Tuy vậy, chị sẽ không sai hoặc không cho anh trai bắt tôi làm bất cứ việc gì nếu tôi đang học bài. Biết được điều đó nên suốt ngày tôi ôm quyển tập để chị một mình vất vả làm chuyện nhà và lo buôn bán kiếm tiền.
Ngày gia đình quá khó khăn, ai cũng khuyên cho tôi nghỉ học để phụ chị. Ba và anh đều đồng ý, chỉ có chị là kiên quyết không cho tôi nghỉ học. Chị kể, ngày trước mỗi khi đi học phải băng đồng, lội mương, đỉa đeo đầy chân nên cố gắng lắm chị cũng chỉ học đến lớp 4 rồi nghỉ học vì sợ đỉa; chị không muốn tôi vất vả một đời mưa nắng như chị. Vì vậy, suốt những năm học phổ thông, chị là người thay ba đi họp phụ huynh cho tôi và vai chị thêm nặng gánh để tôi được đến trường. Sương gió của cuộc đời làm tóc chị bạc nhiều, bàn tay chai sần vì lam lũ, chị già hơn nhiều so với tuổi của mình nên cô chủ nhiệm, bạn bè cứ nhầm chị là mẹ của tôi. Chị không buồn mà còn động viên em gái vì sợ em buồn, tủi thân khi mồ côi mẹ. Chị lo cho tôi từng chút một, còn phần mình thì thua thiệt mọi bề. Tôi nhớ hoài cái Tết đầu tiên không có mẹ, dù nợ nần chồng chất, dù khó khăn bộn bề, chị vẫn dành dụm mua cho tôi khúc vải may đồ Tết. Ngày ấy quá vô tư, tôi dằn dỗi không thèm mặc với ý nghĩ vì sao ngày Tết mà chị lại cho tôi mặc áo không có tay. Khi lớn lên, hiểu ra tôi thương chị trào nước mắt: Chị chỉ đủ tiền mua ngần ấy vải thôi.
Không những buôn bán giỏi, đảm đang việc nhà mà chị còn là người nấu ăn rất ngon. Giỗ chạp ở nhà, đám cưới họ hàng, người thân… chị luôn là đầu bếp chính. Khi tôi xa nhà trọ học, chị vẫn đều đặn gửi thức ăn cho em gái vì sợ em tiết kiệm trong ăn uống sẽ không đủ sức học hành. Thói quen gửi thức ăn cho em giờ chị vẫn giữ, chị bảo: Chốn thị thành cái gì cũng đắt, lại không phải tự nhiên, cá nuôi, tôm nuôi, rau thì nhiều thuốc, chị gửi đồ ăn lên cho mấy đứa đỡ nhớ nhà.
2. Khi tôi trưởng thành, chị là người thuyết phục ba để tôi được đến với người mình yêu. Chị bảo chị đã dang dở tình đầu do mâu thuẫn người lớn, chị muốn hôn nhân của út được hoàn hảo, toại nguyện hơn. Ngày tôi xuất giá, chị dặn dò từng chút một, sợ tôi không trọn vai người dâu thảo. Tôi nhớ hoài hình ảnh chị đứng nép sau cột nhà ngày đưa dâu tôi, ánh mắt tràn niềm vui nhưng sao nước mắt lại tràn trên mi. Ánh mắt ấy vẫn dõi theo tôi trên mọi nẻo đường. Vui buồn trong cuộc sống, tôi gọi điện về báo chị. Khi tôi vui, chị cười trong trẻo, chúc mừng em. Những lúc tôi buồn, có mâu thuẫn với chồng, chị luôn khuyên bảo và chỉ cho tôi biết cái sai của tôi ở chỗ nào. Yêu thương em là thế nhưng chưa bao giờ chị bênh vực tôi ra mặt, chị rất khắt khe, nghiêm khắc dạy tôi phải hiếu kính với nhà chồng. Nhưng tôi biết, trong lòng chị cũng xót xa cho em gái. “Con gái không có mẹ thiệt thòi là vậy đó. Em đừng để người ta bảo mình mồ côi mẹ nên không được bảo ban, dạy dỗ tới nơi tới chốn nghen em”. Câu nói đó là hành trang để tôi vào đời cho đến ngày hôm nay.
3. Chị của tôi bình dị, chân phương và có phần lam lũ, nhưng với tôi, chị là cả một niềm tự hào, là chỗ dựa êm ái, vững vàng nhất mà mình may mắn có được. Chị vừa là chị, là bạn, vừa là người mẹ hy sinh một đời, nhận hết khó khăn về phần mình để đứa em như tôi có được ngày hôm nay. Tôi học được tính bao dung, dịu dàng, nhẫn nhịn và chịu thương chịu khó từ chị. Mỗi lần vấp ngã trong đời, tôi nhớ về hình ảnh của chị, nhớ về những hy sinh của chị, tình yêu thương mà chị đã dành cho tôi để mà gượng dậy, đứng lên. Chị không những vững tay chèo chống gia đình qua cơn giông bão mà còn nhẹ nhàng dạy dỗ, hy sinh để nuôi dạy tôi nên người. Chị chưa bao giờ kể công, kể khổ, cũng chẳng mong chờ ngày được báo công. Viết những dòng này cho chị, đứa em gái là tôi chỉ mong được một lần trải lòng mình trên trang giấy, được một lần nói lên lời yêu kính và cảm ơn đối với chị - những việc mà lẽ ra tôi nên làm từ lâu lắm, và trên hết là muốn chị biết: Em thật hạnh phúc và tự hào là em gái của chị, chị Tư ơi!
Trần Thị Oanh Thủy
(Chủ tịch CĐCS Trường THPT Quốc tế Việt Úc)
 
Từ hình ảnh người mẹ, suy nghĩ về vai trò người phụ nữ Việt Nam trong gia đình” là cuộc thi do Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức. Ban Nữ công Công đoàn Giáo dục TP.HCM phát động đến các trường, đơn vị trực thuộc nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” trong CB-GV-CNV ngành giáo dục; tôn vinh vai trò và những đóng góp to lớn của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình. Cuộc thi còn nhằm tạo điều kiện để CB-GV-CNV gửi gắm những tâm sự, những kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình, phương pháp nuôi dạy con trong thời kỳ hội nhập.
Bài dự thi không quá 1.000 chữ, chưa đăng trên các phương tiện truyền thông, blog cá nhân. Công đoàn Giáo dục thành phố sẽ chấm và trao giải nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6. Các bài dự thi xuất sắc sẽ được đưa vào tập san của ngành giáo dục thành phố. Bài dự thi (2 bộ) gửi về Công đoàn Giáo dục thành phố, 66-68 Lê Thánh Tôn, Q.1 và gửi file word về địa chỉ email: nguyenthigaicdgd@gmail.com.
Được sự thống nhất của Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục thành phố và Ban biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM, tòa soạn sẽ đăng tải các bài dự thi xuất sắc và chi trả nhuận bút theo quy định.
T.An