Thứ bảy, 27/8/2016, 21h22

Chớ nên xem thường môn học

Chuyện học lệch, học tủ, dựa vào điểm học bạ, coi thường bộ môn “phụ” đã khiến cho học sinh phải trả giá khi đủ điểm vào ĐH nhưng oái oăm thay lại… rớt tốt nghiệp. Anh bạn tôi kể, năm nay trường nơi công tác có hai học sinh rớt tốt nghiệp. Hai trường hợp hoàn toàn trái ngược nhau về nhiều góc độ.

Trường hợp thứ nhất: Cậu học trò học rất yếu nhưng ngoan, lễ phép và chăm chỉ học tập. Thầy cô thật sự yêu quý đức tính sẵn có của em. Trong quá trình học tập cũng như những ngày cận kề kỳ thi, hầu như  giáo viên nào cũng khẳng định rằng, với sức học đì đẹt như vậy, em sẽ rất khó vượt qua kỳ thi THPT quốc gia. Dẫu biết thế nhưng thầy cô luôn động viên em nỗ lực hết mình. Em đã không đậu tốt nghiệp, kết quả đúng như năng lực. Tuy rớt nhưng em cũng đã làm hết khả năng của mình nên thầy cô vẫn quý. Em không đậu nhưng em đã để lại nét đẹp của cậu học trò đáng quý.

Trường hợp thứ hai: Em đủ điểm vào ĐH với tổng điểm ba môn toán, lý, hóa trên 16 nhưng hai môn văn và tiếng Anh điểm quá thấp nên không đạt điểm đậu tốt nghiệp. Em thi rớt, thầy cô không buồn, vì đó là cái giá của sự chủ quan. Và điều đáng nói hơn là em vốn coi thường hai môn kia. Cứ đầu tư toán, lý, hóa để vào ĐH; còn văn và tiếng Anh chỉ cần vượt qua điểm liệt bởi đã có sự “trợ giúp” của điểm học bạ, điểm nghề. Cũng vì suy nghĩ lệch lạc như vậy nên đến giờ môn văn cũng như tiếng Anh, em không chịu học. Ngồi trong lớp cho có chỗ chỉ gây phiền cho bạn lại xem nhẹ giờ học của thầy cô dạy hai bộ môn này. Em thi trượt đúng như cái giá phải trả. Thiết nghĩ, trường hợp đủ điểm đậu ĐH mà rớt tốt nghiệp không chỉ có mình em. Có lẽ còn có những học trò khác cũng rơi vào trường hợp giống em.

Anh bạn còn cho hay, một số em đậu ĐH “hết sức may mắn” khi môn tiếng Anh đạt 1,25 điểm - số điểm vừa đủ qua điểm liệt. Nhiều người phỏng đoán rằng, nếu chấm thẳng tay bài chỉ được 1 điểm nhưng giám khảo có thể tìm ý cho thêm 0,25 điểm để đủ độ an toàn như một phao cứu sinh, nếu các môn còn lại làm được bài.  

Có lẽ, từ nhà trường cho đến Bộ GD-ĐT cần thống kê lại những trường hợp này như một bài học để dạy học sinh thế hệ sau. Bài học không chỉ là điểm số mà còn là những bài học quý khác của nhân cách.

Thái Hoàng