Thứ hai, 23/11/2015, 14h43

Cho nhau “một góc con người”

“Chị ơi! Em có tóc nhưng đã cắt từ lâu rồi, nhưng giữ lại làm kỉ niệm. Giờ không biết còn dùng được không?”, “Em muốn tặng thì liên lạc thế nào ạ?”, “Mình muốn ủng hộ tóc thật thì làm thế nào?”, “Chị ơi cho em hỏi thư viện tóc giả ở đâu ạ? Em không còn cọng tóc nào”… Những ngày này, thư viện tóc giả dành cho bệnh nhân ung thư lại tất bật với hàng trăm câu hỏi từ khắp nơi gửi về.

Thư viện tóc giả là một trong những dự án hỗ trợ bệnh nhân ung thư của Mạng lưới ung thư vú (UTV) Việt Nam (Breast Cancer Network VietNam - BCNV) nhằm giúp những người phụ nữ tự tin hơn với ngoại hình của mình, can đảm chống chọi lại bệnh tật.

Đồng cảm với nỗi đau người bệnh

Người ta còn gọi UTV bằng một cái tên thật mỹ miều: Ung thư “niềm kiêu hãnh”. Phải, với con người được làm phụ nữ, bộ ngực chính là niềm kiêu hãnh, là niềm tin và biểu tượng chứng minh họ có khả năng sản sinh và nuôi nấng những đứa con như hàng triệu phụ nữ khác. Vì thế, cái tin mắc bệnh UTV là một điều cực kỳ kinh khủng bởi cái họ mất đi không chỉ là thời gian, sức khỏe và tiền bạc mà còn là niềm kiêu hãnh về vẻ đẹp bản thân mình. Và nỗi đau ấy sẽ còn ghê gớm hơn nếu đó là người chưa từng lập gia đình, chưa qua một lần sinh nở. Mất ngực, chịu đựng nỗi đau về thể xác chưa đủ, họ còn chìm trong nỗi tuyệt vọng đến khôn cùng khi từng sợi tóc vốn cũng yếu đuối mong manh như chính tâm hồn mình rụng rơi sau mỗi lần hóa trị. Cũng bởi không thể vượt qua nỗi mặc cảm, tự ti nên nhiều bệnh nhân mắc bệnh UTV đã khép cánh cửa lòng, nhạy cảm trước mọi câu nói, cử chỉ quan tâm của mọi người. Thậm chí, rất nhiều người trong số đó đã quyên sinh, để lại sự hụt hẫng, xót xa cho những người ở lại.

Theo thống kê của BCNV, cứ 22 giây trôi qua thì có người nhận chẩn đoán mắc UTV, cứ 5 phút trôi qua lại có 1 phụ nữ đã qua đời và mỗi năm, chúng ta mất hơn 450.000 phụ nữ vì căn bệnh này. Hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh này đều được phát hiện khá muộn nên sau khi được phát hiện là bước ngay vào giai đoạn xạ trị với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.

Ý tưởng ra đời một thư viện tóc giả giúp các bệnh nhân ung thư có cơ hội lấy lại sự tự tin ra đời vào tháng 8-2013 và được điều hành bởi chị Nguyễn Thủy Tiên, em gái chị Nguyễn Khánh Thương (còn được biết với tên gọi Thương Sobey) - người chiến binh dũng cảm chống chọi lại căn bệnh UTV, cũng là người sáng lập ra BCNV. “Ban đầu, thư viện chỉ có những bộ tóc giả được làm bằng sợi nilon, sợi nhân tạo. Mỗi bệnh nhân ung thư có thể lựa chọn kiểu tóc phù hợp với gương mặt và đăng ký mượn trong vòng 3-6 tháng tùy theo mức độ điều trị. Tuy nhiên, do là sợi nhân tạo, có sử dụng hóa chất nên loại tóc này thường nóng và gây kích ứng cho da đầu bệnh nhân. Sau quá trình trao đổi và nghiên cứu, BCNV đã tiến hành thu gom để thực hiện các bộ tóc bằng chính tóc thật từ sự quyên góp của cộng đồng” - Thúy Mỹ, thành viên điều hành BCNV cho biết. Theo đó, những ai có sự đồng cảm với bệnh nhân ung thư đều có thể hiến tặng tóc, không phân biệt độ tuổi, giới tính hay quốc gia, vùng miền. Tóc được hiến tặng phải là tóc tự nhiên, chưa qua quá trình uốn, duỗi, nhuộm, dài từ 15cm trở lên. Sau khi hiến, mỗi bộ tóc sẽ có một mã số, người hiến tóc có thể theo dõi mã số trên hệ thống thư viện điện tử để biết tóc của mình được sử dụng ra sao. Thông thường, để làm ra một bộ tóc giả cần tới 3-4 bộ tóc thật. Do đó, khi làm ra thành phẩm, người hiến tóc sẽ biết tóc của mình được kết hợp với tóc của những ai, được bệnh nhân ung thư nào mượn. “Cứ tưởng sẽ rất khó khăn để có được những mái tóc dài tự nhiên, chưa từng qua một lần xử lý hóa chất. Nhưng không, từ khi lên kế hoạch và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng, thư viện tóc giả đã thu gom được gần 300 bộ tóc thật. Mới đây, trong Ngày hội Nón hồng - ngày hội lớn nhất trong năm của BCNV tổ chức vào tháng 10 tại Công viên Lê Thị Riêng (TP.HCM), Ban tổ chức đã thu được gần 200 bộ tóc từ những người đến hiến trực tiếp và từ khắp nơi gửi về”, trong đó có những bộ tóc rất dài và đẹp chứng tỏ sự chăm chút, nâng niu của chủ nhân đối với tóc của mình” - Thúy Mỹ cho biết thêm.

Tình riêng gửi lại chút này

Có rất nhiều câu chuyện cảm động được ghi lại từ những người hiến tóc. Một em nhỏ 9 tuổi được mẹ đưa đến Ngày hội Nón hồng đã không ngần ngại cắt bỏ mái tóc dài đen nhánh được chăm chút từ nhỏ để dành tặng cho các cô, bác bị bệnh ung thư. Một người mẹ mang bầu đến tháng thứ 9 tình nguyện tìm gặp Ban tổ chức dành tặng mái tóc dài trước ngày lâm bồn. Cảm động hơn cả là một bệnh nhân mắc bệnh UTV cũng hiến tặng mái tóc của mình trước khi bước vào giai đoạn hóa trị vì “bác sĩ nói điều trị sẽ bị rụng tóc nên cô quyết định “xuống” tóc trước”.

Không chỉ được nhiều người biết đến, hoạt động hiến tóc còn thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ, những người vốn coi mái tóc là biểu tượng của thời trang, là niềm kiêu hãnh của tuổi trẻ. Bạn Nguyễn Thị Phượng, sinh viên ĐH Tài chính Marketing tâm sự: “Em là người theo “chủ nghĩa tóc dài”. Bộ tóc của em nuôi từ năm cấp 1 và chưa cắt ngắn bao giờ. Vậy mà khi đọc những chia sẻ về hoạt động hiến tóc, ý nghĩa cắt tóc đã nhen nhóm trong em ngay lập tức. Và rồi em đã quyết định cắt tóc và mong muốn sẽ mang lại hạnh phúc, nụ cười cho những người phụ nữ kiên cường hàng ngày chống lại căn bệnh ung thư quái ác”. Tương tự, một nhóm sinh viên Trường ĐH Văn Lang khi biết thông tin cũng rủ nhau đến để trao đi những bộ tóc từng được xem như một hành trang theo các em từ các vùng quê bước vào cổng trường ĐH.

Linh Vy

“Lúc rụng tóc tiếc lắm và buồn lắm em à, tại sao mình bị vậy. Đội tóc trông mình tự tin lên hẳn, ra đường người ta không biết mình bị bệnh, nên cảm thấy thoải mái. Lúc không đội tóc giả, mọi người nhìn mình dữ lắm, mình đâu phải là làm gì đáng mắc cỡ đâu …” - chị Thu Hương, một bệnh nhân UTV tại Cần Thơ thổ lộ.