Thứ ba, 14/2/2017, 22h30

Cho trẻ cơ hội được lao động

Không ít bậc cha mẹ dù ý thức rất rõ tầm quan trọng của lao động đối với sự phát triển nhân cách của trẻ nhưng lại không giáo dục được con hứng thú với lao động. Ngược lại, có khá nhiều bậc phụ huynh bằng cách này cách khác để giáo dục trẻ yêu lao động, nhưng con trẻ vẫn ngại làm việc hoặc chỉ thực hiện các nhiệm vụ một cách miễn cưỡng.

Cha mẹ không được lấy lao động để phạt khi trẻ phạm lỗi. Ảnh: I.T

Điều đó cho thấy, để rèn luyện tính tích cực lao động cho trẻ là một việc khó khăn rất cần sự kiên nhẫn của cha mẹ.

Nêu rõ trách nhiệm cho trẻ: Trẻ vì thiếu kinh nhiệm sống hoặc năng lực thực hiện chưa cao cộng với chưa có tinh thần tự giác nên chất lượng lao động chưa tốt. Các bậc cha mẹ hãy khéo léo không vì như thế mà trách móc, chê bai trẻ khiến chúng nhụt chí. Vào tình huống này cha mẹ nên bình tĩnh chỉ dẫn trẻ tận tình để trẻ hình thành kỹ năng tiến hành công việc kể cả một việc dễ dàng. Chẳng hạn, để trẻ yêu thích việc dọn dẹp nhà cửa, bàn ghế… Cha mẹ bày vẽ cụ thể trình tự việc gì làm trước, việc gì làm sau, trong khi lau dọn kết hợp các loại xà phòng, nước rửa nào cho hiệu quả. Khi giao việc cho trẻ cha mẹ cũng yêu cầu trách nhiệm trẻ phải hoàn thành ở mức độ nào để trẻ cố gắng. Khi trẻ quyết tâm làm tốt công việc cha mẹ cần có những khích lệ xứng đáng để trẻ phát huy và ngày càng yêu lao động hơn.

Tuyệt đối không được lấy lao động để phạt khi trẻ phạm lỗi. Có không ít bậc cha mẹ đã lấy lao động để trừng phạt khi trẻ chưa ngoan. Việc làm này rất phản giáo dục vì một mặt trong suy nghĩ non nớt, ngây ngô của trẻ sẽ cho rằng “Nếu ngoan thì sẽ chẳng phải làm việc gì, còn phạm lỗi sẽ bị phạt bằng lao động”. Từ đó khiến chúng lo sợ phải bị làm việc mà chỉ biết hưởng thụ. Mặt khác trẻ sẽ không nhận thức đúng giá trị thiết thực của lao động đối với sự phát triển nhân cách của bản thân.

Trau dồi tinh thần yêu lao động cho trẻ. Tinh thần yêu lao động là một phẩm chất nhân cách tốt đẹp của con người. “Lao động là vinh quang”. Để trở thành người có ích cho xã hội, trẻ cần được thẩm thấu những bài học lao động phù hợp. Hằng ngày, trong cuộc sống cha mẹ nên xen kẽ những nội dung về giá trị của lao động một cách mềm dẻo. Chẳng hạn, khi dạy trẻ “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, muốn có nhà sạch, bát sạch và những bữa cơm ngon thì cần phải chịu khó chăm chỉ, siêng năng lao động. Đó không phải chỉ là công việc của cha mẹ mà các con tùy theo sức của mình để chia sẻ cùng gia đình. Cùng làm việc nhà là cách thể hiện tình cảm đối với các thành viên trong nhà. Các phẩm chất tốt đẹp và năng lực làm việc sẽ dần dần hình thành thông qua những công việc tưởng chừng nhẹ nhàng và đơn giản đó. Cho trẻ quan sát cha mẹ thực hiện các công việc trẻ sẽ biết quan tâm đến tâm trạng của người khác và biết tôn trọng giá trị lao động của mọi người.

Kích thích hứng thú lao động cho trẻ: Dưới góc độ tâm lý, nếu có cảm hứng với một việc làm nào đó thì trẻ sẽ cố gắng hết sức để tập trung. Chẳng hạn nếu trẻ rất hứng thú với việc tưới cây, chăm sóc các chậu hoa thì cha mẹ hãy mạnh dạn giao cho con tự tay thực hiện. Cha mẹ có thể cùng con vừa lao động, vừa trò chuyện, tâm sự, truyền đạt kinh nghiệm để làm tăng hứng thú làm việc. Cha mẹ nắm chắc thời điểm để huấn luyện trẻ kỹ thuật chăm sóc cây như tỉ lệ đất và phân bón trong chậu hoa sao cho phù hợp.

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ: Dạy trẻ yêu lao động không chỉ dừng lại ở những bài học lý thuyết, mà phải để cho trẻ được trải nghiệm quá trình lao động trong thực tiễn. Cha mẹ nên tùy theo tuổi của con mà giao việc cụ thể. Chẳng hạn, trẻ ở tuổi tiểu học, mỗi ngày để trẻ làm việc từ 30-40 phút; trẻ ở tuổi trung học cơ sở mỗi ngày từ 50-60 phút, phải căn cứ vào tình hình học tập của trẻ để sắp xếp kế hoạch lao động cho hợp lý.

Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)