Thứ hai, 17/1/2011, 14h01

Chống bạo hành trong học đường: Cần phối hợp nhiều lực lượng

Nhà trường cần tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động vui chơi tập thể để các em học sinh luôn sống hòa đồng, đoàn kết. Ảnh: T.Tri
Đã có nhiều diễn đàn, ý kiến phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trong học đường và rồi, đâu cũng vào đấy, có khi tình hình càng ngày càng trầm trọng và nhiều hơn. Nguyên nhân cốt lõi là do sự phối hợp thiếu đồng bộ từ các cơ quan, ban ngành…
Nếu đổ lỗi cho nhà trường là “cái nôi” để các cậu ấm, cô chiêu có cơ hội “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” ngay trong lớp, trong trường thì điều đó hoàn toàn phiến diện, một chiều vì đâu phải nhà trường dạy học sinh (HS) điều đó. Đâu phải đến trường HS mới bộc lộ bản chất “anh chị” để giải quyết mâu thuẫn và càng không phải hơn, vì nhà trường là nơi giáo dục đạo đức và hình thành nhân cách, giúp các em phát triển thành con người mới, con người phát triển toàn diện. Như vậy, việc giáo dục của nhà trường là cơ hội để HS phát triển tốt nhưng nếu chỉ áp cho nhà trường thực hiện thì tôi cho rằng, điều này chưa đủ để giúp HS vững vàng và trở thành con người hữu ích.
Theo cách phân tích trên thì không chỉ có nhà trường mới thực hiện nhiệm vụ này, mà việc giáo dục thường xuyên của gia đình cũng quan trọng không kém. Vì trước khi đi học, HS được giáo dục tại nhà do ông bà, cha mẹ hay những người thân hướng dẫn, chỉ bảo. Ngày nay, có không ít gia đình xem thường hay bỏ qua việc này mà lại giao khoán cho người làm hay vú nuôi chỉ vì bố mẹ lo kiếm tiền, thậm chí cả ngày con cũng không thấy mặt bố mẹ đâu. Chính điều này dẫn đến việc một số em sống buông thả, tự do, không có chút kỹ năng sống ngay chính tại mái ấm gia đình và rồi từ đó, khi bước vào môi trường tập thể, các em lại bộc phát những lối sống ấy và hành xử với bạn theo kiểu phim ảnh xã hội đen.
Nhưng, như vậy là chưa đủ để kéo giảm và ngăn chặn bạo lực học đường mà còn phải kể đến một lực lượng khác tạo thành mắt xích tam giác. Đó chính là môi trường xã hội. Cụ thể là các cơ quan ban ngành như các hội đoàn, công an… phối hợp với gia đình, nhà trường trong việc giáo dục các em. Từ khi HS học tiểu học, các hội đoàn của phường có nhiệm vụ tổ chức cho các em sinh hoạt ngoại khóa tại địa phương để hình thành bước đầu ý thức cùng hợp tác trong tập thể, ý thức về trách nhiệm và bổn phận của mỗi thành viên. Khi lên tới bậc THCS, THPT, HS lại tiếp tục được hình thành và phát triển nhân cách thông qua các chương trình hành động cụ thể để các em hiểu và thực hành đúng, tránh sai lầm, tránh những kiểu hành xử thô bạo với nhau vì đã được trang bị đầy đủ kiến thức từ gia đình, từ nhà trường và xã hội.
Như vậy, việc giáo dục và hình thành nhân cách cho HS để tránh những kiểu hành xử bạo lực, theo tôi, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để cùng giúp các em hình thành và phát triển nhân cách một cách đúng nghĩa. Có như vậy, những câu chuyện đau lòng xảy ra ngay trong trường của các em HS sẽ không còn nữa và như vậy, chúng ta đã tạo ra một thế hệ vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng tốt về kiến thức và kỹ năng sống, giúp các em sống, học tập và tiếp nhận một nền giáo dục “chân, thiện, mỹ” đúng nghĩa nhất.
Trần Minh Duy
(Trường Quốc tế Việt Úc)