Thứ ba, 29/12/2015, 21h24

Chông chênh... đi bước nữa

Hiện nay, tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng. Nỗi đau sau một lần đổ vỡ càng khiến nhiều người có tâm lý lo sợ khi đi bước nữa trong hôn nhân.

Khi quyết định đi bước nữa trong hôn nhân, người trong cuộc cần có cái nhìn tích cực. Ảnh: I.T

Sợ dư luận và sợ chính mình

Bước chân vào ngưỡng cửa hôn nhân, hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn để kiếm tìm. Khi giấc mơ hạnh phúc tan vỡ, không ít người như con chim đã một lần trúng tên, thấy cành cong là hoảng sợ, run rẩy. Chị Thu Hiền (29 tuổi) ly hôn sau 3 năm chung sống cùng chồng. Chị nhận nuôi con và bắt đầu một hành trình đơn độc. Trái tim chị dường như chai sạn. Khi bắt đầu mối quan hệ mới với một người đàn ông khác, chị không đủ mạnh mẽ để làm lại từ đầu bởi chị sợ vết thương cũ, sợ phải đối diện với chính mình. Người thì phản đối kịch liệt bởi sợ chị lại rơi vào cảnh “con anh, con tôi, con chúng mình”. Người thì sợ mối quan hệ “rổ rá cạp lại” phức tạp càng khiến chị vất vả. Người lại nhiệt tình ủng hộ vì chị còn quá trẻ, có thể làm lại từ đầu. Chín người mười ý, câu hỏi bước tiếp hay dừng lại làm chị trăn trở để rồi chị tự khép cửa lòng mình, đánh mất cơ hội tìm hiểu một người mình có cảm tình sau một lần đổ vỡ. Ai hỏi chuyện chị cũng lặng lẽ đáp: “Tôi sợ mình đi vào vết xe đổ…”. Đâu đó giữa những phút giây bình lặng trong chị là nỗi sợ mơ hồ, sợ lặp lại những nỗi đau của quá khứ.

“Khi quyết định đi bước nữa trong hôn nhân, người trong cuộc cần có cái nhìn tích cực. Không nên hằn học, ám ảnh quá khứ của cả hai bên. Hãy để con cái làm quen với “nửa kia” như một người bạn của mình, tránh những cú sốc tâm lý cho trẻ. Hạnh phúc có thể muộn màng nhưng sẽ đến với những ai biết nắm bắt, trân trọng và học cách giữ gìn”, chuyên viên tư vấn tâm lý Trần Thu Hoài nhấn mạnh.

Trường hợp như chị Thu Hiền không phải là hiếm trong xã hội hiện đại. Dù quan niệm về việc tái hôn đã được nhìn nhận thoáng hơn nhưng sau cuộc hôn nhân dang dở, người phụ nữ luôn chịu nhiều áp lực từ gia đình và xã hội. Chỉ cần một ánh mắt, một lời bàn tán của người xung quanh cũng khiến họ tự ti để gầy dựng lại hạnh phúc của chính mình. Khi cuộc sống chật hẹp, gò bó trong những khuôn khổ nhất định, mơ về khung trời đầy nắng ấm là tâm lý chung của con người. Huống chi, rất nhiều người đang ở cái tuổi đẹp của đời người nhưng họ đã mang trong mình những vết thương khó lành. Sợ con tim lại một lần nữa tan vỡ, sợ lại phải bắt đầu cuộc hành trình đã một lần lầm lỡ, chuyện đi bước nữa, không chỉ với nhiều phụ nữ mà cả với nam giới, đã trở thành chuyến đi mạo hiểm có nhiều rủi ro ở phía trước. Từ khi ly hôn vì bị phản bội, anh Công Tuấn ngại san sẻ những riêng tư. 34 tuổi, ai nhắc chuyện đi bước nữa anh cũng gạt đi bởi anh sợ “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Những đổ vỡ dẫu muốn dẫu không vẫn hằn lên những vết cắt khó lành trong anh. Trong thực tế, một số người vì không chuẩn bị chu đáo cho mối quan hệ này, dẫn đến những mâu thuẫn rất khó vượt qua trong cuộc sống chung để rồi dẫn đến hôn nhân lại đổ vỡ một lần nữa. Rào cản con cái cũng là nguyên nhân khiến không ít cuộc hôn nhân lần hai trở thành địa ngục.

Hạnh phúc trong tay mình

“Việc đi bước nữa có thể là địa ngục của người này nhưng cũng có thể là thiên đường của người kia. Không ai dám khẳng định trước tương lai của những người tái hôn nhưng nỗ lực của người trong cuộc sẽ quyết định hạnh phúc của chính mình”, chuyên viên tư vấn tâm lý Trần Xuân Hoài chia sẻ. Qua một lần đò, chị Thúy Hà trưởng thành, chín chắn hơn. Chị trân trọng hạnh phúc với người chồng sau dù không ít lần đã muốn buông tay vì gia đình ngăn cản khi chị đã “qua một lần đò”, còn anh là “trai tân”. Bao nỗ lực cũng được đền đáp khi chị có một mái ấm nhỏ của riêng mình.

Chuyện đi bước nữa của người không vướng bận con cái luôn dễ dàng hơn so với những người đã có con. Chuyện con chung, con riêng khiến họ nản lòng trước cuộc hôn nhân mới. Những đứa trẻ sẽ phải mất một thời gian để có thể hòa nhập hoặc gọi một người chẳng chung huyết thống, cũng không sinh thành ra chúng là mẹ, là cha. Trước khi quyết định về sống chung một mái nhà, anh Tiến - chị Mai đã để hai đứa con riêng của hai bên gặp gỡ, làm bạn với nhau. Đã mất mát, đã thất bại nên họ biết giữ gìn và trân trọng hạnh phúc hiện tại hơn. Họ biết điều gì nên làm và đâu là giới hạn cần phải tránh để không làm tổn thương những đứa trẻ. Hạnh phúc gia đình cũng nhờ đó được duy trì bền lâu và vững chắc hơn.

Yên Hà