Thứ bảy, 7/1/2012, 00h01

Chữa tật nói ngọng cho giáo viên, học sinh Thủ đô

Ðể khắc phục tình trạng có đến hơn 22% số học sinh, 12% số giáo viên các trường tiểu học tại 13 huyện ngoại thành của Thủ đô phát âm sai các từ có phụ âm đầu là "l" hay "n", năm học 2011-2012, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội đã triển khai chương trình "Luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu l, n" tại các trường học ở địa bàn này.
Giờ học âm nhạc cũng là một cách tốt để học sinh Thủ đô chữa bệnh nói ngọng. Trong ảnh: Giờ học nhạc tại Trường THCS Phú Diễn - Từ Liêm. Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG  
Giáo viên và học sinh đều nói ngọng
Tiết học luyện phát âm tại lớp 5A Trường tiểu học Phú Minh (huyện Phú Xuyên) bắt đầu bằng việc cô giáo chép những đoạn văn có nhiều từ bắt đầu bằng phụ âm "l" và "n" lên bảng. Chép xong, cô đọc chậm từng câu, từng từ. Bên dưới, học sinh đọc theo, cố gắng uốn lưỡi ở những từ có phụ âm "l". Lớp 5A có 45 em, nhưng trước tiết học này, một nửa lớp đã được ra về, những em còn lại do nói ngọng, cho nên phải "phụ đạo" về phát âm.
Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội cho biết, qua khảo sát các trường tiểu học trên địa bàn 13 huyện ngoại thành, có đến 22,27% trong số 203.832 học sinh và 11,8% trong số 10.875 giáo viên nói và viết sai hai phụ âm "l", "n". Trong đó, tại huyện Mê Linh có hơn 40% học sinh mắc lỗi này, tỷ lệ này ở huyện Sóc Sơn là hơn 34%, huyện Ứng Hòa là 31,7%... Trong đó, có một số trường có số lượng học sinh nói ngọng đông như: Trường tiểu học Ðại Thịnh (huyện Mê Linh) có khoảng 60%, Trường tiểu học Ngô Tất Tố (huyện Ðông Anh) có gần 40%... Ngoài việc nói ngọng "l", "n" là phổ biến, ở một số địa phương, trong đó có cả khu vực nội thành, học sinh còn phát âm dấu huyền thành dấu sắc, hay dấu ngã thành dấu sắc, không phát âm được âm tiết cuối hay phát âm sai một số âm tiết. Thí dụ, ở huyện Quốc Oai, nhiều học sinh phát âm các tiếng có dấu huyền thành sắc, ở huyện Thạch Thất, nhiều học sinh phát âm vần "o" thành "oe"... Nguyên nhân là do "thói quen" phát âm lệch chuẩn của các địa phương tồn tại từ nhiều năm nay. Từ bé sống trong môi trường mà tất cả mọi người trong gia đình, làng xóm đều nói ngọng, cho nên các em bị nói ngọng theo.
Từ năm học 2008-2009, chương trình chữa nói ngọng cho học sinh và giáo viên đã được Sở Giáo dục và Ðào tạo triển khai thí điểm tại huyện Phú Xuyên. Kết quả thu được khả quan. Số học sinh nói ngọng giảm từ 48,36% xuống còn khoảng 20%, tỷ lệ giáo viên nói ngọng cũng giảm. Sang năm học 2011-2012, toàn bộ 13 huyện ngoại thành có tình trạng phát âm sai đã đồng loạt triển khai chương trình "Luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu l, n".
 Phó trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mê Linh Ðỗ Ðăng Khoa cho biết: "Sau khi có chỉ đạo của Sở Giáo dục và Ðào tạo, Phòng Giáo dục huyện đã tập huấn chuyên đề cho giáo viên tại 22/32 trường tiểu học có tình trạng phát âm sai. Sau đợt tập huấn, các giáo viên triển khai tại từng lớp học với cả hai hình thức. Ðó là chú trọng sửa lỗi cho học sinh ngay trong giờ học ở tất cả các môn học. Mặt khác, các trường sắp xếp lại thời khóa biểu, mỗi tuần dành riêng hai tiết học để cho các em luyện phát âm". Huyện Mê Linh đặt chỉ tiêu khắc phục 40% tỷ lệ học sinh nói ngọng trong học kì I năm học 2011 -2012.
Cần giải pháp đồng bộ
Em Nguyễn Thị Thảo, học sinh lớp 5A Trường tiểu học Phú Minh (huyện Phú Xuyên) cho biết: "Mỗi tuần chúng em học ba tiết luyện phát âm các từ có hai phụ âm đầu là "l" và "n". Sau một học kỳ, chúng em đã tiến bộ, nhiều bạn đã hết ngọng". Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, khi ở lớp học, em Thảo không nói ngọng, nhưng khi về nhà, nói chuyện với bố mẹ, ông bà, em lại phát âm sai, vẫn nhầm lẫn các từ có phụ âm đầu là "l" với "n". Ðồng chí Ðỗ Ðăng Khoa cho biết, việc sửa phát âm cho học sinh không thể có kết quả trong một sớm, một chiều. Thời lượng luyện phát âm từ hai, ba tiết/tuần là rất ít, so với thời gian các em giao tiếp với những người nói ngọng trong gia đình, làng xóm. Khi người lớn còn phát âm sai thì trẻ con sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, tình trạng giáo viên nói ngọng khiến học sinh nói ngọng theo cũng là một nguyên nhân. Nhưng việc sửa tật này của giáo viên còn khó hơn sửa cho học sinh. Một số thầy giáo, cô giáo có ý thức tập luyện để sửa sai. Nhưng cũng không ít người không sửa được, do thói quen nhiều năm nay, thậm chí có giáo viên tự ái, tỏ ra khó chịu khi bị góp ý. 
Nhiều thầy giáo, cô giáo nhận định rằng, việc sửa nói ngọng hoàn toàn có thể làm được nếu có ý thức và kiên trì. Thực tế là không ít học sinh, sau khi vào học đại học, cao đẳng, đã chủ động sửa và sửa thành công. Do vậy, việc ý thức cần phải sửa nói ngọng đóng vai trò quyết định. Từ nhà trường, giáo viên, học sinh cho đến gia đình, xã hội đều phải chú trọng việc sửa phát âm cho nhau. Việc luyện tập không chỉ gói gọn trong hai, ba tiết học/tuần, mà nên linh hoạt thực hiện tại mọi thời điểm. Ðồng thời, nên tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, các hình thức học nhóm, luyện tập nhóm sinh động, thu hút học sinh. Ngoài việc luyện đọc, việc nắm bắt được đúng ngữ nghĩa của từ sẽ giúp các em học sinh nhớ từ, phát âm chuẩn hơn. Về phía ngành giáo dục, cần thiết phải có quy định khi tuyển giáo viên, không chỉ xem xét hồ sơ, trình độ đào tạo mà phải tổ chức thi tuyển để lựa chọn giáo viên đáp ứng yêu cầu về phát âm và viết chuẩn.
Dù tình trạng nói ngọng, phát âm sai còn khá phổ biến, nhưng nếu ngay từ bây giờ, giáo viên, học sinh từ bậc học mẫu giáo, tiểu học ý thức được việc phát âm chuẩn và được rèn luyện thì dần dần, những thế hệ tiếp theo sẽ khắc phục được tình trạng này, bảo vệ sự chuẩn mực của tiếng Việt, nét thanh lịch của người Thủ đô.
Theo NGUYÊN TRANG
(nhandan)