Thứ năm, 22/9/2016, 21h41

Chuyện dài “Thần đồng âm nhạc”: Kỳ cuối: Đừng buộc các em phải “lớn ép”

Giữa “cơn bão” của những chương trình gameshow, truyền hình thực tế hiện nay, số lượng “thần đồng âm nhạc” được phát hiện ngày càng nhiều. Làm thế nào để các em và gia đình không loay hoay trong việc tìm hướng đi cho con, để những “thần đồng” không rơi vào cảnh “sớm nở tối tàn” là một vấn đề còn nhiều bỏ ngỏ.

Đăng quang cuộc thi “Thử tài siêu nhí” 2016, Quách Phú Thành (thứ tư từ trái sang) tạm rời xa những hào quang rực rỡ để trở về với việc học. Ảnh: Sen Vàng

“Thần đồng” theo mùa

Hiện nay, một thực tế dễ nhìn thấy là chính sự tung hô, công nghệ lăng xê của truyền hình thực tế nên chúng ta mới chỉ có những thần đồng theo chu kỳ, tức là tồn tại theo mùa của gameshow. Khi gameshow kết thúc, danh hiệu mà các “thần đồng âm nhạc” có được sẽ đi kèm với số tiền thưởng trăm triệu cùng những hợp đồng thực hiện quảng cáo, những khóa học về âm nhạc… giúp các em có cơ hội được rèn luyện, cọ xát thêm. Thế nhưng, con số những “thần đồng âm nhạc” có thể bám trụ lại với làng giải trí, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật của mình lại khá hiếm hoi. Không ít tài năng về nhất vẫn không có bất kì một bước tiến đáng kể nào thậm chí dần mất hút khỏi làng giải trí sau khi rời các cuộc thi. Sau khi xuất sắc giành ngôi vị quán quân “Đồ Rê Mí 2014”, cô bé đến từ Quảng Ninh - Vũ Thu An dường như biến mất hoàn toàn khi em không hề xuất hiện trước khán giả hay có bất kì hoạt động nào liên quan đến nghệ thuật. Tên tuổi của Thu An cũng theo đó mà “chìm nghỉm” và nhạt nhòa trước sự phát triển như vũ bão của làng giải trí Việt.

Sau khi Trọng Nhân đăng quang “Vietnam’s Got Talent 2016”, ba của em đã thể hiện niềm trăn trở rằng mình sẽ làm gì để con vừa học văn hóa, vừa có thể chơi trống và duy trì sự đam mê. Trăn trở của ông cũng chính là trăn trở của nhiều phụ huynh khác khi con cái mình có cơ hội để phát triển tài năng nhưng nhiều “thần đồng âm nhạc” đã nhanh chóng bị lãng quên, hoặc trong tình trạng “sớm nở tối tàn”, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc. Bởi, sau khi nổi tiếng một thời gian ngắn, nhiều “thần đồng âm nhạc” gần như biến mất hoặc không còn được ai nhớ tới.

Trở về quê nhà sau khi đăng quang cuộc thi “Thử tài siêu nhí”, cậu bé Quách Phú Thành rời xa những hào quang rực rỡ của nhiều tháng qua. Ước mơ của em là sẽ học thật giỏi và tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật mà em yêu thích. Bà Võ Thị Nữ, bà nội của Thành chia sẻ: “Giờ tôi chỉ mong cháu học tốt và vẫn giữ niềm yêu thích cải lương dù tôi biết cũng không hề dễ dàng gì. Tôi dù cực khổ đến mấy cũng cố gắng để cháu không bỏ học”. Con đường phía trước dẫu dài và đầy khó khăn nhưng những đứa trẻ như Quách Phú Thành rất cần sự định hướng đúng đắn từ người lớn để các em có thể vừa học văn hóa, vừa có môi trường để phát triển tài năng vốn có của mình.

“Thần đồng” về đâu?

“Nhiều nhà sản xuất chỉ hướng đến lợi nhuận nên qua mỗi năm, danh sách những “thần đồng âm nhạc” bị lãng quên lại dài thêm ra. Thiếu môi trường và sự định hướng để phát triển nên nhiều tài năng nhí sớm rơi vào cảnh “sáng nở, tối tàn” cũng vì lẽ đó”, NSƯT Huỳnh Khải chia sẻ.

Một bài học đã được nhìn thấy từ nhiều ngôi sao nhí khác là thành công quá sớm tưởng chừng là bàn đạp cho các em nhưng chính điều đó lại biến thành trở ngại mà các em không thể vượt qua ở những giai đoạn tiếp theo. Theo thạc sĩ, NSƯT Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM: “Hiện nay, việc người lớn tung hô những giọng ca nhí là “thần đồng âm nhạc” có phần dễ dãi nên đôi lúc có thể làm các em tự mãn với thành công của mình quá sớm. Các em cần có quá trình rèn luyện, thử thách mình hơn nữa”.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc các chương trình truyền hình thực tế đã cho ra lò biết bao tài năng và tung hô các giọng ca nhí là “thần đồng âm nhạc”. Tuy nhiên, khi chương trình vừa kết thúc cũng là lúc họ hết nghĩa vụ, nhường phần bồi dưỡng, phát triển tài năng về cho gia đình và xã hội. Có lẽ, bài toán này xem ra vẫn còn nhiều tranh luận để đi đến lời giải khi các đơn vị sản xuất hiếm có sự định hướng rõ ràng hay chiến lược bài bản để bồi dưỡng và phát triển các tài năng trẻ.

“Nhiều nhà sản xuất chỉ hướng đến lợi nhuận nên qua mỗi năm, danh sách những “thần đồng âm nhạc” bị lãng quên lại dài thêm ra. Thiếu môi trường và sự định hướng để phát triển nên nhiều tài năng nhí sớm rơi vào cảnh “sáng nở, tối tàn” cũng vì lẽ đó”, NSƯT Huỳnh Khải chia sẻ.

Qua các chương trình thực tế hiện nay còn cho thấy sự thiếu hụt của mảng âm nhạc thiếu nhi nên việc trẻ con hát nhạc người lớn đã không còn là điều xa lạ. Điều này đã trở thành một trong những lý do buộc các em phải “lớn ép” khi xem và hát nhạc người lớn. Chính sự “vô tư” của người lớn đã lấy đi sự hồn nhiên, ngây thơ nơi con trẻ. Càng đáng buồn hơn khi chính người lớn là tác nhân cổ súy cho hiện tượng trên khi họ tung hô, ca ngợi các em là “thần đồng âm nhạc”. Hậu quả từ sự tung hô của công chúng đã dẫn đến việc để nhớ và gọi tên quán quân gần nhất của chương trình âm nhạc cho thiếu nhi cũng là một việc không mấy dễ dàng...

Thục Quyên