Thứ sáu, 4/5/2012, 16h05

Chuyện thầy cô giáo… “ở giá”

Đồng lương không đủ sống cộng với việc phải dành thời gian cho học sinh nên nhiều thầy cô giáo chọn giải pháp... “ở giá” (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh

Duyên phận của nam - nữ là câu chuyện muôn đời khi con người bắt đầu trưởng thành và đủ “kinh nghiệm” để đến với hôn nhân, hình thành những gia đình riêng trong thế giới muôn màu của xã hội.
Tuy nhiên, có những câu chuyện khác ở các thầy cô giáo - đó là họ gần như không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình và chọn cho mình giải pháp “ở giá” để toàn tâm toàn ý lo cho thế hệ trẻ. Nguyên nhân sâu xa của sự việc này là thế nào?
Đồng lương khiêm tốn nên… dừng “cuộc chơi”
Đã có rất nhiều trường hợp thầy cô nêu lên một thực tế khi chúng tôi có dịp tiếp xúc - tất cả đều có câu trả lời như một mẫu số chung: Đồng lương của nhà giáo khiêm tốn nên… dừng “cuộc chơi”. Câu nói tưởng chừng nửa thật nửa đùa ấy nghe sao mà nặng lòng. Tôi biết, các thầy cô cũng ưu tư, cũng trăn trở về cuộc đời của mình khi chọn nghề giáo, cái nghề mà Bác Hồ đã từng đề cao và tuyên dương “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Thầy cô đã chọn nghề giáo và đi theo nó, giúp các em học sinh có những kiến thức sâu rộng để sau này phục vụ cho đất nước. Nhưng, thực tế như ông bà ta đã dạy “Có thực mới vực được đạo” giấc mơ về một mái ấm gia đình sao quá xa vời với giáo viên, khi mà tình hình kinh tế chung của đất nước và thế giới đang khủng hoảng; khi mà cơn bão giá ngày càng được đẩy lên cao trong tất cả chi phí sinh hoạt hàng ngày thì đời sống của đại bộ phận giáo viên ngày càng khó khăn hơn. Với đồng lương ít ỏi như vậy thì giáo viên độc thân đã chọn giải pháp… dừng “cuộc chơi” là điều hợp lí. Bởi, họ không muốn gia đình riêng của mình sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn, túng thiếu; không muốn những đứa con của họ sẽ thua bạn kém bè và nhiều cái khó khác làm cho họ… chùn bước trước cuộc sống hôn nhân.
Chúng tôi chia sẻ điều này và cảm thông với tất cả thầy cô đang chọn giải pháp như vậy để bình an cuộc sống! Nếu làm phép so sánh với những ngành nghề khác thì ngạch giáo viên thuộc loại... khiêm tốn. Và đã có nhiều câu đúc kết khi chúng tôi được trò chuyện với thầy cô: “Nghề dạy học không sống bằng đồng lương, mà sống bằng nhiệt huyết!” hay “Đồng lương giáo viên chỉ đủ… ăn sáng, đổ xăng xe…!”. Và còn biết bao nhiêu những thực tế mà thầy cô đã tự chia sẻ, tự an ủi với nhau để vơi đi nỗi lòng hiu quạnh khi không còn con đường nào khác, ngoài giải pháp “ở giá”.
Giáo viên chọn cuộc sống độc thân
Không phải giáo viên bộ môn nào cũng kém may mắn như vậy. Có những giáo viên mầm non, tiểu học... chọn được một nửa của mình ngoài ngành giáo dục, cá biệt ở những ngành nghề đang “hot” như xây dựng, thiết kế, kinh doanh… nên đời sống của họ tương đối ổn định; và đồng lương họ nhận đúng là chỉ đủ để ăn sáng, đổ xăng, còn các chi tiêu trong nhà là do chồng (hay vợ) có thu nhập khấm khá hơn lo toan. Tuy nhiên, con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi đã làm một phép tổng hợp thì thấy ngay con số đáng báo động cho việc giáo viên chọn cách sống… độc thân. Con số này thường rơi vào các giáo viên dạy bộ môn sử, địa, GDCD khi họ không có thêm một nguồn thu nào khác ngoài việc giảng dạy chính khóa trong trường. Đa phần, khi giáo viên chọn ngành học với các bộ môn này thường khi được phân công, bố trí giảng dạy, họ đều có một tâm trạng hơi mặc cảm so với các đồng nghiệp dạy toán, lý, hóa, Anh… Bởi, nói gì thì nói, những bộ môn này được học sinh quan tâm nhiều hơn và các thầy cô cũng có thêm thu nhập từ việc dạy thêm cho các em. Chính vì vậy, ít nhiều gì thì những giáo viên dạy các môn tự nhiên hay ngoại ngữ còn có cơ hội để nghĩ đến tương lai tươi sáng mà gia đình bé nhỏ của họ sẽ xây đắp nên. Thực tế khắc nghiệt của đội ngũ giáo viên chịu thiệt thòi như trên không khỏi làm chạnh lòng gia đình, xã hội khi mà đất nước càng ngày càng phát triển.
Không có nhiều thời gian để tìm hiểu đối phương
Cái khó đã bó luôn cái khôn của thầy cô giáo. Khi đồng lương không đủ trang trải cho những nhu cầu thiết yếu của đời sống thì bắt buộc, dù muốn hay không, họ phải tìm cách để làm thêm. Mà việc làm thêm của họ chính là dạy phụ đạo cho những học sinh có nhu cầu. Cứ nghiệm lại mà xem, thời gian làm việc của giáo viên rất sít sao, họ đi làm từ 6 giờ 30 sáng cho đến 4-5 giờ chiều mới tan trường. Về nhà, họ lại tất bật với những lớp dạy thêm buổi tối để cải thiện đời sống... Và, ngày này qua tháng nọ cứ trôi đi, cuốn đi với những công việc để lo cơm áo gạo tiền thì thời gian đâu dành cho những dự định khác của tương lai, của đời sống gia đình sau này. Chúng tôi đã thăm dò một số giáo viên còn độc thân thì nhận được câu trả lời: “Làm việc như con thoi suốt ngày mà cũng chưa đủ trang trải cuộc sống thì sao có thời gian đi chơi và tìm hiểu đối phương được”. Thực tế là vậy, đã có nhiều thầy cô tất bật với những chuyện ở trường, ở nhà - phó mặc cho thời gian trôi đi để khi nhìn lại thì tuổi đời đã qua thời “hoàng kim”. Thế là, giải pháp độc thân được họ chọn làm tôn chỉ hàng đầu, mặc dù đằng sau những nụ cười, những câu chuyện vui là cả một nỗi lòng không biết tỏ cùng ai.
Ngày nay, cùng với sự phát triển chung của xã hội về tất cả các mặt của đời sống thì việc các thầy cô giáo chọn cho mình giải pháp “an toàn” sống độc thân là một thực tế đáng được quan tâm và chia sẻ. Mong sao, có những giải pháp hữu hiệu hơn để giúp cho xã hội cân bằng về mặt đời sống hôn nhân cho những ai đã và đang chọn ngành giáo để phục vụ.
Duy An