Thứ sáu, 16/6/2017, 10h15

Cô học trò hiếm khi ăn sáng vì không có tiền !

Ở khu vực trung tâm TP.HCM, có một bà cụ hằng ngày chạy xe ôm và rửa chén thuê nuôi cháu ăn học. Bù lại cho sự nhọc nhằn của bà là niềm vui về cô cháu gái hiếu thảo và học giỏi suốt 12 năm liền.
Nguyễn Thị Mỹ Hằng và bà nội ở trong căn phòng chật chội chỉ 6,6 m2  /// Ảnh: Như Lịch

Nguyễn Thị Mỹ Hằng và bà nội ở trong căn phòng chật chội chỉ 6,6 m2 - Ảnh: Như Lịch

“Em rất thích ăn rau muống vì nó rẻ”
 
 
Tập huấn sinh viên Tiếp sức mùa thi
Vào ngày 18.6, Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM (SAC) tổ chức tập huấn cho các sinh viên tình nguyện về thông tin kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cũng như các kỹ năng, nhiệm vụ cụ thể khi tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi. Bên cạnh đó, SAC còn tập huấn cho đội hình hỗ trợ điều phối giao thông. Được biết, có khoảng 10.000 tình nguyện viên tham gia Tiếp sức mùa thi tại TP.HCM với 16 đội hình chính. Trong đó, lực lượng tình nguyện viên cấp thành là 1.055 người.                  
Nguyễn Như
 

Sát bên một tòa cao ốc trên đường Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM là con hẻm chật hẹp dẫn vào một xóm lao động. Đó là nơi Nguyễn Thị Mỹ Hằng (18 tuổi, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) sống cùng bà nội Nguyễn Thị Chuột (66 tuổi).

Theo bà Chuột, từ nhỏ Hằng sống với bà bởi cha cô bé mất khi em mới vào lớp 1, còn mẹ thì bỏ đi lập gia đình khác. Hiện nay, bà kiếm sống bằng việc rửa chén cho một quán hủ tiếu ven đường, với tiền công mỗi buổi sáng là 30.000 - 35.000 đồng. Thời gian còn lại trong ngày, bà chạy xe ôm chở người ở xóm hoặc ai thuê gì làm nấy. Bà Chuột cho hay căn nhà hai bà cháu đang ở có diện tích 6,6 m2, có thể sẽ bị giải tỏa trong nay mai.
Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là Hằng bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Mặc dù cật lực ôn thi nhưng bữa ăn của Hằng vẫn sơ sài như mọi khi. Hằng hồn nhiên nói: “Lâu nay em hiếm khi ăn sáng. Em biết ăn sáng rất tốt cho sức khỏe nhưng không có điều kiện. Em rất thích ăn rau muống vì nó rẻ, chỉ có 5.000 đồng mà nhiều lúc ăn cả ngày luôn. Đôi khi em thay rau muống bằng món trứng chiên”.
Hằng cũng không ngần ngại kể rằng hầu hết áo quần mình mặc là của người khác cho. Cô gái có gương mặt xinh xắn này còn pha trò: “Cũ người, mới ta, có sao đâu ạ”.
Bà Chuột cho biết thu nhập của bà rất thấp và bấp bênh. Hằng tháng bà còn phải trích ra một khoản để trả tiền điện, nước. Chính vì vậy, mỗi ngày hai bà cháu thường chỉ ăn một bữa chính (bữa trưa) với giá khoảng 20.000 đồng trở lại. Còn buổi tối, bà hay thủ sẵn mì gói cho Hằng và cháo ăn liền cho bà. Cũng có những ngày hai bà cháu ăn cơm từ thiện hoặc đồ ăn hàng xóm mang cho.
Bà Chuột tâm sự vào năm Hằng chuẩn bị lên lớp 6, bà túng quẫn quá nên bảo Hằng nghỉ học. Nhưng Hằng vừa khóc vừa năn nỉ khiến bà không đành lòng...
Tự học là chính
Bà Chuột khẳng định chưa bao giờ thúc ép Hằng phải học giỏi bằng mọi giá. Ấy vậy mà suốt 12 năm qua, Hằng luôn là học sinh giỏi. Điểm trung bình năm lớp 12 của Hằng là 8,3, trong đó môn Anh văn là 8,5 điểm.
Hằng bộc bạch: “Tiền học thêm mắc lắm, nên em chủ yếu tự học và học hỏi nhiều từ bạn bè. Hiện tại, em chỉ học thêm môn toán. Đó là nhờ mấy bạn trong lớp thương hoàn cảnh của em mà giới thiệu với cô giáo dạy thêm, cô miễn phí cho”.
Tự nhìn nhận bản tính mắc cỡ nên chưa khi nào Hằng dám thổ lộ câu “Con thương nội” trước mặt bà nội. Trong buổi lễ tri ân gần đây, nhà trường đã mời bà nội lên sân khấu để Hằng có cơ hội tỏ bày và tặng hoa.
Tại buổi lễ, nhiều người đã khóc khi Hằng đọc lá thư viết về bà nội: “Nhà mình tuy không được đầy đủ như nhà người ta nhưng nội đã lo cho con cuộc sống không thiếu thốn. Con muốn học thật tốt, sau này có nghề nghiệp sẽ mua một căn nhà ổn định cho hai bà cháu ở trong xóm lao động đông vui, rồi đưa nội đi du lịch. Con cảm ơn những điều nội đã hy sinh cho con...”.
Hằng cho rằng ở tuổi của bà nội, lẽ ra bà đã được con cháu phụng dưỡng. Vậy mà bà phải đội nắng đội mưa chạy xe ôm, dẫu đang bị bệnh cũng phải chạy để kiếm cái ăn. Chính điều đó càng thôi thúc Hằng vươn lên.
Mỹ Hằng có nguyện vọng học ngành quan hệ quốc tế, dự định sau này làm cho tổ chức phi chính phủ để giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình. Hằng giải thích: “Khi bà cháu em gặp khó khăn, đã có những người đưa tay giúp đỡ. Vì vậy, em mong làm được gì đó để trả ơn cuộc đời”. Nữ sinh này lên kế hoạch sau kỳ thi THPT sẽ kiếm việc làm thêm, để chia bớt gánh nặng với bà.
Không chỉ học giỏi, Mỹ Hằng còn tích cực tham gia một số hoạt động do Đoàn trường tổ chức, như: thăm mái ấm, nhà mở; quyên góp hỗ trợ những học sinh nghèo... Hằng thật thà: “Các bạn đóng 50.000 đồng, 100.000 đồng, mình ít tiền thì góp 10.000 đồng”. Bà Chuột tiếp lời: “Mình khổ nhưng có những người còn khổ hơn mình. Cho nên mình đóng góp một chút, sống phải có tình người”.
Chúng tôi ấn tượng với phương châm sống đầy nghị lực của Hằng, đó là: “Không quan trọng điểm xuất phát của bạn ở đâu mà quan trọng là bạn đạt được gì. Có thể điều kiện của em không được tốt bằng những bạn khác, nhưng em sẽ dựa vào đó để biết cố gắng, nỗ lực hơn nhiều”.
Những câu chuyện đẹp về nghị lực mùa thi: Cô học trò hiếm khi  ăn sáng vì không có tiền !

Như Lịch (TNO)