Thứ bảy, 18/8/2018, 20h38

Cơ hội cho hộ lý Việt Nam làm việc tại Nhật

“Đến nay đã có 48/69 ứng viên điều dưỡng đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản, đạt tỷ lệ gần 70%; 89/95 ứng viên hộ lý thi đạt chứng chỉ quốc gia, đạt tỷ lệ 94%. Trong khi với các nước khác, con số này là từ 10-30%”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin trong buổi tiếp lãnh đạo Tập đoàn Sosei (Nhật Bản) về việc đưa thực tập sinh (TTS) hộ lý sang nước này làm việc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, từ năm 2012 đến nay có 6 khóa đào tạo điều dưỡng và hộ lý với 1.200 ứng viên đã được tuyển chọn. Tính đến nay, Việt Nam đã cử tổng cộng 892 ứng viên sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản, lần xuất cảnh gần đây nhất là 219 ứng viên vào ngày 30-5. Bà Matsui Keie (Chủ tịch Tập đoàn Sosei, Nhật Bản) cho biết tập đoàn có nguyện vọng được tiếp nhận TTS hộ lý Việt Nam tới làm việc tại các trung tâm dưỡng lão của Sosei và luôn tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách đãi ngộ tốt nhất cho các TTS. Đồng thời, tập đoàn mong muốn Bộ LĐ-TB&XH tạo điều kiện được triển khai hợp tác với phía Việt Nam.

Bà Matsui Keie đánh giá cao kỹ năng và bày tỏ sự tin tưởng đối với TTS Việt Nam; qua đó mong muốn được thúc đẩy hợp tác trong hoạt động phái cử, tiếp nhận TTS hộ lý Việt Nam làm việc tại các trung tâm dưỡng lão của Sosei.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, hộ lý là lĩnh vực mới, liên quan đến chăm sóc sức khỏe con người nên cần được triển khai một cách thận trọng, có tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, hai bên cần tháo gỡ những vướng mắc để sự hợp tác được thành công. Đối với đề nghị của Tập đoàn Sosei, Bộ trưởng ủng hộ về mặt chủ trương và giao Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp cùng tập đoàn triển khai thực hiện.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã yêu cầu sở LĐ-TB&XH các tỉnh/thành rà soát, xử lý các cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, để tuyển chọn đào tạo điều dưỡng, hộ lý với mục đích đưa sang thực tập tại Nhật Bản.

Trn An