Thứ ba, 29/12/2015, 23h40

Cơ hội nhiều nếu hiểu đúng ngành học

Vốn nhiều lần tiếp cận với chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức nên học sinh Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) rất tự tin khi đặt câu hỏi cho Ban tư vấn. Những câu hỏi của các em đều đi xoáy vào những ngành nghề đang được nhiều người quan tâm.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, đang tư vấn cho các em học sinh

Học ngân hàng không chỉ làm việc ở... ngân hàng

Trong câu hỏi đầu tiên đặt ra cho Ban tư vấn, Nguyễn Thùy Minh (học lớp 12A6) tâm tư: “Em rất muốn theo học ngành tài chính - ngân hàng, nhưng nghe nói ngành này hiện đang rất khó xin việc. Vậy nếu em vẫn theo đuổi ngành này thì liệu sau 4-5 năm sau, tình hình việc làm có còn khó khăn như hiện nay không?”. ThS. Nguyễn Hoàng Hải, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF), thừa nhận: Hiện nay nhu cầu tìm việc làm của sinh viên ngành tài chính - ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn do việc thành lập ngân hàng rất khó, một số ngân hàng đang có xu hướng sáp nhập lại do điều kiện tài chính khó khăn. “Nhiều người vẫn nghĩ rằng học ngành tài chính - ngân hàng ra trường chỉ làm về ngân hàng. Trên thực tế, ngoài vị trí chuyên viên tín dụng ngân hàng, chuyên viên kế toán - kiểm toán nội bộ tại các ngân hàng thương mại…, học ngành này ra có thể đảm nhận nhiều vị trí như kế toán viên phòng thanh toán quốc tế, chuyên viên kinh doanh tiền tệ, chuyên viên quản trị tài sản và nguồn vốn, chuyên viên phân tích tài chính doanh nghiệp, chuyên viên định giá tài sản… tại các công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính ngân hàng và các loại hình doanh nghiệp khác, các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, công ty kinh doanh bất động sản hoặc tại cục thuế, hải quan… Ngay trong ngân hàng cũng có nhiều vị trí để sinh viên ra trường có thể đảm nhận, vấn đề là các em có đáp ứng được yêu cầu và chấp nhận làm việc ở vị trí đó hay không”, ThS. Võ Hoàng Hải cho biết.

Công nghệ may: Nhiều tiềm năng để phát triển

Đội mưa nghe tư vấn

Do tổ chức vào những ngày thời tiết chuyển mùa nên chương trình tư vấn tại Trường THPT Phú Nhuận gặp phải cơn mưa nhỏ. Tuy nhiên, các em học sinh vẫn không “bỏ cuộc”, dựng dù và mặc áo khoác để che mưa rồi ngồi lắng nghe rất nghiêm túc.

Đặt câu hỏi cho lĩnh vực khác, Phạm Thế Phương (học lớp 12A8) băn khoăn: “Em rất thích học ngành thiết kế thời trang nhưng lại vẽ không giỏi lắm. Ngoài ra, em nghe nói ngành này có tính cạnh tranh và đào thải rất cao. Vì vậy em có ý định chuyển qua ngành công nghệ may nhưng không biết bản chất ngành này như thế nào?, có phù hợp với em hay không?”. Trả lời câu hỏi này, ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Trưởng bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khẳng định: Dệt may đang là ngành có năng lực cạnh tranh cao trong quá trình hội nhập thương mại quốc tế, là lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của ngành công nghiệp Việt Nam. Tính đến nay, ngành dệt may Việt Nam có khoảng 2,5 triệu lao động, dự kiến đến năm 2025 số lao động sẽ tăng lên thành 5 triệu. Tại TP.HCM, nhu cầu tăng thêm cho ngành dệt may đến năm 2015 khoảng 19.500 lao động, đến năm 2020 khoảng 20.250 lao động; trong đó nhu cầu tăng thêm về đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên và nhà thiết kế lần lượt là 500 và 1.000 người. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp dệt may có xu hướng yêu cầu cao hơn về trình độ nghề, giảm số lao động chưa qua đào tạo. Chính nhu cầu cao về nhân lực đã tạo ra cơ hội lựa chọn việc làm phong phú cho các cử nhân ngành công nghệ may với mức lương hấp dẫn cùng với chế độ ưu đãi tốt.

Tại TP.HCM, nhu cầu tăng thêm cho ngành dệt may đến năm 2015 khoảng 19.500 lao động, đến năm 2020 khoảng 20.250 lao động; trong đó nhu cầu tăng thêm về đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên và nhà thiết kế lần lượt là 500 và 1.000 người.

Theo ThS. Nguyễn Xuân Luyện, học ngành công nghệ may, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực may và thời trang để làm cơ sở cho việc áp dụng những nguyên lý kỹ thuật, các kỹ năng thực hành vào quá trình tổ chức triển khai sản xuất công nghiệp, khả năng thiết kế đồ họa trang phục. Ngoài ra còn sử dụng tốt các phần mềm chuyên ngành về thiết kế, nhảy mẫu, giác sơ đồ, thêu vi tính và quản lý sản xuất ngành may; những kỹ năng tổ chức và quản lý sản xuất may công nghiệp… “Theo học ngành này, các em vẫn có thể làm việc về lĩnh vực thiết kế thời trang nếu làm việc ở phòng thiết kế, phòng kỹ thuật, phòng nghiên cứu mẫu, phòng phát triển mẫu tại các công ty, tập đoàn may mặc hoặc tự mở nhà xưởng…”.

Bài, ảnh: Ngọc Anh