Thứ hai, 8/4/2024, 12h04

Giải mã "cơn sốt" thi đánh giá năng lực

Tại điểm thi Trường ĐH Văn Lang (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), Trương Thanh Mai, lớp 12P1 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), em tự ôn tập và luyện đề từ tháng 10.2023.

Lý do chọn thi ĐGNL, theo Mai, là vì lớp em dạy học theo chương trình song ngữ tiếng Pháp, "khá đặc thù" và không có nhiều ngành xét tuyển bằng tiếng Pháp. Trong khi đó, phương thức tuyển sinh dùng điểm thi ĐGNL lại phổ biến hơn nên có đa dạng cơ hội. "100% các bạn cùng lớp em thi ĐGNL đợt này", nữ sinh đặt nguyện vọng vào ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cho hay.

Bùi Long Đức, học lớp 12A10 cùng trường, thông tin điểm thi ĐGNL là yếu tố bắt buộc để nộp hồ sơ vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Theo quy chế tuyển sinh, trường này dành tối đa 90% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí, gồm: kết quả thi ĐGNL, kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, năng lực khác. Năm trước, trọng số của điểm thi ĐGNL là 75%, trong khi điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ có 20%.

"Như vậy, điểm thi ĐGNL quan trọng gấp 3 lần điểm thi tốt nghiệp. Vì thế, em không còn lựa chọn khác ngoài việc cố đạt điểm cao nhất có thể trong kỳ thi này. Ngoài tự ôn luyện, em cũng học thêm ở trung tâm để tổng ôn kiến thức nền tảng các môn, đồng thời luyện thêm kỹ thuật giải đề. Mỗi câu em chỉ có trung bình 1,25 phút để hoàn thành nên thử thách là rất lớn", nam sinh đặt nguyện vọng vào ngành kỹ thuật ô tô bộc bạch.

Lý giải thêm về sức nóng của kỳ thi ĐGNL, Hoàng Duyên, học sinh một trường THPT tại Q.3, TP.HCM, nêu quan điểm đây là kỳ thi có tỷ lệ chọi thấp hơn nhiều so với thi tốt nghiệp THPT. "Thi tốt nghiệp có 1 triệu bạn, còn ĐGNL chỉ gần 100.000, tức 1/10. Chưa kể, nhiều bạn thi chỉ để cho biết, cho vui nên cơ hội khá rộng mở. Nói chung, chúng em không thể dựa vào mỗi một kỳ thi để xét tuyển vào ĐH, điều đó rất rủi ro", Duyên nói.

Sau khi hoàn thành bài thi kéo dài 150 phút với 120 câu, nhiều thí sinh có chung nhận định các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh, sử và địa không quá khó, dễ đạt điểm vì kiến thức có hết trong sách giáo khoa. Như Phan Mai Thùy Trâm, lớp 12A10 Trường THPT Marie Curie, cho rằng môn toán chỉ áp công thức là giải được, hay tiếng Việt không có nhiều câu hỏi lắt léo.

Trong khi đó, các môn khoa học tự nhiên là lý, hóa, sinh khiến nhiều thí sinh "đau đầu", thậm chí phải "khoanh lụi". Dạng câu hỏi khó ở môn hóa được cho là nằm trong phần về những chất và phương trình "lạ", còn ở môn sinh là các câu hỏi trình bày dưới dạng văn bản đọc hiểu, theo Đinh Trần Thụy và Nguyễn Ngọc Bảo Nhi, cùng học tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.

Theo Ngọc Long/TNO