Thứ sáu, 31/7/2015, 12h46

Còn sức là còn… gánh!

“Mỗi ngày thức dậy từ 4 giờ sáng, ra biển gánh nước mặn đổ đầy các vật dụng thau chậu cho các chủ buôn cá trên bãi biển này tới 10 giờ thì nghỉ. Công ngày được độ 40 ngàn, đủ để đong gạo và mua thêm ít thức ăn. Ở cái tuổi này, có được công việc làm nuôi sống bản thân như rứa là hạnh phúc rồi…”, bà Nguyễn Thị Học (65 tuổi) cho biết!

1. Trong ánh sáng mờ mờ buổi rạng đông trên bãi biển Thọ Quang (người dân làng chài này quen gọi là chợ cá Thọ Quang), những chuyến tàu lênh đênh suốt đêm trở về. Trên bờ, những người phụ nữ sẵn quang gánh, thùng thau nhựa ngồi từng tụm chuyện trò vừa day mặt về phía biển ngóng đợi. Chừng nửa tiếng, làn mây nhích dần lên khỏi mặt biển, những chiếc tàu đánh cá đêm trở về, thấy bóng ngọn đèn lấp lánh từ xa, họ tản ra, vội vã chạy tới sát mép nước để đón những thùng cá, tôm do chồng con chuyển vào bờ bằng thuyền thúng nhỏ. Đây cũng là thời điểm những người đàn bà làm nghề gánh nước biển thuê lật đật với quang gánh ra bãi cát, bắt đầu một ngày làm việc nhọc nhằn.

Làng biển Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) có nhiều ngư dân vươn khơi bằng tàu thuyền công suất nhỏ. Những con tàu với mỗi chuyến đi tầm đôi ba ngày, có khi chỉ đi qua đêm và trở về vào độ sáng sớm. Cá tôm vì thế rất tươi ngon. Không chỉ dân chạy cá mà cả khách du lịch đều tìm đến cái chợ cá bên mép biển này. Tàu cập bến, công việc phân loại cá tôm, bán mua diễn ra ngay trên bãi biển. Nhu cầu nước dùng để làm sạch cá tôm trở nên cần thiết trước khi tiểu thương mua tỏa đi các chợ khác trong thành phố. Nhu cầu ấy tạo việc làm cho những phận người cao tuổi, neo đơn và nghèo khó. “Mùa nắng, cứ tầm 3 giờ sáng chợ cá trên bãi biển được bắt đầu. Mùa đông, biển động thì muộn hơn, có khi 9 giờ sáng tàu thuyền mới trở về. Nhà không có đồng hồ, điện thoại gì, cứ canh chừng giờ tàu về mà trở dậy đi gánh nước thuê thôi”, bà Nguyễn Thị Học nói. Ở vào cái tuổi 65, bà có thâm niên ngót 30 năm gánh nước biển thuê. Gánh nước biển - gánh đời mặn chát ghì trên đôi vai người phụ nữ gầy gò, suốt nửa đời người như thế. “Mỗi ngày bình quân bà gánh được bao nhiêu?”. “Tầm 100 gánh nước, có khi hơn, tùy sức khỏe, tùy nắng mưa và cái bụng no hay đói”. Gần 20 năm trước, gánh nặng áo cơm của bà Học không đến nỗi như bây giờ. Ngày ấy, cái nghèo được chia đôi sẻ nửa, chồng bà cùng gồng gánh. “Ngày đó chồng tui đi thuyền thúng đánh cá gần bờ, còn tui đi gánh nước thuê, phụ thêm cái ăn qua ngày”. Biển đãi cá tôm giúp gia đình bà trụ lại ở cái làng biển nghèo này nhưng chính biển cũng lấy đi mất của bà điểm tựa lớn của cuộc đời. “Một đận ông ấy đi thúng, trời trở gió, thúng lật. Rứa là ông ấy bỏ tui mà đi… 18 năm rồi”, bà khóc. Từ đó, một mình bà gồng mình đối mặt với khó khăn, nuôi đứa con gái lớn khôn. Rồi người con gái lớn lên, lập gia đình nhưng cuộc sống cũng không lấy gì làm dư dả nên không giúp được mẹ già. Biển động, sóng liên hồi dập bờ. Bà Học run run bấm 10 ngón chân xoáy sâu trong cát. 10 ngón chân ngót nửa đời người gánh nước bị cát và nước biển ăn mòn móng vào tận phao, đỏ au. Hai thùng nước được buộc vào sợi dây gấc qua nhiều bận đứt rồi lại thay, chiếc đòn gánh mòn lẳn, oằn xuống cuộc đời bà. “Không làm thì lấy chi mà ăn. Còn sức thì cứ cố cái đã”, bà nói.

Ngoài 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Côi mỗi ngày vẫn ra biển gánh nước thuê

2. Ở chợ cá Thọ Quang này, có 3 người đàn bà gánh nước biển nữa. Mỗi người một cảnh nhưng chung quy lại là nghèo. Cái nghèo đến xót xa, tội nghiệp. Bà Nguyễn Thị Côi (63 tuổi), có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với đôi thùng nước mặn, tâm tư: “Xưa sinh ra và lớn lên ở làng biển nghèo. Tuổi xuân cũng làm thuê làm mướn nuôi thân, phụ thêm cho cha mẹ già. Kiếm được một đứa con thì lớn lên con làm chi hỏng nấy, nên mọi việc cũng phải qua tay mẹ. Mãi cho đến tuổi ngoài 60 vẫn cặm cụi với gánh nước thuê”. Hoàn cảnh hơn trong số họ có lẽ là bà Ngô Thị Óa (58 tuổi). Sinh ra và lớn lên tại làng biển, gia cảnh nghèo khó, bà sống bằng nghề làm thuê đủ thứ, ai thuê chi làm nấy. Chắt chiu từng đồng bạc lẻ nuôi 5 đứa con. Cách nay 4 năm, chồng bà bị tai biến, nhà thêm một gánh nặng. Vất vả làm lụng, khi mô cực quá mà bà khóc, thì giọt nước mắt lẫn vị mặn mồ hôi, thấm luôn vào cái mặn mòi của nước biển.

3. Rời làng biển Thọ Quang khi mặt trời lơ lửng trên đỉnh Sơn Trà. Những tiểu thương và du khách thập phương đã rời chợ cá, tỏa đi khắp nơi. Trên bãi biển ngổn ngang “tàn dư” của chợ cá sớm, những người đàn bà gánh nước thuê vẫn lầm lũi với đôi thùng đổ nước cho vài chủ tàu đang hoàn tất nốt công đoạn dọn dẹp, trả lại sự thông thoáng, sạch đẹp cho bãi cát.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Tôi nhớ mãi lời của bà Học: “Biển công bằng với tất cả. Không cần vốn, chỉ cần còn sức lực thì vẫn dựa được vào biển mà kiếm sống…”.