Thứ bảy, 12/12/2015, 22h13

Cùng nhìn về một hướng

Tình yêu đến với nhau từ khi học năm cuối của Trường Sư phạm 10+3 Hà Tĩnh, tròn 40 năm, hạnh phúc đôi vợ chồng nhà giáo La Văn Ngụ (nguyên Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Võ Thị Hường (nguyên Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hương Thủy - Thừa Thiên - Huế) vẫn nồng ấm như thuở ban đầu. 

Hãnh diện vì cháu con

Gia đình ông Ngụ chúc mừng con trai Vĩnh Lộc tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc (ảnh nhân vật cung cấp)    

Trong gia đình, hơn ai hết cả hai ông bà là tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo. Thời kỳ gian khổ dù đã qua đi nhưng nhà giáo La Văn Ngụ vẫn không quên những tháng năm đầu mới giải phóng, cả hai vợ chồng từ Hà Tĩnh chuyển vào tỉnh Thừa Thiên - Huế để dạy học: “Chúng tôi ra trường được 1 năm thì đất nước thống nhất nên bà xã quyết định trở về quê lập nghiệp và sống chung với ba mạ. Kể từ khi đó tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trở thành quê hương thứ hai của tôi vì nơi đó có 4 đứa con ra đời”. Ngày mới giải phóng hàng hóa còn nhiều nhưng đồng lương nhà giáo vẫn khiêm tốn nên ngoài những buổi lên lớp, họ lại ra miếng đất sau nhà trỉa bắp, trồng rau. Anh Ngọc - một người thân của thầy Ngụ nhớ lại: “Năm 1977 trong một chuyến đi tham quan TP.Huế khi tôi đang còn là sinh viên năm 2 của Trường ĐH Sư phạm Vinh, tôi đã tìm đến nhà anh chị ở xã Thủy Lương. Cứ nghĩ bỏ đất Can Lộc, anh chị vào đây sẽ có cuộc sống khá hơn nhưng vì cái nghèo chung của cả nước nên mâm cơm nhà giáo vẫn rất đạm bạc may có rẫy bắp, vườn rau sau nhà “tiếp sức” nên vẫn hơn những đồng nghiệp khác”. Được ở chung với ông bà ngoại, không lo nhà cửa nhưng 4 đứa con ra đời trong hoàn cảnh eo hẹp đó cũng gần như vắt kiệt hết sức của hai người vốn dĩ “mình hạc xương mai”. Thật may mắn hơn là khi 2 cậu con trai và 2 cô con gái lại biết thương ba mẹ nên từ nhỏ đã phụ giúp gia đình từ việc lượm củi, hái rau, bắt cá... bớt đồng tiền chi tiêu ngoài chợ Phú Bài. Không chỉ lễ phép ngoan hiền, cả 4 đứa con không làm hổ thẹn mẹ cha vốn là nhà giáo trên con đường học vấn. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà ông bà đã cảm nhận được từ khi các con biết cắp sách đến trường. Sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Trường ĐH Huế và ĐH Vinh, 2 cô “công chúa” La Nhật Anh và La Nhật Tường nối nghiệp ba mẹ dạy ở Trường CĐ Du lịch và Trường THCS Đặng Văn Ngữ tại Huế. Với năng khiếu nổi trội, trưởng nam La Vĩnh Lộc sau khi tốt nghiệp ĐH lại về “đầu quân” cho Đài Truyền hình VTV Huế. Nhiều năm trở lại đây, khán giả truyền hình đã rất quen thuộc với BTV Vĩnh Lộc - Phó phòng Thời sự VTV Huế - trong các chương trình thời sự trong nước và đặc biệt nhất là những tháng ngày anh ra đảo Hoàng Sa tác nghiệp về tình hình giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép trên hải phận Tổ quốc. Những phim tài liệu, phóng sự truyền hình của nhà báo Vĩnh Lộc luôn mang về giải thưởng cao cho đơn vị và trở thành niềm hãnh diện cho vợ và 2 cô con gái. Du học ở nước ngoài về, cậu con trai thứ “nhảy” vào lĩnh vực kinh doanh cũng đang ăn nên làm ra với công ty gia đình của mình.

Quản lý trong ngoài đều giỏi

Bây giờ tuổi đã tròn 65, có 7 cháu nội ngoại, nhưng tâm hồn ông bà vẫn đẹp như thời sinh viên sư phạm ngày nào vì tình yêu của họ bắt đầu bằng sự chân tình và cùng nhìn về một hướng.

Trong khi 4 người con lao vào việc học để vào đời thì ông bà dù đã vào đời vẫn cứ lao vào học  để lấy được tấm bằng cử nhân văn chương tại Trường ĐH SP Huế và các lớp học cao cấp về công tác quản lý. Trong nhà một người tạm gác công việc để đi học chuẩn hóa hay hàm thụ đã khó, đằng này cả hai ông bà cùng nỗ lực trong hoàn cảnh con thơ nhỏ dại, công việc nhà trường luôn ngập đầu. Biết như thế mới thấy được bàn tay xếp đặt chuyện gia đình thật tài giỏi của hai “thủ lĩnh”. Trách nhiệm càng nặng trên đôi vai khi ông được nhận thêm trọng trách “người cầm lái” của một trung tâm hướng nghiệp dạy nghề trực thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cơ sở vật chất ban đầu nghèo nàn thiếu thốn, đội ngũ mỏng về số lượng nhưng Giám đốc Ngụ đã tìm mọi cách để xoay chuyển tình thế và quan trọng hơn là mở ra được những lớp nghề phổ thông định hướng cụ thể cho các em học sinh sau khi được phân luồng. Bởi tuy là vùng ven sát với TP.Huế nhưng huyện Hương Thủy vẫn mang “phong cách” ruộng đồng dân dã. Còn bà, vừa là “hậu phương” vững chãi cho 5 cha con, vừa phải đứng ra nhận trách nhiệm trước chính quyền về sự phát triển GD-ĐT của địa phương.

Bây giờ tuổi đã tròn 65, có 7 cháu nội ngoại, nhưng tâm hồn ông bà vẫn đẹp như thời sinh viên sư phạm ngày nào vì tình yêu của họ bắt đầu bằng sự chân tình và cùng nhìn về một hướng.

Quang Phan