Thứ bảy, 26/12/2015, 20h53

Cuối năm: Nạn ăn xin có nguy cơ bùng phát…

Thời gian qua, UBND TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tình trạng người ăn xin, người lang thang tràn lan trên địa bàn TP. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn khi người ăn xin ngày càng có đủ chiêu thức ăn xin, nhất là dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.

Rất khó phân biệt người bán vé số với người ăn xin giả dạng

Bài toán không dễ

Vừa qua, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã có văn bản số 26286/SLĐTBXH-XH ngày 7-12-2015 chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH quận, huyện, các trung tâm bảo trợ xã hội (BTXH) thuộc sở tập trung thực hiện công tác quản lý người ăn xin, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định từ nay đến trước và sau Tết Nguyên đán 2016. Khi có những biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý vấn đề này, TP.HCM đã có những kết quả bước đầu. Từ ngày 28-12-2014 đến nay, Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM đã tiếp nhận 1.879 đối tượng, chuyển đến các trung tâm BTXH trên địa bàn TP 1.272 trường hợp, giải quyết hồi gia tại trung tâm 763 trường hợp. Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần đã tiếp nhận ban đầu 204 trường hợp, giải quyết hồi gia 75 trường hợp. Các trung tâm BTXH giải quyết hồi gia 710 trường hợp. Hơn 400 đối tượng đã được học nghề tại các trung tâm BTXH thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.

Niềm vui đến với nhiều người từng hành nghề ăn xin khi họ được học nghề chăm sóc cây kiểng, cắt tóc, may dân dụng, may công nghiệp, sửa xe gắn máy… Hơn 400 đối tượng học văn hóa tại Trung tâm BTXH, cụ thể: Lớp xóa mù, cấp I, cấp II, trung cấp, cao đẳng, đại học. Các doanh nghiệp cũng đã tiếp nhận 24 đối tượng vào làm việc.

Một thực tế không thể phủ nhận là số đối tượng ăn xin ở trung tâm TP, một số giao lộ, những nơi thường xuất hiện người ăn xin... đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, các hình thức ăn xin ngày càng biến tướng để che mắt chính quyền khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn. Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng BTXH, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết: “Người ăn xin có thời điểm tăng, đặc biệt vào các ngày lễ, hội. Họ phân bổ khắp TP, kể cả ngoại thành, tập trung tại các giao lộ, khu công nghiệp, khu chế xuất, cây xăng… và thường xuyên di chuyển. Hình thức xin ăn là giả dạng bệnh, lê lết dọc đường phố, bán vé số, tăm bông, lợi dụng trẻ em để xin ăn, giả thầy tu đi khất thực… Bên cạnh đó, việc phát hiện và xử lý đối tượng có dấu hiệu chăn dắt người xin ăn gặp khó khăn”.

Cần nhiều biện pháp song song

Trên một số tuyến đường ở TP.HCM, người ăn xin không xòe tay hay van xin một cách trắng trợn mà ngồi vật vạ, giả què quặt hay bệnh tật để năn nỉ người đi đường mua vài hộp tăm bông hay tờ vé số... Thỉnh thoảng, họ chìa chiếc mũ ra xin. Có thể nhận thấy các hình thức ăn xin ngày càng biến tướng, nhiều chiêu trò. Trước tình hình đó, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục hướng dẫn và phối hợp với các quận, huyện đẩy mạnh thực hiện tập trung đối tượng thường xuyên theo kế hoạch hoặc đột xuất. Việc rà soát các khu trung tâm, các giao lộ, khu chế xuất, nơi thường xuất hiện người xin ăn để tổ chức tập trung đối tượng kịp thời sẽ được thực hiện gắt gao hơn.

Sở LĐ-TB&XH khuyến khích người dân khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu chăn dắt người ăn xin hãy phối hợp với cơ quan thẩm quyền xử lý theo quy định. Đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh từ người dân sẽ tiếp tục được duy trì để có hướng xử lý kịp thời.

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã cung cấp hai đường dây nóng: Số 0835533258 (24/24)  tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội (nơi trực tiếp nhận đối tượng từ quận, huyện chuyển đến); Số 0838292491 (giờ hành chính) Phòng BTXH Sở LĐ-TB&XH.

Mọi năm, đến hẹn lại lên, sau Tết Nguyên đán, người ăn xin ở TP.HCM bắt đầu bùng phát trở lại. Thiết nghĩ, việc tập trung người ăn xin, lang thang chỉ là giải pháp tạm thời. Để có thể giải quyết triệt để vấn đề này cần sự chung tay từ nhiều phía. Mỗi người dân nên đồng hành với chính quyền trong việc không cho tiền người ăn xin, làm từ thiện đúng nơi, đúng đối tượng. Đặc biệt, vấn đề phối hợp với các tỉnh, TP để xử lý hết sức cần thiết vì khoảng 90% người lang thang, ăn xin đến từ địa phương khác. “Vấn đề quan trọng là ở địa phương những người ăn xin, lang thang cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ họ sớm ổn định cuộc sống. Bản thân họ cũng phải có sự nỗ lực, lòng tự trọng để vươn lên. Bên cạnh đó, đối với những kẻ chăn dắt, các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay, khởi tố đúng người, đúng tội”, ông Lê Chu Giang nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Yên Hà