Thứ ba, 20/6/2017, 19h54

Đà Nẵng: Học sinh hứng thú với tiếng Nhật

Sau nửa năm đưa tiếng Nhật vào thử nghiệm tại một số trường tiểu học và THCS như một ngoại ngữ thứ hai trên địa bàn quận Liên Chiểu, hiệu quả bước đầu rất khả quan. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, để học sinh có điều kiện học tiếng Nhật như một ngoại ngữ chính thì cần tiếp tục mở rộng đề án ở các cấp học.

Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh trong giờ học tiếng Nhật

Năm học 2016-2017, quận Liên Chiểu tiếp tục thực hiện Đề án dạy và học tiếng Nhật ở bậc tiểu học và THCS. Cụ thể, ngành giáo dục tổ chức dạy tiếng Nhật tại 3 trường THCS (Lương Thế Vinh, Nguyễn Lương Bằng và Ngô Thì Nhậm) với 9 lớp (371 học sinh) và 4 trường tiểu học (Ngô Sỹ Liên, Võ Thị Sáu, Phan Phu Tiên và Nguyễn Văn Trỗi) với 10 lớp (396 học sinh). Bà Lữ Thị Kim Hoa (Trưởng phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu) cho biết, kết quả sơ bộ bước đầu rất khả quan. Đặc biệt ở bậc THCS, mặc dù là ngoại ngữ thứ hai nhưng các trường triển khai các bài kiểm tra rất chặt chẽ nhằm đánh giá chất lượng học tập của học sinh. Điều đáng mừng là các em đều đạt kết quả tốt, không có học sinh yếu, kém. Tương tự, cô Lê Thị Minh Nguyệt (giáo viên tiếng Nhật) chia sẻ: “Các em học sinh rất hứng thú với môn học mới mẻ này. Đặc biệt, sự có mặt của giáo viên người bản địa trực tiếp cùng giáo viên người Việt đứng lớp với những bài học mang tính trực quan sinh động, lồng ghép những trò chơi, đố vui… đã thu hút được học sinh và bước đầu đạt hiệu quả tốt”.

Ông Nguyễn Kha (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Sỹ Liên) nhìn nhận, trường có 120 học sinh khối 5 học tiếng Nhật, được chia thành 3 lớp. Hầu hết phụ huynh đều quan tâm và đồng thuận với chủ trương tiếng Nhật là ngoại ngữ tự chọn. Với 1 tuần bố trí 2 tiết học, kết quả bước đầu rất khả quan, hầu hết các em đều có năng lực ngoại ngữ tốt.

Theo bà Lữ Thị Kim Hoa, trên thực tế nhu cầu học tiếng Nhật của học sinh trên địa bàn rất lớn. Trong quá trình hội nhập quốc tế, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trở thành quan hệ hợp tác chiến lược. Ngày càng có nhiều người Việt tham gia học tiếng Nhật để phục vụ các mục đích như du học, xuất khẩu lao động, tìm hiểu về văn hóa, tìm kiếm cơ hội việc làm tại các công ty liên doanh... Mặt khác, quận Liên Chiểu cũng là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp nên nhu cầu về lao động biết tiếng Nhật rất cao. Vì vậy, việc dạy tiếng Nhật trong nhà trường là bước cần thiết giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, phát huy năng lực sớm. Tuy nhiên, do mới triển khai thí điểm nên nguồn lực về cơ sở vật chất, con người và kinh phí còn hạn hẹp, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Để tuyển sinh các lớp tiếng Nhật, những trường trên đều có phương thức xét tuyển để chọn ra những học sinh có thực lực vào học. Đơn cử như ở Trường THCS Lương Thế Vinh, đầu năm học 2016-2017, khi tuyển sinh lớp tiếng Nhật ở khối 6 có gần 200 hồ sơ dự tuyển. Với chỉ tiêu 2 lớp, trường phải tuyển chọn dựa trên nhu cầu và năng lực thực tế của các em. “Về lâu dài, cần có phương án bổ sung kinh phí, nguồn lực giáo viên, các tài liệu, giáo trình phù hợp… để học sinh có thể tiếp cận được nhiều hơn với lượng kiến thức tiếng Nhật giống như một ngoại ngữ thứ nhất. Bởi tiếng Nhật cũng đang rất cần thiết cho thế hệ trẻ trong thời kỳ hội nhập”, bà Hoa nói.

Mục tiêu của đề án (do UBND quận Liên Chiểu phê duyệt) đến năm học 2019-2020 sẽ nhân rộng mô hình thí điểm tiếng Nhật tại tất cả 13 trường tiểu học và 7 trường THCS trên địa bàn quận Liên Chiểu. Mục tiêu xa hơn, đề án cũng đưa ra các giải pháp sau khi học sinh học xong tiểu học và THCS có nguyện vọng học tiếp ở các trường THPT. Bà Hoa cho biết, Phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND quận Liên Chiểu về việc trình Sở GD-ĐT tham mưu UBND TP chọn 2 trường THPT (Nguyễn Trãi và Nguyễn Thượng Hiền) để tổ chức thí điểm dạy môn tiếng Nhật.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên