Thứ hai, 2/7/2012, 15h07

Đà Nẵng: Qua rồi thời dạy - học “chay”

Một giờ học tại PHBM tin học của Trường THCS Lương Thế Vinh (Q.Liên Chiểu)

Để đáp ứng nhu cầu dạy - học thực hành, thời gian qua nhiều trường trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã tích cực đầu tư xây dựng phòng ốc, mua sắm trang thiết bị dạy học thực hành cho các bộ môn.
Dẫu chưa thực sự đầy đủ và còn băn khoăn về chuẩn chất lượng nhưng cơ bản phòng học bộ môn (PHBM) đã giúp ích rất nhiều cho học sinh lẫn giáo viên trong việc nghiên cứu, sáng tạo…
Kích thích tư duy sáng tạo
Nhằm kích thích sự sáng tạo của học sinh, xây dựng môi trường học tập thân thiện, được sự hỗ trợ của ngành, nhiều trường học trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng, mua sắm đầy đủ trang thiết bị cho PHBM. “Dù đưa vào dạy học chưa lâu nhưng PHBM đã chứng minh được ích lợi của nó trong việc kích thích trí sáng tạo, tinh thần say mê học tập và tạo điều kiện cho học sinh có “kỹ năng mềm”, năng động hơn rất nhiều so với mấy năm trước”, dẫn chúng tôi thăm PHBM của trường, thầy Huỳnh Duy Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (Q.Liên Chiểu) phấn khởi cho biết.
Theo chân thầy Linh, chúng tôi có dịp chứng kiến tận mắt một tiết thực hành tại phòng tin học của trường. Các em học sinh say mê bên những chiếc máy tính thực hành bài tập cho bài học lý thuyết vừa hoàn thành hôm trước. Em Nguyễn Quang Huy, học sinh lớp 7, chia sẻ: “Có phòng học thực hành, chúng em học hỏi được rất nhiều điều thực tế. Đối với những môn học như thế này mà chỉ học trên lý thuyết thì quả thực rất lúng túng khi ngồi trước máy tính”. Không riêng môn tin học, các môn học khác như lý, hóa, sinh… nhà trường đều ưu tiên xây dựng phòng học thực hành. Thầy Đỗ Ba, Tổ trưởng Tổ vật lý, nhận xét: “Được dạy - học thực hành, hiệu quả cao hơn và học sinh rất hào hứng. Ngoài việc được quan sát kỹ thí nghiệm biểu diễn của giáo viên, các em còn được trực tiếp làm thí nghiệm thực hành, tự rút ra bài học thông qua kết quả thu được. Kiến thức mà các em tiếp nhận vì thế cũng được khắc sâu hơn”.
Thầy Huỳnh Duy Linh cho biết, trước đây, do điều kiện khó khăn nên nhà trường chỉ có phòng chứa thiết bị dạy học chung cho tất cả các môn học. Cả giáo viên và học sinh mỗi khi thực hành đều phải mang các dụng cụ thí nghiệm lên lớp học, vừa không đảm bảo an toàn vừa khó khăn trong việc tổ chức cho lớp học làm việc theo nhóm. Việc xây dựng PHBM riêng biệt theo tính chất đặc trưng của từng môn học, đầu tư trang thiết bị theo hướng hiện đại hóa - đồng bộ hóa, đảm bảo đúng yêu cầu an toàn, kỹ thuật là giải pháp tối ưu, hạn chế sự độc hại và đảm bảo an toàn cho người dạy lẫn người học. Hiện trường đang làm hồ sơ đề nghị Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng công nhận PHBM đạt chuẩn.
Cần đầu tư đồng bộ hơn
Mặc dù đa số trường học trên địa bàn thành phố đều có PHBM đáp ứng nhu cầu dạy - học, tuy nhiên theo mức chuẩn quy định thì cái “có” này xem ra còn thiếu thốn nhiều. Tại Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang), nơi có đa phần con em đến từ các làng quê nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đang theo học, hiện có 4 PHBM lý, hóa, sinh và tin học, về cơ bản đáp ứng được việc dạy - học các tiết thực hành, thí nghiệm. Tuy nhiên, theo thầy Phan Khôi, Hiệu trưởng nhà trường: So với chuẩn mới thì diện tích của cả 4 PHBM đều không đảm bảo, chỉ đạt 1,4m2 và 1,5m2/học sinh (quy định của Bộ GD-ĐT là 2m2/học sinh).
Còn tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.Liên Chiểu) dù đã được đầu tư nâng cấp nhưng đó chỉ là sự chắp vá, so với chuẩn mới vẫn còn một chặng đường quá xa. Thầy Phan Minh Tiến, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Các PHBM của trường đều được cải tạo lại từ phòng học cũ vốn đã được xây dựng lâu năm, vì thế cả chiều cao, chiều ngang đều không đúng quy cách. Mặt khác, trang thiết bị trong phòng bộ môn cũng đã cũ kỹ, hư hỏng nhiều”.
Thiếu trang thiết bị, PHBM không đạt chuẩn đang là thực trạng chung của nhiều trường học trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Việc đầu tư xây mới hoặc cải tạo nâng cấp trong tương lai thiết nghĩ cần có lộ trình cụ thể, tránh việc sửa chữa rồi đập phá do không đạt chuẩn quy định.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, mục tiêu của ngành giáo dục Đà Nẵng đến năm 2020 là 100% các trường phổ thông trên địa bàn đều có 7 phòng bộ môn được đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT; đồng thời đáp ứng đủ trình độ, năng lực và nguồn nhân lực về con người phục vụ cho PHBM. Theo dự kiến, toàn thành phố sẽ có 183 phòng bộ môn được xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 307 phòng hiện có. Ước tính sẽ đầu tư 51 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị. Giai đoạn 1 (năm 2012-2015) dự kiến sẽ đầu tư trên 120 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, xã hội hóa giáo dục; giai đoạn 2 (năm 2012-2020) đầu tư 108 tỷ đồng, trong đó, sử dụng 50 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương, số còn lại sử dụng nguồn vốn địa phương.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên