Thứ bảy, 10/6/2017, 20h32

Dân chủ trong nhà trường

Dân chủ là vấn đề của thời đại, đặc biệt là trong nhà trường, nơi cần thiết phát huy cao độ vai trò làm chủ của thầy cô giáo trong quá trình giáo dục “sáng tạo ra con người sáng tạo”. Nhưng thực tế, những lúng túng khi thực hiện vẫn còn xảy ra ở một số trường! Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Huỳnh Công Minh xung quanh vấn đề này.

Theo TS. Huỳnh Công Minh, một trường học xây dựng tốt tinh thần dân chủ trước hết phải có sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể hội đồng nhà trường, tất cả vì sự tiến bộ chung (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

- TS. Huỳnh Công Minh nói: Dân chủ là một chế độ tiến bộ của xã hội, ở đó mọi người dân đều được tôn trọng, có quyền tự do bình đẳng, được luật pháp bảo vệ. Nhân loại đã phải mất bao nhiêu công sức, hy sinh cả xương máu đấu tranh để xây dựng và phát triển dân chủ, phát huy tốt bản chất nhân văn của con người.

Bác Hồ sinh thời thường hay nói với cán bộ, chiến sĩ là: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ luôn tâm niệm về một chế độ dân chủ, đất nước của nhân dân, chính quyền của nhân dân, sức dân vô cùng to lớn và mỗi chúng ta phải phục vụ nhân dân. Dân chủ không chỉ là biện pháp mà còn là mục tiêu của cách mạng, nhân dân phải luôn được trân trọng và tạo điều kiện tốt để làm chủ, cán bộ phải nhận thức đầy đủ về trách nhiệm phục vụ nhân dân và phát huy dân chủ để xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.

Là cán bộ, đảng viên trong nhà trường, các thầy cô giáo chúng ta càng nhận thức sâu sắc về ý nghĩa dân chủ nói trên, phải làm cho thầy cô giáo và học sinh cảm nhận được nhà trường là của mình, để tự giác nâng cao trách nhiệm xây dựng và củng cố cho nhà trường không ngừng tiến bộ.

PV: Theo ông, chúng ta phải làm gì để dân chủ được thực hiện và phát huy tốt trong nhà trường hiện nay?

- Theo tôi, tinh thần dân chủ có được trong các thành viên nhà trường, trước hết là niềm tin. Tin ở lãnh đạo đang toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp chung của nhà trường, công bằng, khách quan, không riêng tư ích kỷ, bè nhóm và lợi dụng; tin ở tầm nhìn và năng lực về nhận thức và thực thi nhiệm vụ.

Về phía lãnh đạo nhà trường, để có dân chủ trong đơn vị, trước hết phải nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và giá trị của dân chủ, tổ chức hướng đến các thành viên nhà trường một cách chân thành, trọng thị và xây dựng cơ chế dân chủ hoạt động thành nề nếp trong nhà trường, sâu sát lắng nghe và giải quyết kịp thời những ý kiến đúng, những nguyện vọng chính đáng của giáo viên và học sinh.

Hệ thống chính trị trong nhà trường từ chi bộ lãnh đạo đến ban giám hiệu quản lý và giáo viên, nhân viên làm chủ thông qua các đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên) phải được tổ chức thực chất, không hình thức đối phó. Phải xây dựng nhà trường phát triển theo đúng nguyện vọng chính đáng của tập thể sư phạm nhà trường, nâng niu trân trọng những thành quả của từng thành viên nhà trường và luôn tạo điều kiện cho từng thành viên cống hiến.

Thưa ông, những khó khăn cản trở dân chủ trong nhà trường hiện nay là gì?

- Khó khăn lớn nhất để phát huy dân chủ xưa nay trong nhà trường là vấn đề nhận thức. Nếu chúng ta nhận thức về dân chủ sơ sài, đơn giản thì những quan niệm phong kiến xưa cũ tiếp tục ảnh hưởng làm trở ngại quá trình xây dựng dân chủ nhà trường như cán bộ thì bảo thủ, cố chấp, thiếu tôn trọng, lắng nghe; giáo viên, nhân viên thì thụ động, co thủ, đối phó, thiếu niềm tin vào tập thể và lãnh đạo, thiếu năng lực và kinh nghiệm làm chủ trong đơn vị… Nhưng quan trọng nhất vẫn là vai trò của cán bộ quản lý và lãnh đạo nhà trường. Trong các đơn vị có cùng điều kiện hoạt động, đội ngũ sư phạm giống nhau, nếu đơn vị nào có hiệu trưởng phát huy dân chủ tốt thì đơn vị ấy tất yếu sẽ đạt kết quả tốt hơn. Sự thiếu công bằng, thiếu khách quan, thiếu trung thực, thiếu chân thành trong các mối quan hệ quản lý… là những yếu tố cơ bản cản trở dân chủ trong nhà trường.

Ông có nhận xét thế nào về tình hình dân chủ hiện nay ở các trường học?

- Cùng với xu thế phát triển dân chủ của xã hội, dân chủ trong nhà trường ngày nay cũng đã tiến bộ hơn nhiều so với trước đây. Cán bộ quản lý nhà trường gần gũi, cởi mở hơn với giáo viên, nhân viên, lắng nghe được nhiều hơn những ý kiến, những tâm tư nguyện vọng của anh chị em đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh trong nhà trường. Những mâu thuẫn trong nhà trường xuất phát từ sinh hoạt thiếu dân chủ giảm thiểu hầu như không còn.

Giới hạn chính hiện nay là đời sống thu nhập của giáo viên vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng lớn đến mức độ cống hiến của đội ngũ cho công cuộc đổi mới phát triển nhà trường. Những thói quen, nề nếp cũ thiếu tiến bộ trong nhà trường chưa thực sự được tích cực đấu tranh xóa bỏ, tình trạng nể nang hay ngại khó vẫn còn tồn tại. Việc thực hiện cơ chế dân chủ chưa đầy đủ và chưa thường xuyên ở một số nhà trường do áp lực công việc mỗi ngày một cao hơn đang làm ảnh hưởng không ít đến quá trình thực hiện dân chủ.

Với tư cách nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông có lời khuyên gì về thực hiện dân chủ với các trường học tại thành phố?

- Dân chủ thường được đề cập đến như một tính chất của một xã hội hay một cộng đồng, đơn vị. Nhưng thường chúng ta chỉ nhận thức nó như một mối quan hệ đơn thuần giữa cấp quản lý và người bị quản lý chứ chưa cảm nhận hết được giá trị nhân văn sâu sắc của dân chủ trong cộng đồng xã hội như đã nói ở phần mở đầu trên đây. Chân lý ấy còn có ảnh hưởng lớn trong học sinh, thế hệ tương lai của đất nước, một đất nước văn minh, dân chủ. Cho nên chúng ta phải thể hiện sự dân chủ như là một lẽ sống, không chỉ là mối quan hệ bình thường để có thể đối phó hoặc giả tạo với nó!

Cơ chế dân chủ trong nhà trường thường thể hiện ở kỳ họp định kỳ (Liên tịch, giao ban, họp Hội đồng sư phạm…), qua sinh hoạt đoàn thể, qua họp thư, qua lịch tiếp dân và hiệu quả nhất là gặp gỡ trao đổi. Nếu không thực hiện thường xuyên thì dân chủ của đơn vị khó được phát huy.

Theo ông, một trường học xây dựng tốt tinh thần dân chủ là như thế nào?

- Trước hết là sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể hội đồng nhà trường, tất cả vì sự tiến bộ chung. Ở đó, người lãnh đạo quản lý toàn tâm toàn ý để có tầm nhìn đúng cho sự phát triển và có tâm để cảm thông, chia sẻ và đủ sức thuyết phục mọi người phát huy thế mạnh và khắc phục điểm yếu để đưa đơn vị phát triển, tiến bộ một cách văn minh và khoa học nhất.

Giáo viên, nhân viên trong đơn vị nhận thức được đầy đủ ý nghĩa và giá trị của mọi hoạt động trong nhà trường, xem đó như một phần máu thịt, trách nhiệm của mình để cùng chia sẻ một cách tự giác và chủ động; không né tránh, co thủ, đối phó. Các đoàn thể trong trường thể hiện đầy đủ và thực chất chức năng đại diện của mình một cách hiệu quả và thiết thực. Cơ chế hoạt động dân chủ trong nhà trường được thực hiện một cách nề nếp, chất lượng. Chúng ta phải hết sức cảnh giác tình trạng “bằng mặt mà không bằng lòng” hay “dân chủ hình thức”, có thể không xảy ra mâu thuẫn hay đổ vỡ lớn nhưng thực chất là mất dân chủ, không phát huy được sức mạnh chung và bản chất văn minh tiến bộ của nhà trường.

Xin cảm ơn ông!

Phan Ngọc Quang (thực hiện)