Thứ năm, 21/11/2013, 11h11

“Đảo đào hoa”

Người mẹ trẻ Trịnh Thị Tuyết Nga, sinh năm 1985 nhưng đã có 4 đứa con
Khoảng trên dưới 10 năm nay, xóm trọ cuối hẻm 108, tổ 4, KP.2, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM có một cái tên rất “kêu”: “Đảo đào hoa”.
Giải mã cái tên
Chúng tôi đã cất công đi tìm hiểu cái tên mà khi nghe đến ai nấy đều tò mò với nhiều giả thuyết. Ông Nguyễn Văn Hai, người thuê trọ tại xóm nói, gia đình ông về đây ở từ năm 2009, đã nghe cái tên này. Theo ông được biết, vài năm trước có nhiều đàn ông, thanh niên đến thuê trọ. Ai nấy đều đẹp trai, tướng tá trông như nghệ sĩ, dù không có tiền bạc, nghề nghiệp ổn định nhưng ngày đêm luôn có người đẹp kề cạnh cung phụng. Có chàng “sở hữu” cùng lúc 2-3 cô gái trẻ đẹp. Và cái tên “đảo đào hoa” ra đời từ đó. Gọi là đảo vì nằm trong khu dân cư hiện hữu nhưng trước đây không có điện, nước sạch và đường sá đi lại cách trở.
“Đảo đào hoa” cũng có một cách giải thích khác mà chúng tôi được những cán bộ công tác tại P.Tân Hưng cung cấp. Đó là cách gọi theo kiểu “tự phong” của những cư dân ở đây khi xóm trọ không được chính quyền địa phương công nhận bởi không có nhà trọ mà chủ chỉ cho thuê đất, người thuê tự dựng nhà, che lều ở tạm. Về sau, thấy người thuê trọ nghèo khó, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện để họ có cuộc sống ổn định. Từ bị cấm đến được công nhận mà họ tự phong là “đảo đào hoa”.
Nghe nói “đảo đào hoa”, không ít người nghĩ đó là một nơi hội tụ tất cả cái đẹp, người đẹp và cuộc sống lý tưởng. Tuy nhiên, mọi thứ hoàn toàn ngược lại với suy đoán của chúng tôi. Hơn 15 năm trước, người dân tổ 4, KP.2 chỉ quen với việc đồng áng, mua bán trên kênh rạch. Thời điểm đất đai cao giá, người dân đã phân lô đất nông nghiệp bán nền, nghề nông chỉ còn lại trong ký ức. Những người có kha khá đất, sau khi bán biết làm ăn sinh lãi thì trở nên giàu có. Cũng không ít hộ vì có chút đỉnh tiền từ bán đất mà sinh tật ăn chơi, đua đòi đến tán gia bại sản. Đó là chưa kể thanh thiếu niên xem nhẹ chuyện học hành, chơi bời lêu lổng mà đánh mất tương lai khi phải lớn lên trong trại giáo dưỡng, nhà tù.
Những thế hệ trưởng thành từ đây còn lại không nhiều, đa phần đã theo gia đình chuyển đến nơi khác. Nguyên nhân chính khiến họ phải rời bỏ mảnh đất mà bao đời dòng họ đã sống là do an ninh trật tự trên địa bàn ngày càng trở nên phức tạp. Con hẻm 108 từ nhiều năm nay đón nhận hàng trăm công dân từ khắp nơi trên địa bàn thành phố. Trong đó, phần lớn là thành phần bất hảo đến từ Q.4, Q.8… tụ tập về.
Nhiều năm trước, hẻm 108 được biết đến là nơi yên tĩnh, nhà rộng mênh mông, con người hiền hòa, thân thiện của Sài Gòn. Ông Lê Văn Sửu, 64 tuổi, lớn lên từ mảnh đất này cho biết: “Hồi đó, nhà này cách nhà kia một khu vườn rộng, ranh giới là hàng cây mận, cây xoài rợp bóng mát. Mỗi khi sang nhà hàng xóm chơi, chỉ cần băng vườn mà không phải đi cổng chính. Còn bây giờ, không ít căn nhà đã bị chia năm, xẻ bảy vì phải bán để trả nợ. Chủ mới lại “xẻ” nhà bán tiếp, nhà nhỏ càng nhỏ hơn”.
Theo người dân địa phương, tình hình an ninh phức tạp kể từ khi có sự xuất hiện của những căn nhà trọ tạm bợ mọc lên. Tuy mang tiếng là chủ hàng ngàn mét vuông đất nhưng không có tiền để xây cất nhà trọ khang trang nên mới cho thuê từng khoảnh để người thuê tự xoay xở dựng nhà. Cũng từ “đặc điểm” ấy mà xóm trọ ở “đảo đào hoa” được xem là nơi có giá thuê trọ siêu rẻ ở đất Sài Gòn. Bà Nguyễn Thị Thảnh, người thuê trọ tại “đảo đào hoa” nhẩm tính: “Lúc gia đình tôi mới chuyển về, mỗi tháng chỉ trả 200.000 đồng tiền thuê 30m2 đất. Chúng tôi tự mua bạt, gỗ tạp về dựng chòi. Tiền thuê tăng theo từng năm, đến nay mỗi tháng tiền thuê đã 450.000 đồng rồi. Với 5 thành viên trong gia đình, tính ra mỗi người ở chưa tới 100 ngàn đồng/ tháng, với giá này tìm đâu ra ở đất Sài Gòn?”.
Số phận của công dân nhí

Một góc của “đảo đào hoa”
Nhà không ra nhà, lều không ra lều, cuộc sống bi đát nhưng theo người dân, “đảo đào hoa” đã đỡ hơn trước nhiều. “Tội phạm giảm, số ít trẻ được chính quyền địa phương vận động ra lớp học tình thương…”, bà Thảnh nói. Nhắc đến hẻm 108, người dân ngụ P.Tân Hưng, Q.7 lắc đầu ngao ngán bởi sự phức tạp nảy sinh. Từ đường Lê Văn Lương vào đến “đảo đào hoa” phải mất hơn 250m qua nhiều con hẻm nhỏ chằng chịt như “ma trận”, chỉ vừa đủ một chiếc xe máy. Vào hẻm vài mét, chúng tôi có thể cảm nhận ở đó là một cuộc sống khác qua nếp sinh hoạt, mua bán của người dân tại đây. Hai bên đường đất đá lởm chởm dẫn vào “đảo đào hoa” là hàng chục căn nhà lụp xụp được chắp vá từ gỗ tạp, tôn mục có diện tích khiêm tốn. Nhiều đoạn nước thải ngập úng đen ngòm, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bâu kín. Những đứa trẻ trông người ngợm dơ dáy, đen đúa đang say sưa với trò chơi của trẻ con nhưng thấy khách lạ đến là bỏ ngang chạy đến xin tiền “vì sáng giờ con chưa ăn gì, đói lắm”. Thấy đám trẻ đứng quanh, một người đàn ông lên tiếng: “Chú cho tiền là tụi nó kéo nhau đi chơi game, không thì cha mẹ nó cũng “tịch thu” đánh đề, mua vé số hết à”.
Không khó bắt gặp những bà mẹ trẻ cùng đàn con nheo nhóc ngồi đồng ở quán cà phê cóc hay những sòng bạc tứ sắc, lô tô dưới bóng cây bàng. Các cô, dì và các chị miệng phì phèo thuốc lá ngồi lê đôi mách dưới đường đất cũng không phải là hiếm. Riêng các cô (từ tuổi mới lớn đến các bà mẹ trẻ) thì 2-3 giờ chiều đã ngồi trước cửa nhà “tút” lại nhan sắc cho cuộc sống về đêm!
Hai chữ “tương lai” với “đảo đào hoa” là xa xỉ. Không ít đàn ông, thanh niên sáng thì đi móc bọc, chưa tròn bóng đã thấy ngã nghiêng bên chai rượu đế. Con gái, phụ nữ thì đêm làm gái, ngày ngồi sòng, trong khi con cái nheo nhóc, không được đến trường. Đứa nào được cha mẹ đưa đi học ở lớp học tình thương được coi là phước lớn. Chỉ có số ít người chí thú làm ăn, vượt qua cái nghèo kiếm tiền bằng sức lao động của chính mình với các nghề xe ôm, phụ hồ, bốc vác…
Những công dân nhí chào đời ở “đảo đào hoa” cũng đã sớm thích nghi với cuộc sống tạm bợ, không tương lai của cha mẹ chúng. Trẻ lên 5, lên 7 không được học hành, thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ nên chúng đã dắt nhau đi móc bọc, tiền kiếm được lại “nướng” vào trò chơi điện tử. Lớn lên chút nữa thì lập băng nhóm đi xin đểu, cướp bóc để có tiền hít keo chó. Có trường hợp mới 3 tuổi đã là công cụ kiếm tiền, nuôi sống cho cả nhà, như cháu Trịnh Nguyễn Thành Đức (sinh 2010) bị cậu ruột và bà  ngoại đánh đập, bắt ép đi xin ăn về nuôi cả nhà.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Trung tá Nguyễn Thành Tài, Trưởng công an P.Tân Hưng, Q.7 cho biết, người thuê trọ ở đây đa phần là những thành phần bất hảo đến từ các quận, trong đó nhiều nhất là Q.4. Họ làm đủ các nghề, không ít người là giật dọc trộm cướp, đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn. Vì thành phần người thuê như vậy nên khu vực này không được phường cho đăng ký tạm trú. Để đảm bảo an ninh, hiện chính quyền đang tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ những căn nhà tự ý dựng lên trong thời gian qua.