Thứ năm, 31/12/2015, 22h34

Đau lòng!

Chỉ có thể thốt lên hai từ đó cho trường hợp em học sinh T. (16 tuổi ở Bình Phước) ngày 27-12 đã tự tử tại đập nước Phước Hòa thuộc xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Đây không phải là trường hợp duy nhất và ngẫu nhiên. Với áp lực cao trong học tập nơi nhà trường và sức ép từ gia đình, cũng như ý thức về sự cạnh tranh một công việc tốt trong tương lai..., nhiều hệ lụy không tích cực đã và đang diễn ra.

Trước đây, Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ tự sát trong lứa tuổi thiếu niên có liên quan tới học tập; còn Nhật Bản đứng đầu thế giới về tỷ lệ “kết liễu” cuộc sống khi quá nhiều áp lực công việc đổ dồn lên đầu người trưởng thành. Việt Nam hiện nay có bước tiếp vết xe đổ của các quốc gia trên hay không chưa thể khẳng định, song khi tin em T. kết thúc cuộc sống non trẻ của mình vì “Con luôn nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng, nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả. Con không thể hoàn thành nó được. Con xin lỗi...” thì có thể khẳng định áp lực cha mẹ đặt lên con cái ở Việt Nam giờ cũng rất lớn.

Để bất kỳ ai không phải thốt lên những từ đau lòng cho biết bao đứa trẻ còn ngày đêm đèn sách cũng như không phải ân hận và dằn vặt suốt đời như người cha của em T: “T. ơi! Bố mẹ xin lỗi con, bố mẹ biết lỗi rồi, hãy tha lỗi cho bố mẹ”. Thiết nghĩ rằng, những áp lực đè nặng trên học sinh không phải chỉ có từ gia đình. Tất cả đều phải nhìn lại, từ cha mẹ, đến thầy cô ngày ngày gần gũi các em. Kế đến, phải tự vấn lại rằng những phòng tư vấn học đường ở đâu trong diễn tiến tâm lý của con trẻ? Và, phải thú thực một điều nữa hết sức đau lòng là nền giáo dục chạy theo thành tích mà quên dạy kỹ năng đã gián tiếp kề sát con-dao-tử-thần vào các em học sinh. Tự thân tôi, một giáo viên trong ngành giáo dục phải nhận lỗi là một nhân tố vô hình mang đến kết cục này cho học trò.

Trường học giờ như một công trường thi công, ngày ngày hoàn thành những sản phẩm mắc nhiều lỗi. Hối thúc học sinh học để thi, dựa vào nội dung thi mà học và chỉ như vậy thôi nên chưa đủ gọi là giáo dục. Đừng nghĩ rằng bố mẹ em T. ở Bình Phước kia nhận lỗi vì gây ra cái chết của con mình, mà hơn hết mỗi người làm trong ngành giáo dục tự hỏi có còn trường hợp nào như thế diễn ra nữa không và liệu mình có vô can?

Rồi đây, sự việc đi vào hư không và ai nấy đều dễ dàng quên mất đi hình ảnh T. tự tử trong dòng đời tấp nập. Hơn ai hết, mỗi cá nhân hãy cân nhắc và sáng suốt dành cho con cái mình, người thân yêu của mình những kỹ năng và tâm thế cần thiết để bước vào đời một cách an nhiên nhất dù không giỏi nhất.

Minh Quân