Thứ hai, 16/7/2012, 14h07

Dạy - học ở thư viện đa năng

Cô Thúy Liên chuẩn bị cho một tiết dạy mới

Chức năng chính của thư viện là nơi phục vụ việc đọc sách, nhưng trong xu thế đổi mới phương pháp giảng dạy ở trường phổ thông thì đây chính là một địa chỉ học tập lý tưởng và vô cùng hứng thú đối với người học.
Vừa qua, tiết học địa lý của lớp 9/4 Trường THCS Độc Lập (Q.Phú Nhuận) do cô Kiều Thị Ngọc Phượng giảng dạy là một ví dụ cụ thể. Thay vì cho học sinh (HS) ngồi học trong phòng như mọi ngày thì cô Phượng yêu cầu các em học ở phòng… thư viện.
Một cách đổi mới
Phòng thư viện nhà trường có diện tích không lớn lắm. Tuy nhiên được học trong một không gian mới lạ, có nhiều điều hấp dẫn đang chờ đợi nên khuôn mặt em nào cũng hớn hở. Thích thú nhất là xung quanh toàn sách là sách, những chồng báo mới và sách tham khảo phục vụ cho bài giảng cũng được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo.
Cô Bùi Thị Thúy Liên - thủ thư của trường - trao đổi: “Như thông lệ, cứ đến đầu tuần khi có lịch dạy theo chương trình “Góc thư viện đa năng” là chúng tôi xếp công việc của mình đúng theo yêu cầu của giáo viên bộ môn đưa ra để có điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học”. Theo cô Liên, muốn làm tốt khâu chuẩn bị thư viện phải biết phối hợp ăn ý với tổ chuyên môn để thống nhất nội dung các phần việc. Thế nhưng khó khăn chỉ trong thời gian đầu, sau khi thử nghiệm được vài tiết học vật lý, GDCD, sinh hoạt chủ nhiệm thì tất cả đều diễn ra trôi chảy. Từ yêu cầu của cô Ngọc Phượng, hai cô thủ thư đã chọn lọc được một số đầu sách tài liệu tham khảo cho môn địa lý. Những cuốn sách này đã từng là “người bạn” đồng hành với những bạn đọc thân thuộc nhưng cũng có thể còn rất xa lạ với một số HS lười đọc sách. Chính khi tiếp xúc với mỗi cuốn sách này, các em đã tìm đến được những chân trời rộng mở hơn trong kho tàng kiến thức mênh mông của nhân loại. Mặc dù những bài giảng của GV trên lớp đã là kiến thức nền nhưng những tri thức quý hiếm từ mỗi trang sách lại đưa các em vào một thế giới khác, sinh động và cụ thể hơn. Đây chính là nét hấp dẫn làm các em đam mê thêm giờ học tại góc thư viện đa năng. Xuống kho sách nhà trường, các em lại có nhiều cơ hội để làm quen với các loại bản đồ, Atlat minh họa cho bài học ở lớp. Ngồi một chỗ nhưng khi được trực tiếp nhìn bằng mắt hệ thống tranh ảnh sinh động, người học có cảm giác đã thoát ra khỏi bốn bức tường chật hẹp để du ngoạn khắp nơi trong và ngoài nước.
Gặp cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Phó hiệu trưởng nhà trường - chúng tôi còn được biết trước đó tiết học môn vật lý do cô đứng lớp cũng đã thử nghiệm thành công khi vận dụng góc thư viện đa năng. Theo cô Tuyết, tuy không giống với phòng thực hành nhưng phòng thư viện vẫn có điểm chung là tạo môi trường mới và không gian học tập rộng mở. Nếu ở phòng thí nghiệm được “đụng chạm” với các thiết bị máy móc thì trong phòng đọc các em lại trở thành “tín đồ” của các đầu sách tham khảo và tài liệu nghiên cứu khoa học.
Sinh động và hiệu quả
Học ở phòng thư viện cũng là cách để các em gắn bó hơn với văn hóa đọc, khuyến khích lứa tuổi thanh thiếu nhi say mê đọc sách - một thói quen các em ít để ý và gần như lãng quên trong hoàn cảnh tràn ngập các loại kênh thông tin hiện nay. Các GV  khẳng định, chính nhờ góc thư viện này mà các em bắt đầu mặn mà hơn với bộ môn lịch sử vốn phải ôm đồm nhiều số liệu và sự kiện. Những câu chuyện lịch sử “đi ra” từ trong trang sách đã làm “mê muội”, gây niềm hứng khởi ở các em. Thấy được thì làm tiếp nên các bộ môn khác như GDCD và cả tiết sinh hoạt chủ nhiệm cũng được BGH nhà trường quyết định “thừa thắng xông lên”.
Mặt khác, điều làm cho các “thần dân” thích thú hơn khi học ở phòng thư viện là những buổi thảo luận sôi nổi và hứng thú. Một GV dạy môn GDCD cho biết, nếu chia mỗi nhóm từ 6 đến 8 em thì sẽ có 4 đến 5 nhóm, như vậy rất hợp lý. Cũng theo cô, môn này số lượng sách tham khảo rất phong phú từ đề tài gia đình, nhà trường đến đạo đức, pháp luật. Ngoài nhật báo, các em có thể tìm những câu chuyện khác về đạo đức trong tạp chí và cả tục ngữ, ca dao, dân ca. Thế nhưng, theo các GV, sôi nổi nhất vẫn là công đoạn cuối cùng của tiết học - viết cảm nghĩ cá nhân và vẽ tranh minh họa. Chính đây là khoảng thời gian sáng tạo mà các em có thể tự thăng hoa và phát huy tốt nội lực của bản thân. Đây cũng là cách để người dạy kiểm tra, đánh giá người học và đem lại những bài học thực tế được chắt lọc từ các mảng lý thuyết chưa một lần được tinh luyện qua trí não. Phần trao giải thưởng chỉ mang tính tượng trưng cuối tiết học lại là nguồn động viên không thể thiếu cho những cá nhân hoàn thành tốt vai trò của mình trước tập thể. Đến với góc học tập, các em được gặp mặt lần đầu với Báo Vật Lý Và Tuổi Trẻ, Toán Học Tuổi Trẻ, Thế Giới Trong Ta…
Như trên đã nói, do phòng ốc chật hẹp nên các lớp có sĩ số đông trên 50 em quả là quá tải với một tiết học từ góc thư viện đa năng. Một thủ thư bày tỏ, nếu sĩ số lớp chỉ dừng lại ở con số 35 như lớp tiếng Anh tăng cường thì thật lý tưởng và chất lượng. Nhưng không phải vì thế mà nhà trường cứ ngồi chờ thuận lợi rồi mới bắt tay vào công việc.
Cũng theo các cô thủ thư, nếu trước đây công việc của người giữ sách rất đơn điệu nếu không nói là buồn tẻ thì từ khi có góc thư viện đa năng, chị em làm việc năng động và khoa học hơn. Niềm vui lớn nhất là được phục vụ và tìm mọi cách làm giàu hơn tri thức cho các bạn độc giả nhỏ tuổi thân yêu của mình.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang