Chủ nhật, 28/4/2013, 22h04

Dạy học sáng tạo

Trên lớp, người thầy không chỉ biết hướng dẫn mà phải biết tạo thử thách cho học sinh. Ảnh: Anh Khôi

Các nhà giáo dục trên thế giới luôn biết chú trọng phát huy tư duy sáng tạo của người học. Có thể coi đây là nhiệm vụ mà mọi giáo viên (GV) đều phải thực hiện.
Đúng như H.Pink từng nói: “Thế kỷ 21 là thế kỷ của những người sáng tạo và đồng cảm bởi nó đem lại những ý tưởng khác biệt có lợi cho tổ chức và cho cá nhân”. Bao giờ cũng vậy, sáng tạo luôn gắn liền với cảm xúc và sự hứng thú. Không chú trọng cảm xúc thì không có sự sáng tạo và ngược lại, sáng tạo là ngọn nguồn của mọi cảm xúc. Chúng tôi xin đưa ra các thói quen tư duy - hành vi thể hiện sự sáng tạo.
Hành vi tò mò thể hiện con người biết khám phá và tự nghiên cứu. Người tò mò biết đặt câu hỏi nghi vấn để kiểm tra những giả định. Hành vi kiên định thể hiện “tuýp” người biết chấp nhận khó khăn, đúng đắn trong suy nghĩ và hành động. Nói chung là dám khác biệt và vượt trội hơn với cá nhân khác. Con người có óc tưởng tượng thì sẽ suy nghĩ với tinh thần sáng tạo và có khả năng kết nối rộng rãi. Người tôn trọng kỷ luật lại có khả năng hoàn thành sản phẩm và có thể tự phát triển kỹ thuật sáng tạo. Bên cạnh đó họ còn có khả năng tự nhận xét và phê bình. Người sáng tạo cũng là người biết hợp tác linh động, có khả năng đưa và nhận phản hồi đồng thời sẵn sàng chia sẻ kết quả.
Ở trong lớp người thầy không chỉ biết hướng dẫn mà phải biết tạo thử thách cho học sinh. Hoạt động trong lớp tùy theo tình hình thực tế chứ không phải được sắp xếp theo một khuôn mẫu có sẵn. Trước đây thời gian và địa điểm học phải đúng theo kế hoạch nhưng giờ đây có thể linh động và ứng biến tùy theo nội dung. Nhiệm vụ học theo nhóm cũng đã hạn chế dần cách học cá nhân nhằm ưu tiên khả năng tự học và có sự tương tác đồng đều tất cả. Nếu trước đây vai trò của học sinh được định hướng sẵn thì bây giờ để cho người học tự quản lý. Chính vì thế người ta hay nhắc đến phương pháp 3K (Khơi gợi - Khám phá - Khích lệ) cũng với mục đích phát huy sự sáng tạo của người dạy và người học.
Để dạy học luôn đi trên con đường sáng tạo thì GV phải có nghĩa vụ cập nhật kiến thức, vì kiến thức và nghệ thuật luôn vận động chứ không bao giờ đứng yên một chỗ. GV phải tìm hiểu để làm người cố vấn, tư vấn cho học sinh. Mặc dù học sinh thường phụ thuộc vào lịch trình chung nhưng nếu GV linh hoạt trong định hướng thì cũng sẽ gây bất ngờ cho tiết học. GV nên tôn trọng sự khác biệt cá nhân để chấp nhận mỗi em có một phong cách học khác nhau theo hướng dạy học cá thể. Không chỉ GV mà cả phụ huynh cũng không được áp đặt theo khuôn mẫu mà phải hướng dẫn theo định hướng gợi mở. Vừa khuyến khích nâng đỡ, cổ vũ khi đánh giá vừa duy trì môi trường học tập đầy hứng khởi và an toàn cho học sinh. Nhưng trước hết phải thật sự thương yêu, tận tụy và tin tưởng các em. Người thầy thân thiện là người biết hòa mình để cùng làm bạn với học sinh.
Thực tế cho thấy, người thầy giỏi thường đưa học trò vào các hoạt động học tập tích cực như: Tranh luận, thảo luận, nghiên cứu, viết báo cáo, thực hành làm các sản phẩm ngoài việc nghe giảng. Người thầy thiết kế và quản lý lớp học hoạt động tốt, kỷ luật tốt chắc chắn sẽ giúp học sinh học tập đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, người thầy năng động thường sử dụng nhiều công cụ khác nhau để đánh giá phẩm chất học sinh như thế nào và kết quả học sinh đã tiếp thu được những gì. Người  thầy phải dạy sao cho hiệu quả, sao cho học sinh hứng thú học tập chứ không chỉ là đứng lớp truyền thụ kiến thức một chiều. Những người thầy có học trò đạt thành tích cao là những người biết kết hợp nhiều phương pháp truyền thụ và đặc biệt là luôn sáng tạo và đổi mới trong phương pháp truyền thụ kiến thức trên lớp bởi vì:  “Chính con người bạn mới là bài giảng chứ không phải ở những gì bạn nói”.
Nhạc sĩ Bùi Anh Tôn
(Trưởng Hội đồng bộ môn âm nhạc, Sở GD-ĐT TP.HCM)
Những người thầy có học trò đạt thành tích cao là những người biết kết hợp nhiều phương pháp truyền thụ và đặc biệt là luôn sáng tạo và đổi mới trong phương pháp truyền thụ kiến thức.