Thứ bảy, 9/6/2018, 20h41

Dạy khởi nghiệp từ nhà trường

LTS: Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Theo đó, đến 2020 có ít nhất 90% học sinh, sinh viên trước khi ra trường thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đào tạo khởi nghiệp, việc đưa giáo dục khởi nghiệp vào trường học hiện nay cần phải được thực hiện bài bản, gắn liền với giáo dục hướng nghiệp.

Bài 1: Khởi nghiệp phải gắn với hướng nghiệp

Hc sinh Trưng THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) tri nghim làm nhân viên siêu th

Khi khi nghip đưc đưa vào chương trình ging dy, lãnh đo nhiu trưng hc cho rng cn phi có mt quy chế yêu cu s phi hp cht ch gia cơ s đào to ngh nghip, doanh nghip sn xut và nhà trưng. Đc bit, khi nghip nên lng ghép vi hưng nghip, đưa hn thành mt b môn trong chương trình giáo dc.

Đưa ra ví dụ về việc “bỏ lửng” giáo dục hướng nghiệp hiện nay tại các trường THPT khi một năm chỉ có 9 tiết với thời lượng hơn 400 phút không đủ để học sinh nhận thức được một ngành nghề chứ đừng nói là hiểu bản thân muốn gì, cô Trần Thị Thơm (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tenlơman, TP.HCM) cho rằng việc đưa khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy từ bậc phổ thông là rất cần thiết nhưng cần phải được thực hiện một cách quyết liệt, hình thành hẳn một bộ môn, có một thời lượng phù hợp; đồng thời phải là điều kiện tiên quyết để học sinh tốt nghiệp. Để thực hiện được điều này, trước hết phải đổi mới về nhận thức, quan niệm từ cấp quản lý giáo dục, giáo viên đến phụ huynh. “Không thể nói giáo dục khởi nghiệp trong khi các trường chỉ chú trọng về thành tích, nặng về giáo trình còn phụ huynh thì còn ham “điểm đẹp”, rằng con tôi học chưa xong nói gì đến ba cái chuyện khởi nghiệp” cô Thơm khẳng định.

Tiếp theo, cô Thơm cho rằng cần phải ban hành được quy chế phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nhà trường để cho học sinh những trải nghiệm về ngành nghề, kinh nghiệm kinh doanh, ý tưởng... “Khi đã ban hành được quy chế đó rồi thì các trường cũng sẽ dễ dàng thực hiện hơn như tổ chức cho học sinh trải nghiệm một ngày làm công nhân, một ngày làm bác sĩ... Sau khi học sinh kết thúc những trải nghiệm như thế này, các em sẽ được cấp giấy chứng nhận. Và đây là điều kiện tiên quyết để các em tốt nghiệp. Có như thế mới thay đổi được nhận thức, quan niệm của phụ huynh, học sinh và giáo viên”, cô Thơm đề xuất.

Đặc biệt, cô Thơm nhấn mạnh: “Giáo dục khởi nghiệp và giáo dục hướng nghiệp cần phải được gắn liền cùng nhau, tạo thành một môn học, tăng thời lượng giảng dạy để học sinh có thể trải nghiệm, định hướng rõ rệt các ngành nghề từ sớm, nhận thức được sở thích và năng lực của bản thân để có sự lựa chọn tương lai phù hợp”.

Giáo dục học sinh hiểu giá trị của sức lao động

Khi đặt vấn đề giáo dục khởi nghiệp trong nhà trường với các bậc phụ huynh, đa phần đều có ý kiến rằng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu dạy khởi nghiệp mà không dạy trẻ biết quý trọng đồng tiền và sức lao động. Theo chị Ngọc Mai (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM), nếu đưa giáo dục khởi nghiệp vào nhà trường thì trước hết các trường cần phải giáo dục cho học sinh hiểu được giá trị của sức lao động và đồng tiền. Bởi vấn đề này rất quan trọng. “Tôi không hiểu giới học sinh, sinh viên - đối tượng còn “ăn bám” gia đình thường hào phóng chi 50-70 ngàn đồng mua 1 ly trà sữa. Các cháu chưa hiểu hết giá trị của sức lao động và đồng tiền nên chi xài xa xỉ”, chị Ngọc Mai nói.

Đây cũng là băn khoăn của anh Nguyễn Văn Phúc (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) về việc dạy khởi nghiệp trong nhà trường. Anh Phúc có cô con gái đang học lớp 12 Trường THPT Gia Định. Anh cho rằng có thể chỉ là các bài học về kiếm tiền, tự kinh doanh như bán trà sữa, bán sách... Các hình thức kinh doanh nhỏ, lẻ, online chẳng hạn nhưng tạo cho trẻ bước đầu nhận diện được sức lao động là như thế nào.

Là trường tiên phong tạo điều kiện cho học sinh nghiên cứu khoa học, hơn ai hết cô Phạm Thị Khánh Vân (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, TP.HCM) hiểu được “nỗi trần ai” của việc liên hệ các đơn vị tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm. “Mỗi lần liên hệ là phải năm lần bảy lượt mới được. Tôi đã liên hệ trước đó vài ba tháng, họ hứa nhưng rồi khi đến sát ngày, tôi điện thoại lại thì họ lại kêu là “chưa sắp xếp được”, hẹn dịp này dịp kia. Đến thời gian hẹn, điện lại thì đưa ra yêu cầu này yêu cầu kia. Nói chung rất trần ai”, cô Vân trải lòng.

Do đó, theo cô Vân, để có thể đưa khởi nghiệp vào nhà trường thì việc ban hành quy chế phối hợp giữa các bên liên quan là điều cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó là tạo điều kiện để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong giới học sinh tại các trường. “Những đề tài, dự án mang tính thực tiễn, giải pháp của học sinh nếu được đầu tư về chuyên môn, kinh phí để thực hiện thì cũng là một cách để các em khởi nghiệp”, cô Vân nhấn mạnh.

Chung nhận định này, thầy Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, TP.HCM) cho rằng để đưa giáo dục khởi nghiệp vào bậc phổ thông thì trước hết cần cho học sinh một khái niệm đúng đắn về khởi nghiệp. Theo thầy Hùng, hiện tại đa phần học sinh thường hiểu khởi nghiệp là một điều gì đó rất to tát, theo kiểu mô tuýp “có một ý tưởng rất thú vị, bỏ học giữa chừng rồi vất vả, lao đao nhưng rất nỗ lực, cố gắng đến cùng và thành công”. Bởi vậy, một định nghĩa đúng đắn về khởi nghiệp là cực kỳ quan trọng. Đồng thời phải có sự thay đổi về nội dung chương trình và đội ngũ giảng dạy, phải cho các em những trải nghiệm thực hành lao động, làm quen với môi trường lao động, sản xuất. “Bạn bè tôi ở nước ngoài thường thắc mắc rằng sao học sinh Việt Nam thích học kinh tế vậy mà ở các trường phổ thông lại không hề có một chương trình, một bộ môn nào dạy cho các em nhìn nhận về kinh tế. Trong khi đó, học sinh tại các nước phát triển, môn kinh tế luôn là một trong những bộ môn học sinh được tiếp cận từ rất sớm”, thầy Hùng băn khoăn.

Theo thầy Hùng, việc giáo dục khởi nghiệp hiện nay cũng đã được một vài trường thực hiện. Tuy nhiên chỉ ở mức nhen nhóm, nhỏ lẻ dưới các hình thức sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống như cho học sinh trải nghiệm ở siêu thị, tham quan các trường, tổ chức cho học sinh bán hàng ở các gian hàng trong dịp lễ hội tại trường. “Để hiệu quả cần phải có một lộ trình dài hơi hơn nữa”, thầy Hùng nhấn mạnh.

Yến Hoa