Thứ năm, 3/10/2013, 20h10

Dạy theo mô hình trường học mới - VNEN

Học sinh lớp 3/4 được bố trí bàn học nhóm
Trường Tiểu học Tân Thông, huyện Củ Chi là trường đầu tiên của TP.HCM thực hiện dạy theo mô hình trường học mới (VNEN). Thầy Nguyễn Tuấn Lê, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Đây là mô hình trường học dạy theo phương pháp mới, dạy học lấy học sinh làm trung tâm, thầy chủ đạo trò chủ động…”.
Năm học 2013-2014 là năm thứ hai nhà trường thực hiện mô hình này (dạy khối 2, 3 và 4).
1. Khi thí điểm thực hiện mô hình VNEN, theo thầy Lê, lúc đầu nhà trường gặp không ít khó khăn, nhất là các bậc phụ huynh còn hoài nghi, lo lắng, tâm lý hoang mang; có nhiều người “dị ứng”, “nhạy cảm” với cái mới nên họ cứ nghĩ đây là sự cải cách giáo dục vì thực tế phụ huynh nhìn thấy có sự thay đổi nội dung chương trình sách giáo khoa và đối tượng là học sinh - con em họ - được đem ra áp dụng thí điểm. Và để phụ huynh an tâm cùng hợp tác với trường, trong ngày hội nghị cha mẹ học sinh đầu năm học, nhà trường đã giải thích thật cặn kẽ cho phụ huynh hiểu, thông suốt như: Về chương trình học tập của học sinh, giáo viên giảng dạy luôn đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng của Bộ GD-ĐT ban hành chung cho toàn ngành (theo quyết định 16/2006/QĐBGDĐT vẫn dựa vào sách giáo khoa), trong đó nội dung bài học trong sách giáo khoa được sắp xếp cho phù hợp với hình thức tổ chức hoạt động của lớp; giáo viên chú ý coi trọng dạy theo hướng phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo cho học sinh…
Các em học sinh sau 2-3 tuần được giáo viên tổ chức học tập theo mô hình này đã dần thích hợp và quen nên từ đó tỏ ra thích thú, học tập một cách hăng say. Điều đặc biệt là các em luôn có thái độ học tập một cách tích cực, siêng phát biểu đóng góp xây dựng bài. Bởi vì khi tiến hành bài dạy, học sinh trong lớp được giáo viên tổ chức chia thành nhiều nhóm nhỏ (5 đến 8 em/nhóm), nội dung làm việc của từng nhóm đôi lúc không giống nhau; trong quá trình lên lớp giáo viên hạn chế làm việc chung với cả lớp mà đi đến từng nhóm để lắng nghe học sinh bàn bạc, trao đổi và chỉ giúp đỡ khi các em gặp khó khăn trong quá trình tìm hiểu bài (bàn ghế trong lớp học được bố trí theo nhiều nhóm). Bên cạnh đó, lớp học còn được bố trí 4 góc bộ môn như: Góc thư viện, toán, tiếng Việt, tự nhiên - xã hội. Học sinh còn chủ động tìm tư liệu, tự tay làm ra sản phẩm để phục vụ cho việc học tập…
2. Hôm các cán bộ quản lý và giáo viên dạy khối 2, 4 trong huyện Củ Chi đến trường dự chuyên đề “Tổ chức giảng dạy theo mô hình trường học mới Việt Nam - VNEN” (cuối tháng 9-2013), chúng tôi được trực tiếp dự giờ môn tiếng Việt lớp 2, môn toán lớp 4 và nhận thấy: Về ưu điểm, tiết học diễn ra hết sức nhẹ nhàng, học sinh tích cực chủ động trong học tập, phát huy tốt hoạt động của nhóm và cá nhân. Các em biết tự nêu ra mục tiêu bài học và thực hiện đạt được mục tiêu đó; tuy nhiên vì học sinh buộc phải làm việc theo nhóm và cá nhân nên cảm nhận không khí lớp học không được vui tươi, sinh động.
Trao đổi với chúng tôi, phụ huynh em Huỳnh Thảo Nghi (đang học lớp 2/5), cho biết: “Con tôi mới học chưa tới hai tháng, được nhà trường áp dụng theo cách dạy mới này cháu có sự tự tin hẳn lên, ham thích đi học lắm. Trước khi học bài mới cháu được cô giáo hướng dẫn, dặn dò trên phiếu học tập nên ở nhà tôi cũng thuận tiện trong việc giúp con chuẩn bị bài học”. Còn em Huỳnh Ngọc Yến Nhi (hiện đang học lớp 3/6) thì nói: “Con thích học tất cả các môn, nhưng thích nhất là môn toán. Con mạnh dạn hỏi thầy cô và bạn bè những gì chưa biết, chưa rõ; cô giáo tạo điều kiện cho con tìm hiểu và phát biểu đóng góp xây dựng bài cho nên con nhớ rất lâu bài học…”.
Thầy Lê Văn Hoàng, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Dạy học theo mô hình VNEN lý tưởng nhất là sĩ số trong lớp chừng 25 em, giáo viên dạy tương đối khỏe vì không phải soạn giáo án, trong sách có sẵn lệnh giáo viên, dựa vào đó tiến hành bài dạy nhưng có điều giáo viên phải chuẩn bị thật kỹ phiếu giao việc và phiếu tự đánh giá cho các em. Tuy nhiên, nói gì đi nữa nếu gặp trường hợp học sinh nhút nhát, ngại phát biểu trước tập thể, không chịu hợp tác với nhóm thì sẽ học không kịp bạn bè bởi vì kiểu học này buộc các em tự hoạt động là chính”.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết: “Tại TP.HCM, dạy theo mô hình VNEN chỉ mới áp dụng thí điểm ở Trường Tiểu học Tân Thông, huyện Củ Chi. Ban đầu đã gặt hái một số thành công nhất định. Bắt đầu từ năm học 2014-2015, mô hình VNEN sẽ được Sở GD-ĐT TP.HCM nhân rộng ra cho cả thành phố - mỗi quận/huyện sẽ có ít nhất một trường tiểu học thực hiện. Trong quá trình dạy theo mô hình này, chúng ta phải biết vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt không rập khuôn”.
Trần Văn Tám
(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
“Từ năm học 2014-2015, mô hình VNEN sẽ được Sở GD-ĐT TP.HCM nhân rộng ra cho cả thành phố - mỗi quận/huyện sẽ có ít nhất một trường tiểu học thực hiện. Trong quá trình dạy theo mô hình này, chúng ta phải biết vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt không rập khuôn”, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết.