Thứ tư, 12/9/2012, 16h09

Dạy trẻ lễ phép, nhân nghĩa

Ảnh minh họa. Ảnh: I.T

Thời nào cũng vậy, điều căn bản trong giáo dục con cái là dạy chữ đi đôi với dạy người. Tuy nhiên, giảng dạy lễ giáo, nhân nghĩa như thế nào để có hiệu quả đang là câu hỏi mà không ít bậc phụ huynh băn khoăn. Nhiều trường hợp trẻ nắm rất tốt phần lý thuyết, nhưng không biết thực hành như thế nào?
Chị Minh Vy (Q.Thủ Đức, TP.HCM) tâm sự: Để giáo dục con biết sống lễ phép, tôi thường phải áp đặt “Con phải thế này, con phải thế kia”, chẳng hạn như con phải biết vâng lời mẹ, phải chào hỏi khi gặp mọi người, phải thật thà không được nói dối… Nhưng xem ra đây là cách giáo dục rất khiên cưỡng, tạo cảm giác khá nặng nề và không đem lại hiệu quả. Áp lực đó khiến cháu cảm thấy những bài học lễ nghĩa trở nên khô khan, đáng ghét. Hậu quả là cháu quên nhanh những điều tôi vừa dạy bảo.
Để trẻ hiểu việc ứng xử lễ phép với mọi người là một điều đương nhiên trong cuộc sống,trước tiên, các bậc phụ huynh cần phải bình tĩnh nhận ra rằng trẻ còn quá non nớt để hiểu được thế nào là lễ giáo, phép tắc cư xử đúng mực và phù hợp với yêu cầu của xã hội. Với trẻ em, chúng xem việc được giúp đỡ là hiển nhiên, không phải bận tâm nên không phải nói lời cảm ơn. Vì thế, cha mẹ đừng vội la mắng trẻ mà cần phải nhẹ nhàng dạy dỗ, uốn nắn từ từ. Khi được 4-5 tuổi, trẻ đã khôn hơn nhiều. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để cha mẹ dạy những điều lễ nghĩa cho trẻ. Phụ huynh cũng cần phải loại trừ ngay suy nghĩ là con trẻ không biết gì để từ từ rồi dạy. Tâm lý lứa tuổi này là trẻ bắt chước thái độ và hành vi của người lớn rất nhanh. Vì thế, cách nói năng, cư xử của phụ huynh chính là bài học đầu đời của các em. Cha mẹ phải cố gắng uốn nắn giúp trẻ hình thành từ bên trong nhu cầu muốn sống và làm theo các chuẩn mực của xã hội.
Kinh nghiệm từ chị Ánh Nguyệt (Cao Lãnh, Đồng Tháp) có hai đứa con rất ngoan ngoãn, học giỏi. Cậu nhóc mới 5 tuổi cứ tíu tít chào khách và cảm ơn khi được cho quà với vẻ mặt tươi vui. Trong khi đó, không ít những đứa trẻ cùng tuổi vẫn nói trống không với mọi người. Chị Ánh Nguyệt trình bày “bí kíp” của mình: “Thỉnh thoảng, tôi nhờ các con lấy giùm đồ đạc trong nhà. Khi nhận được tôi liền cảm ơn ngay. Cháu sẽ cảm thấy rất vui khi nhiệm vụ của mình được hoàn thành chứ không cảm thấy khách sáo, câu nệ hình thức. Nhiều lần như vậy, không cần phải dạy những câu từ về đạo đức một cách rối rắm, con tôi cũng bắt chước biết cảm ơn một cách tự giác mỗi khi nhận được bất cứ thứ gì từ người khác. Khi mắc lỗi hoặc vô ý làm cháu đau, tôi đã thành thật xin lỗi con. Việc làm đó đã giúp cháu hình thành được ý niệm khi không làm điều tốt cho người khác thì phải nói lời xin lỗi”.
Sự thật cũng cho thấy dạy trẻ bằng những việc làm cụ thể có hiệu quả gấp nhiều lần so với việc cứ lặp đi lặp lại câu nói suông “Con cảm ơn đi!”.
Khi dạy trẻ hành vi lễ phép với mọi người, cha mẹ cần phải nhẹ nhàng, tận tâm và gương mẫu cùng thực hiện với con. Trẻ thường mong muốn được người lớn đối xử dịu dàng, do đó, thay vì cứ nói ra rả: “Con phải…” sẽ vào tai này và ra… tai kia thì cha mẹ cần tâm sự chia sẻ với con như một người bạn. Cụ thể, thủ thỉ với con trước khi ngủ những bài lễ nghĩa cũng là cách “dễ thấm” nhất. Ngoài ra, cha mẹ hãy để ý những hành vi lễ phép của trẻ và động viên kịp thời khi các em hành động đúng.
Ví dụ: Nếu vô tình bạn bắt gặp con mình chân thành xin lỗi bạn vì mình vừa va quệt thì đừng tỏ thái độ quá ngạc nhiên khiến con sẽ e ngại. Mà nhân tình huống đó bạn nên khích lệ con phát huy đức tính đó.
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cũng nên trao đổi với con cách giải quyết một số tình huống và khuyến khích con đề xuất cách bày tỏ lời xin lỗi, nói lời cảm ơn hay đưa ra lời chào hỏi làm cho tình huống sinh động. Ngoài ra, cha mẹ nên lồng ghép giáo dục ý nghĩa của việc hành động theo lễ nghĩa. Chẳng hạn như giúp người khác việc gì đó, chẳng mong họ nói lời cám ơn, nhưng mỗi khi nghe được lời cám ơn từ người khác trong lòng sẽ rất vui và càng muốn mình phải tốt hơn…
Cha mẹ lưu ý, đừng dạy lễ giáo cho con bằng quát mắng và đòn roi. Biện pháp này sẽ gây hiệu ứng rất phản cảm. Trẻ không những không vâng lời mà còn làm trái ý cha mẹ để chống đối. Vì vậy, để những bài học về lễ nghĩa không còn khô khan cha mẹ phải biết lắng nghe và thấu hiểu nỗi lòng của trẻ trước khi giáo huấn.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học, Trường ĐH Nguyễn Huệ)