Thứ năm, 29/9/2016, 21h19

Dạy văn miêu tả phải gắn với thực tế

Giáo dục TP.HCM số ra ngày 16-9-2016 có bài viết khá thú vị Để dạy văn miêu tả sinh động hơn của tác giả Lê Phương Trí.

Để học sinh làm tốt được bài văn miêu tả, điều quan trọng là các em phải được quan sát từ thực tế cuộc sống, hay qua phim ảnh... (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Khi nói về việc dạy thể loại văn tả cây cối ở lớp 4, tác giả nhận xét: “Để nhận biết những nét riêng của rễ, thân, cành lá, hoa, quả của mỗi loại cây đối với các em không phải là dễ dàng. Ích lợi, công dụng của từng loại cây không phải học sinh nào cũng biết, nhất là đối với những học sinh ở thành phố. Các em lại phải diễn đạt thành câu văn gợi tả. Muốn câu văn hay các em phải biết sử dụng các biện pháp so sánh, nhân hóa. Chính vì thế, chúng ta khó tìm thấy một bài văn tả cây cối hay ở học sinh...”. Đây có thể coi là một phản ánh ít nhiều có tính khái quát đối với các bài văn miêu tả nói chung.

Với loại văn này, điểm nhược của nhiều học sinh là ít tìm thấy những điều thực tế để đưa vào bài văn, trong khi đây là loại bài phải quan sát tỉ mỉ, lắng nghe, đúc kết từ những điều các em cảm nhận được. Chẳng hạn, tả cây cối, học sinh có thể tả ngay cây bàng ở trong sân trường, các em cần được quan sát cây bàng trong giờ ra chơi, xem dáng cây thế nào, tán lá ra sao, khả năng tỏa bóng rộng không, hoa bàng, trái bàng thế nào… Đặc biệt, cây bàng vào mùa thay lá (vào những tháng cuối năm và đầu năm) là hình ảnh đẹp, có khá nhiều chi tiết để miêu tả, như màu sắc của lá bàng (gần như cùng lúc có màu xanh đậm, màu cam/vàng, màu đỏ, màu lá non mới nhú…), hình ảnh sân trường đầy những lá có nhiều màu sắc… Dĩ nhiên, vào lúc giáo viên dạy tả cây cối có thể không đúng vào mùa cây bàng thay lá nhưng nếu giáo viên biết gắn kết thì trong tiềm thức của trẻ sẽ đọng lại sâu sắc hơn về hình ảnh cây bàng đổ lá và xa hơn là gợi mở cho các em về việc quan sát từ những điều xung quanh, thay vì để mọi thứ chỉ thoáng qua rồi trôi tuột đi.

Giáo viên nên tránh ra những đề bài đi xa so với hiểu biết, cuộc sống thường nhật của học sinh, để các em miêu tả về điều mình thấy, mình biết chứ không phải qua tưởng tượng hoặc “nhái theo” các bài văn mẫu. Giáo viên cũng cần thực tế hơn, tránh máy móc theo sách giáo khoa, sách hướng dẫn rồi “gò” các em theo khuôn mẫu phi thực tế đó!

Tương tự như vậy, bài văn miêu tả về loài vật, về một buổi trực nhật… thì phần nhiều các em phải… tưởng tượng ra vì không có điều kiện quan sát từ thực tế. Chẳng hạn, miêu tả một con vật nuôi trong gia đình, thì với điều kiện sống ở đô thị, phần nhiều các em sẽ không thường xuyên thấy một con chó, mèo… để có thể miêu tả chân thực, phù hợp. Nhiều em cũng không phân biệt được con chó có màu lông như thế nào thì gọi là chó phèn, chó bông…, không biết khi nào con chó vẫy đuôi, khi nào cụp đuôi…; với mèo thì mèo nào là mèo tam thể, mèo mướp, mèo mun, rồi tiếng “gừ gừ” của mèo lúc đang tức giận khác với tiếng “gừ gừ” lúc được yêu thương ra sao. Vì vậy, việc miêu tả của học sinh thường khá giống nhau, bởi đều xuất phát từ gợi ý của giáo viên, mà ít có sự đặc sắc ở từng bài riêng lẻ với đối tượng miêu tả cụ thể của từng học sinh. Cũng như vậy, tình cảm của từng học sinh đối với chủ thể miêu tả cũng na ná nhau mà ít có nét riêng, nên sự tác động qua lại của các học sinh thông qua các bài tập làm văn chưa rõ nét lắm.

Điều đáng nói nữa là, không ít trường hợp học sinh bị “mặc định” bởi các bài văn mẫu. Đây là điều có thể nói là rất đáng tiếc trong dạy văn hiện nay, khiến “đóng khung” nhiều dạng này, học sinh chỉ cần nhớ và thay đổi chút ít là thành ra bài riêng của mình. Thí dụ, với “mẹ” thì hay có hình tượng “tảo tần”, “thức khuya dậy sớm”, “tất bật với công việc”…, nhưng đâu phải người mẹ nào cũng có đặc điểm đó, khi nhiều phụ nữ làm việc văn phòng, nhà có người giúp việc… thì sự bận rộn theo kiểu khác chứ không phải kiểu “truyền thống” đó. Chính những bài văn mẫu đã ít nhiều làm triệt tiêu sự độc lập suy nghĩ, khả năng sáng tạo, dẫn đến những bài văn kiểu “nhà em có nuôi một ông nội”!

Ngoài ra, do ít bám sát thực tế của cuộc sống nên nhiều bài văn của học sinh tiểu học trở nên “phi thực tế”, nhất là với các đơn vị đo lường, các phép so sánh… Không ít em không nhận biết được độ dài của một tấc, một thước là bao nhiêu; khi so sánh vật này với vật kia thì “phi logic” (kiểu như so sánh đầu chú bộ đội với… trái mít); khi miêu tả thì trái tự nhiên (kiểu “leo cành chuối); hoặc nếu bám sát thực tế thì lại theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa”, khiến bài văn ngô nghê, buồn cười.

Để học sinh có thể làm tốt những bài văn miêu tả, điều quan trọng là các em phải được quan sát từ trong thực tế cuộc sống, hoặc được “quan sát gián tiếp” thông qua phim ảnh, tường thuật của người khác, để điều các em miêu tả phù hợp với thực tế và gần gũi với chính bản thân mình.

Nguyễn Trúc Giang