Thứ năm, 24/11/2016, 21h03

Dạy văn: Truyền “lửa” quan trọng không kém truyền kiến thức

Đối với môn văn, tôi khuyến khích các em học sinh đọc sách tham khảo, đọc càng nhiều càng tốt. Nhưng cấm lệ thuộc vào sách ấy. Hãy đọc và hãy quên đi. Chỉ như vậy thì mới có cơ may… nhớ, vì theo bản năng chọn lọc, những thứ cần học sẽ ở lại, nó sẽ giúp hạn chế sai chính tả, làm giàu vốn từ, tăng khả năng diễn đạt, tạo bố cục…

Một tiết học môn văn lớp 9 tại TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Trong các tiết lên lớp, tôi tha thiết nói với học sinh là các em hãy đọc sách tham khảo nhưng không phụ thuộc, đừng tin bài trong sách ấy là đáp án, là duy nhất hay. Đọc xong và hãy nghĩ, các em sẽ làm tốt hơn, hay hơn.

Một điều tối kị của dạy văn là áp đặt cảm nhận. Kiến thức thì có thể áp đặt nhưng cảm nhận thì không. Tôi chủ trương để học sinh thoải mái cảm nhận, và tôi sẽ là trọng tài, sẽ cân nhắc, điều chỉnh, định hướng để các em tìm ra “quy luật” cảm thụ được cái hay cái đẹp của một tác phẩm. Bên cạnh đó, tôi chú trọng những tiết trả bài. Nhận xét, đánh giá đúng sai hay dở của bài làm học sinh là chưa đủ. Tôi muốn học sinh hiểu rằng, tiết trả bài không phải là tiết biết điểm số mà là tiết học, thực sự học. Sau khi nhận xét, đánh giá chung, tôi sẽ lấy một đoạn văn trong một bài làm cụ thể nào đó, sửa từng lỗi chính tả, lỗi dấu câu, lỗi dùng từ, đặt câu, dựng đoạn... bằng cách cũng nội dung ý nhưng mình diễn đạt lại cho sạch sẽ, gọn gàng, mạch lạc rồi bắt các em đọc lại bài mình viết, đọc lại cái tôi đã sửa để rút kinh nghiệm.

Dạy văn đã khó, tạo hứng thú cho học sinh còn khó hơn. Do đó, tôi thường đầu tư nhiều cho “tiết mục” giới thiệu bài. Phải cố tìm một phương án vào bài thật ấn tượng, phải tạo tâm thế khám phá ngay từ đầu…

Tâm lí của học sinh thường ngại học những môn xã hội nên tâm thế khi đến với những môn xã hội nói chung và môn văn nói riêng thường rất bị động, lĩnh hội một cách máy móc chứ không chủ động tiếp cận, khám phá, sáng tạo. Tôi biết điều ấy nên trong những tiết dạy của mình, cái nhiệm vụ tối cao được tôi ưu tiên vào hàng bậc nhất là phải tạo được hứng thú cho học sinh. Chỉ khi có hứng thú thì các em mới mạnh dạn, chủ động trong quá trình chiếm lĩnh kiến thức. Dạy văn đã khó, tạo hứng thú cho học sinh còn khó hơn. Do đó, tôi thường đầu tư nhiều cho “tiết mục” giới thiệu bài. Phải cố tìm một phương án vào bài thật ấn tượng, phải tạo tâm thế khám phá ngay từ đầu… Tôi tâm đắc với phương án phát động các cuộc thi viết trong nhà trường: đưa chủ đề để học sinh toàn trường thi viết, những bài hay sẽ được trình bày trước toàn trường dưới hình thức phát thanh, có trao giấy khen phần thưởng. Trong chương trình dạy của mình, tôi thường lấy những tiết tự chọn làm thành những tiết sinh hoạt chuyên đề cho bộ môn: có thể cho học sinh chia tổ, nhóm lần lượt trình bày cảm nhận của mình về câu thơ, đoạn thơ, bài thơ hoặc nhân vật, đoạn trích truyện rồi các nhóm khác sẽ “chất vấn”, “giải trình”, học sinh sẽ tranh luận thoải mái, tự do, giáo viên làm trọng tài điều chỉnh, khuyến khích. Rồi cho học sinh chuyển thể tác phẩm văn học sang hình thức tiểu phẩm, sân khấu, cũng có thể giới thiệu những bài thơ phổ nhạc, những tác phẩm truyện đã chuyển thể thành phim, tiến hành cho các em nghe, xem rồi yêu cầu cho ý kiến…

Tôi không phải là giáo viên của một trường có “tiếng”, tuổi nghề cũng chưa hẳn đã cao, có thể những vấn đề tôi đưa ra không mới, nhưng tôi vẫn xin mạnh dạn tham gia vào chương trình “vì giáo dục”, vì tôi yêu nghề, vì tôi nghĩ những điều này là cần thiết. Và nhất là tôi quan niệm truyền “lửa” khó hơn truyền kiến thức.

Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, Phú Yên)