Thứ năm, 22/9/2016, 20h49

Để con có tấm lòng rộng mở

Các bậc cha mẹ cần giúp trẻ có tấm lòng rộng mở, hòa đồng với mọi người để trẻ dễ dàng hòa nhập vào xã hội.

Những đứa trẻ có tấm lòng rộng mở, ứng xử nhanh nhẹn, linh hoạt luôn tràn đầy năng lượng và tự tin đối với năng lực của mình. Trẻ sống cởi mở sẽ rất dễ hòa đồng, có thái độ gần gũi, thân thiện với mọi người xung quanh, luôn thích thú với việc khám phá những sự việc mới mẻ. Bồi dưỡng tính cách cởi mở, hoạt bát sẽ rất có lợi cho sự trưởng thành nhân cách lành mạnh của trẻ sau này.

Ngày nay, do có sự trợ giúp của các phương tiện thông tin đại chúng nên con người thường có xu hướng sống khép kín, ít chia sẻ trực tiếp và giao lưu với các nhóm. Bản tính của trẻ là thích hoạt động và vui vẻ, vì vậy những đứa trẻ khó tính, sống kín đáo, cô độc, khép mình thì cha mẹ có thể giúp con sửa đổi tính cách đó để bé dễ dàng hòa nhập vào xã hội.

1. Cha mẹ luôn cởi mở tấm lòng: Mọi thành viên trong gia đình luôn quan tâm, yêu thương lẫn nhau có thể giúp trẻ thay đổi thái độ dửng dưng, thờ ơ trước người khác; cùng chơi với con những trò giải trí, qua đó các bé học cách bày tỏ thái độ một cách chân tình, nhẹ nhàng, thoải mái. Cho con cơ hội sẻ chia, yêu quý, quan tâm đến mọi người. Có thể đưa con sang nhà hàng xóm chơi, hoặc mời bạn của con đến nhà chơi những lúc thích hợp. Tạo điều kiện để bé ra ngoài chơi thỏa thích rất có lợi cho việc làm giàu tính sôi nổi, cởi mở, vui tươi, nhanh nhẹn cho những đứa con của mình.

2. Gia đình dành nhiều thời gian để nói chuyện với con nhiều hơn để tạo một bầu không khí tâm lý gia đình thân ái, hòa nhã: Khi dành cho con một khoảng thời gian, cha mẹ sẽ thấy ý nghĩa rất lớn của sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Gần gũi, trò chuyện với con như những người bạn, cha mẹ có cơ hội để hiểu con hơn, nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của con để đưa ra những lời khuyên kịp thời và hữu ích có tác dụng giáo dục rất cao. Cha mẹ cũng nên đặt mình vào vị trí của con khi chúng gặp những chuyện buồn khổ, lo lắng để chúng thấy cha mẹ cũng đồng cảm với hoàn cảnh của con. Con cái cũng sẽ rất vững tin khi có chỗ dựa tinh thần tin cậy từ gia đình. Vì thế, chúng cũng dễ dàng bày tỏ những duyên cớ khiến mình lo lắng, băn khoăn. Cha mẹ lúc đó kiên nhẫn lắng nghe và “tùy bệnh bắt thuốc” để giúp trẻ giải tỏa những ấm ức trong lòng.

3. Làm thay đổi sự bận tâm của trẻ: Có không ít trẻ rất khó biểu thị thái độ khi gặp điều lo lắng, căng thẳng hoặc không biết thổ lộ tâm sự của mình cùng ai mà cứ giấu kín trong lòng. Lúc đó, cha mẹ hãy làm thay đổi sự quan tâm của trẻ. Chẳng hạn bé đang lo lắng về chuyện bạn bè ở lớp, cha mẹ hãy cho trẻ chơi đồ chơi, đọc những cuốn sách mà chúng yêu thích, hoặc mời bạn thân của chúng đến nhà chơi cùng; hoặc đưa chúng đến sở thú, khu vui chơi… Những sự thay đổi mới lạ đó tác động rất mạnh mẽ đến tâm lý của bé, cùng với sự hứng thú đó một mặt bé sẽ vơi đi nỗi lo lắng của mình, mặt khác bé bày tỏ một cách dễ dàng, hồn nhiên vấn đề mình gặp phải.

4. Cho bé được cười, được khóc để giữ được cân bằng tâm lý: Mỗi đứa trẻ có một tính cách riêng, cho nên khi gặp phải nỗi buồn hay bị đối xử bất công… cách thức biểu hiện nỗi bức xúc của mỗi bé cũng khác nhau. Cha mẹ đừng cấm đoán, bắt ép con phải kiềm chế sự tức tối trong lòng. Nếu trẻ quá ấm ức, hãy cho bé được khóc cho vơi đi nỗi lòng mình. Lưu ý rằng, cha mẹ không nên bắt trẻ nín bặt ngay, thậm chí không cần thiết phải khuyên ngăn, khi bé trút hết những băn khoăn, bức bối trong người, bé sẽ không còn khóc nữa. Bé được cười, được khóc một cách vô tư, hồn nhiên cũng là cách để bé lấy lại sự cân bằng trạng thái tâm lý của mình. Khi cởi mở được tấm lòng mình, bé cũng sẽ mở rộng lòng mình chia sẻ những nỗi niềm của bạn bè, người thân.

Nguyễn Lê Hoàng
(Giảng viên tâm lý)