Thứ năm, 15/6/2017, 23h31

Để trẻ không “khát” sân chơi hè

Tạo nhiều hơn nữa những sân chơi cho đối tượng thanh thiếu nhi là vấn đề cấp bách hiện nay. Hệ thống các cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi trên toàn quốc mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu tiếp cận các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu nhi.

Đội kịch rối Mặt trời bé con, Nhà Thiếu nhi Bình Phước đang tập vở để tham dự Liên hoan múa rối các nhà thiếu nhi năm 2017

Chung tay tạo sân chơi cho thanh thiếu nhi

Dịp hè 2017, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có công văn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, hội đồng Đội đẩy mạnh tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi. Hội đồng Đội T.Ư cũng đã hướng dẫn hệ thống cung, nhà thiếu nhi, trung tâm sự nghiệp thuộc Đoàn, Đội các cấp triển khai nhiều lớp bồi dưỡng năng khiếu về âm nhạc, hội họa, thể thao… thu hút đông đảo các em tham gia; tổ chức nhiều khóa huấn luyện kỹ năng như: Trại hè “Trải nghiệm để trưởng thành”, Học kỳ trong quân đội, Học làm chiến sĩ công an, Hành trình “Đi để biết, học để sống”… và nhiều sân chơi bổ ích cho thiếu nhi như: Liên hoan “Tiếng kèn Đội ta”, Liên hoan nghệ thuật “Búp sen hồng”, Liên hoan múa rối...

Một thực tế không thể phủ nhận là cứ vào mỗi dịp hè về các em thiếu nhi lại “ngơ ngác” không biết tìm đâu ra được điểm vui chơi gần chỗ mình ở và phù hợp với nhu cầu, mong muốn của bản thân. Thiếu nhi ở những khu vực thành thị, gần các cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi có nhiều điều kiện để tiếp cận được với các hoạt động vui chơi giải trí do những đơn vị này tổ chức. Trong khi đó, các em thiếu nhi ở vùng ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa tuy có không gian rộng mở hơn nhưng lại thiếu sự định hướng, chỉ bảo của người lớn trong việc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí.

Nhà thiếu nhi là một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ, nhưng không phải trẻ nào cũng có điều kiện để tham gia. Liên hoan Búp sen hồng là hoạt động truyền thống hàng năm của hệ thống các nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi khu vực phía Nam. Theo dự kiến, Liên hoan Búp sen hồng lần thứ 23 sẽ được tổ chức tại TP.HCM từ ngày 17 đến 19-7 với sự tham gia của khoảng 3.500 em đến từ 75 đơn vị. Đa dạng sân chơi tại các nhà thiếu nhi góp phần vào nâng cao chất lượng quản lý các em học sinh dịp hè đồng thời là sân chơi bổ ích cho các em tham gia. Song thực tế cho thấy, các địa điểm vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu nhi trên một số địa bàn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi an toàn và lành mạnh cho trẻ em.

Đừng để “teo tóp”

Bên cạnh Liên hoan Búp sen hồng, Liên hoan múa rối các nhà thiếu nhi là hoạt động được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, nhằm duy trì loại hình văn hóa dân gian múa rối trong hệ thống nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi. Từ đó, giáo dục các em nhỏ về ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như tạo điều kiện cho các em được gặp gỡ, giao lưu nghệ thuật múa rối với các bạn nhỏ ở các nhà thiếu nhi trong khu vực. Liên hoan múa rối các nhà thiếu nhi lần thứ 9 năm 2017 sẽ diễn ra từ 16 đến 18-6 tại Đồng Nai. Ngoài nội dung chính là biểu diễn các tiết mục múa rối, 12 đơn vị tham dự liên hoan sẽ được tham quan những địa danh, di tích văn hóa, lịch sử, đồng thời tiến hành quyên góp kinh phí để tặng học bổng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Cứ đến dịp hè, nhiều phụ huynh vẫn đau đầu tìm sân chơi cho con. Có thể nói, để giải “cơn khát” sân chơi cho thiếu nhi vào dịp hè không chỉ có tổ chức Đoàn, tổ chức Đội làm mà cần phải có sự chung tay vào cuộc của các ngành, các cấp và toàn xã hội.

Theo thạc sĩ, đạo diễn Hoàng Duẩn, “Liên hoan múa rối các nhà thiếu nhi là một liên hoan rất ý nghĩa dành cho thiếu nhi, tuy nhiên hoạt động này ngày càng teo tóp. Từ ngày các nhà thiếu nhi được giao về cho Đoàn Thanh niên quản lý (nhà thiếu nhi quận thì do Quận đoàn quản lý, nhà thiếu nhi tỉnh thì do Tỉnh đoàn quản lý...) thì các câu lạc bộ đội nhóm ngày càng teo tóp. Nhiều đội rối, múa rối của các nhà thiếu nhi đã không còn hoạt động nên tình hình tham dự liên hoan ngày càng ít đi, vắng bóng các đơn vị mạnh như: Nhà Thiếu nhi Tân Bình (đơn vị đầu tiên thực hiện chương trình rối đen tại VN), Nhà Thiếu nhi Q.4... Nhiều nhà thiếu nhi các tỉnh đến liên hoan lần này vì không có kinh phí nên dùng lại những vở cũ đi tham gia cho... vui mà thôi”.

Nghệ thuật múa rối có sức hút lớn đối với thiếu nhi. Những chú rối ngộ nghĩnh với những hành động và lời thoại vui nhộn sẽ chinh phục thiếu nhi rất nhiều và thông qua đó chúng ta phát triển sự tưởng tượng trong trí nhớ của các em và lồng ghép vào đấy những bài học giá trị về đạo đức... Đáng tiếc, số lượng các em nhỏ được thưởng thức nghệ thuật múa rối còn quá ít ỏi.

Cứ đến dịp hè, nhiều phụ huynh vẫn đau đầu tìm sân chơi cho con. Có thể nói, để giải “cơn khát” sân chơi cho thiếu nhi vào dịp hè không chỉ có tổ chức Đoàn, tổ chức Đội làm mà cần phải có sự chung tay vào cuộc của các ngành, các cấp và toàn xã hội.

Bài, ảnh: Yên Hà