Chủ nhật, 1/11/2015, 11h33

Đem ước mơ đi… thi

Kết quả là Thiên An đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi

Thay vì ấp ủ cho riêng bản thân, nhiều học sinh phổ thông tại TP.HCM và các tỉnh/thành vài năm trở lại đây đã đem ước mơ đi... thi và phần thưởng cho người thắng cuộc là học bổng du học trị giá 75.000 đô la Úc. Nhưng vượt qua giá trị giải thưởng, điều quan trọng là những ước mơ đẹp đẽ của học sinh đã được chắp cánh “bay” vào cuộc sống.

Cuộc thi “Thực hiện ước mơ” do Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM phối hợp Sở GD-ĐT và Viện Đào tạo quốc tế (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) tổ chức đến nay đã bước vào mùa thứ 4, quy mô mở rộng từ Cà Mau tới Đà Nẵng, dự kiến thu hút 200.000 học sinh THPT. Điều đáng chú ý là học sinh không chỉ được thỏa sức ước mơ mà còn chuẩn bị lộ trình nghiêm túc để đưa ước mơ ấy vào thực tế.

Từ... cao siêu đến chân thực

Được chào đời từ ca thụ tinh trong ống nghiệm thành công đầu tiên ở nước ta, Phạm Tường Lan Thy (học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) mơ ước trở thành bác sĩ để có cơ hội góp thêm cho cuộc sống những “phép mầu” tương tự. Đối với Lan Thy, đó là một ước mơ có xuất xứ rõ ràng cũng như lộ trình thực hiện. Suốt từ bé đến lớn, em đều nung nấu quyết tâm theo đuổi ước mơ ấy.

Những thí sinh đoạt giải nhất các mùa trước cũng đều có ước mơ rất giản đơn, chân thực. Đơn cử như Lê Thị Minh Trang (học sinh Trường THPT Thủ Đức, TP.HCM) mơ ước trở thành nữ cảnh sát; Lưu Vĩnh Trinh (học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền) mơ trở thành luật sư và Huỳnh Ngọc Thiên An (học sinh Trường THPT Gia Định) ước mơ trở thành nhân viên kinh doanh (dự án phố ăn uống an toàn, đậm chất Việt). Từ nền tảng ước mơ, hiện các em đều đã bắt tay xây những viên gạch đầu cho nghề nghiệp tương lai đầy mong ước.

Ở đây không có giới hạn cho ước mơ nên nhiều học sinh được thỏa sức bay bổng. Có em trước khi chạm được ước mơ thực thụ của bản thân, đã trải qua nhiều lần ước mơ… xa vợi. Nguyễn Hữu Thu Minh (học sinh một trường THPT tại  TP.HCM) từ nhỏ đã từng ước mơ trở thành người huấn luyện bảo bối thần kỳ như trong phim hoạt hình. Tuy nhiên, Minh cho rằng, ước mơ... siêu thực ấy không trụ lại lâu. Khi em lớn dần, nó cũng bốc hơi nhanh và được thay đổi bằng những nghề nghiệp thiết thực hơn như nhà văn, họa sĩ, kỹ sư xây dựng… Rồi đứng trước ngưỡng cửa ĐH, em đã xác định cho mình một lối đi thiết thực, đó là trở thành bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Theo Minh, không phải ai cũng có vẻ đẹp “trời cho” khi sinh ra. Trên thực tế, luôn có không ít người thiếu tự tin vì kém nhan sắc, dẫn đến mất cơ hội trong một số lĩnh vực công việc và cuộc sống. Mặc dù trân trọng những vẻ đẹp tự nhiên nhưng Minh cho rằng, cải thiện những nét chưa hài hòa để mọi người trông dễ nhìn hơn không phải là điều gì “khó chấp nhận”. Với ước mơ của mình, em mong sau này có thể giúp mọi người có được vẻ đẹp như mong muốn và sự tự tin. Minh cũng biết, điều quan trọng trước tiên để hiện thực hóa ước mơ chính là nỗ lực học tập và thi cử vì đầu vào của ngành y luôn cao.

Thí sinh Huỳnh Ngọc Thiên An đang tham gia phần thi xử lý tình huống về nghề nghiệp tại cuộc thi vừa qua

Tương tự, Dương Đỗ Thiên Ân (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) do từ nhỏ được tiếp xúc sớm với internet nên từng dại dột mơ ước trở thành một… hacker. Trong tâm trí non nớt của em khi đó, hacker có thể thâm nhập và phá vỡ nhiều bí mật thông tin. Tuy nhiên, càng lớn, khi tìm hiểu thêm về tầm quan trọng của bảo mật thông tin, em lại chuyển hướng, mơ thành chuyên gia bảo mật về mạng và phần mềm. Thiên Ân ví nghề nghiệp này như những người… công an. Nếu người công an bảo vệ an toàn đời sống cho người dân, thì công việc em mong muốn trong tương lai cũng góp phần bảo mật thông tin cho các cá nhân trong xã hội…

Để ước mơ “bay” vào cuộc sống

Thiên An (trái) trải nghiệm công việc kinh doanh tại một cửa hàng ăn uống ở TP.HCM

Việc học sinh có bao nhiêu mơ ước hay mơ ước quá cao siêu không đáng lo, vì tâm lý tuổi nhỏ dễ thay đổi. Hôm nay có thể các em ước mơ bay bổng, nhưng sau đó lại ước những điều khác gần gũi, thiết thực hơn. Ông Lê Xuân Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM, nhìn nhận điều này, tuy nhiên ông cũng cho rằng việc uốn nắn mơ ước nghề nghiệp cho học sinh cần được chú ý khi tâm lý, suy nghĩ các em bắt đầu có sự ổn định và chín chắn hơn, cụ thể là vào giai đoạn THPT. Bởi thực tế các năm qua, có một lượng thí sinh nỗ lực tham gia cuộc thi chỉ vì... giải thưởng nên xác định ước mơ lệch lạc, không đúng với năng lực. Một bộ phận thí sinh khác ước mơ theo bạn bè, gia đình hoặc theo xu thế của thời đại. “Vì vậy, chúng tôi hướng đến việc kết hợp chặt chẽ với các trường THPT để đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh thấy rõ khả năng bản thân, xác định nghề phù hợp”, ông Dũng nói.

Nguyễn Việt Hải Tú (học sinh Trường THPT Phước Long) - giải nhì cuộc thi năm rồi, vừa trở về từ chuyến trải nghiệm học tập tại Úc - chia sẻ qua chuyến đi, em rèn được tính độc lập, ngoại ngữ và hoạch định được cụ thể lộ trình thực hiện ước mơ, những điều mà trước đây em thấy chưa thực sự tự tin hay chắc chắn. Hải Tú nhận định, việc các bạn trẻ hay thay đổi ước mơ có mặt tích cực là cho họ cơ hội tìm hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng trường hợp dao động nhiều quá, học sinh sẽ dễ bị… cám dỗ bởi những ngành thời thượng mà không xác định được có phù hợp bản thân không. Theo em, học sinh như tờ giấy trắng, cần được uốn nắn để phát triển đúng hướng, không bị cuốn vào những ước mơ hay mục tiêu phi thực tế.

Bài, ảnh: Thục Trân

Trong quá trình đem ước mơ đi thi, học sinh còn được tiếp cận môi trường làm việc thực tiễn tại các công ty, xí nghiệp, cơ quan, công xưởng...; được làm thử những công đoạn đơn giản và trao đổi về kinh nghiệm công việc với những “đồng nghiệp tương lai” để hiểu rõ ngành nghề, củng cố mơ ước...