Thứ tư, 4/8/2010, 09h08

Điểm sàn còn đến bao giờ?

Hàng trăm trường ĐH đã hoàn thành việc chấm thi, công bố kết quả tuyển sinh. Thế nhưng, tất cả phải án binh bất động chờ giờ G công bố điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Đến khi có điểm sàn, các trường mới được phép quyết phương án tuyển chọn sinh viên vào học trường mình.
Ngoại trừ một số ít trường được coi là tốp trên, đa số trường ĐH gần như phụ thuộc rất nhiều vào điểm sàn. Thậm chí nhiều trường đang hồi hộp ngóng tin, mong cho điểm sàn “thâm thấp” để dễ bề tuyển sinh.
Đặc biệt, các trường ĐH được coi là tốp dưới, trường địa phương, thậm chí các ĐH vùng cũng từng ngày mong điểm sàn chính thức.
Điểm sàn - khái niệm xuất hiện từ tuyển sinh năm 2004 - mang “sứ mệnh” làm hàng rào cấm các trường ĐH, CĐ ấn định điểm chuẩn trúng tuyển quá thấp nhằm tuyển được số lượng lớn thí sinh vào trường mình. Xét ở mặt tích cực, điểm sàn mang lại cho thí sinh không trúng tuyển NV1 nhưng có điểm cao cơ hội tham gia xét tuyển vào một trường khác.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc ngày càng nhiều vào điểm sàn đang khiến không ít trường lao đao. Các trường ĐH khác nhau với điều kiện, mục đích và đối tượng hướng tới rất khác nhau lại đang phải chịu chung một sàn cố định. Mặc dù năm nào Bộ GD-ĐT cũng đưa ra điệp khúc “đảm bảo nguồn tuyển” nhưng đó là nguồn tuyển từ tổng số lượng so với tổng chỉ tiêu chứ không phải nguồn tuyển cho từng trường.
Khó khăn nhất là các trường không chủ động được nguồn tuyển. Mỗi năm họ phải dành nhiều tháng trời để hoàn thành việc tuyển sinh. Mất nhiều thời gian và tâm sức như thế nhưng không ai dám khẳng định họ không lơi lỏng trong quản lý, đào tạo sinh viên. Thực tế đã chứng minh nhiều trường ồ ạt tuyển sinh hàng ngàn sinh viên mỗi năm theo chỉ tiêu, theo điểm sàn của bộ nhưng khi sinh viên đã vào trường, việc dạy và học hoàn toàn thả nổi.
Vì vậy, về lâu về dài, điểm sàn của bộ chắc chắn không thể đảm đương nổi tham vọng nâng chất giáo dục ĐH. Làm được điều đó hay không cái chính là ở các trường. Chất lượng một kỹ sư, một cử nhân ra trường phụ thuộc rất lớn vào quá trình đào tạo của trường cụ thể nào đó.
Tuy nhiên, cũng có trường vì lợi ích của mình đã vin vào cái cớ ấy sẵn sàng mở rộng cửa tối đa để tuyển càng nhiều càng tốt. Trong những năm qua, rất nhiều trường chỉ chờ điểm sàn để công bố ngay điểm chuẩn bằng với mức điểm sàn ấy để dễ tuyển sinh. Thậm chí một số trường không thuộc phạm vi được ưu tiên còn cố chạy vạy vận dụng các điều khoản trong quy chế để hạ điểm sàn một cách hợp pháp.
Như vậy, ở một góc độ nào đó, điểm sàn đang là cách để Bộ GD-ĐT đối phó với tình trạng tuyển sinh chất lượng thấp của các trường. Và trong tính toán của mình, các trường luôn “vùng vẫy” tìm cách đối phó với điểm sàn của bộ bằng cách tuyển đúng bằng điểm sàn hoặc “vận dụng” để tuyển ở điểm thấp hơn.
Việc tuyển sinh cũng như một số hoạt động khác thuộc về công việc sự vụ của một trường ĐH. Trường nào “nhìn xa”, tự xác định mục tiêu phát triển lâu dài, trường đó sẽ chọn lựa và đào tạo những sinh viên giỏi và ngược lại. Với tình trạng đối phó nhau như thế này, rất khó hi vọng có những trường ĐH nào đó có thể chủ động vươn ra khỏi mặt bằng chung.
HÙNG THUẬT / TTO