Thứ ba, 19/7/2016, 20h40

Điểm thi THPT cao hay thấp?

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: T.Quyên

Theo quy định, đến hôm nay (20-7), tất cả 120 cụm thi cả nước hoàn thành việc công bố điểm thi THPT quốc gia năm 2016. Nhận định ban đầu của các cụm thi cho rằng điểm thi năm nay nhìn chung thấp hơn năm ngoái, nhưng cũng có không ít cụm thi nói điểm thi cao hơn. Vậy thế nào là điểm thi cao, thấp và nó mang ý nghĩa gì?

Ai cũng biết, với thí sinh, để có điểm thi cao thì phải học giỏi. Nhưng chưa hẳn, vì nếu đề thi ra dễ thì thí sinh trung bình vẫn có thể đạt điểm cao. Xem vậy câu trả lời cho vấn đề trên thật không dễ.

Tất nhiên, bất kỳ thí sinh nào cũng mong đạt được điểm thi càng cao càng tốt, vì như thế có nghĩa là cơ hội trúng tuyển vào ĐH, CĐ càng cao hơn. Đối với địa phương, cũng mong có thật nhiều thí sinh của địa phương mình đạt điểm cao, vì qua đó phản ánh cho mọi người biết chất lượng giáo dục ở địa phương cao và rất đáng tự hào. Còn đối với trường ĐH, CĐ thì cũng mong tuyển được thí sinh có điểm cao để công tác đào tạo sau này đỡ vất vả.

Như vậy hầu như ai và ở đâu cũng mong muốn điểm thi càng cao càng tốt. Thế tại sao không ra đề thi dễ để vui vẻ cả làng? Vì lúc đó thật là phiền toái cho các trường ĐH, CĐ trong khâu xét tuyển khi hầu hết mọi thí sinh đều đạt điểm cao. Lúc đó thí sinh sẽ dồn về các trường tốp trên, các trường tốp dưới chỉ biết than trời. Mà thật ra trường tốp trên lúc đó cũng vô cùng bối rối vì không biết lấy ai, bỏ ai. Chưa kể các trường sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình đào tạo vì thí sinh tuy điểm cao nhưng năng lực thật lại… thấp.

Bởi vậy, có thể nói một kỳ thi chỉ đạt kỳ vọng khi cho ra kết quả điểm thi không quá cao cũng không quá thấp; phổ điểm phải rải đều, có tính phân hóa cao. Điều này giải thích hiện tượng đã đề cập ở đầu bài: vì sao ở cụm thi này có điểm thi cao hơn năm trước, còn cụm thi kia có điểm thi thấp hơn. Đó là tín hiệu bước đầu cho thấy kết quả kỳ thi năm nay khá lành mạnh. Nhưng theo các chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục thì điểm thi không chỉ phải đạt yêu cầu phân hóa tốt mà còn phải phản ánh chính xác năng lực học tập của từng thí sinh. Đây có lẽ là vấn đề mang tính then chốt của kỳ thi: điểm thi phải đánh giá đúng năng lực người học. Xem vậy, điểm thi cao hay thấp chỉ mang ý nghĩa tương đối vì nó phụ thuộc vào độ khó của đề thi. Nên thí sinh đạt điểm cao xin chớ vội mừng, cũng như chớ vội lo khi thấy điểm thấp. Điều quan trọng là với điểm thi ấy có xác nhận được chính xác năng lực của thí sinh để có thể học tiếp ĐH, CĐ hay không mà thôi...

Từ Nguyên Thạch