Thứ sáu, 14/1/2011, 15h01

Diễn đàn “biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?”: Giáo viên phải có “lực hút” học sinh

Sự gần gũi, động viên của GV chủ nhiệm sẽ giúp học sinh vượt khó để học tốt. Ảnh: H. Triều
Học sinh chưa ngoan, theo tôi, một phần do các em còn “trẻ người non dạ” suy nghĩ chưa tới nên không ý thức được đầy đủ việc học và tương lai của mình. Nhiều năm trước, trong lớp tôi chủ nhiệm có một học sinh nữ thích chưng diện se sua. Qua tìm hiểu tôi biết em không phải con nhà giàu mà do đua đòi với bạn bè. Đây cũng là hiện tượng phổ biến mà giáo viên (GV) hay gặp, nguyên nhân là các em chỉ thích a dua theo cảm tính. Do đó giáo viên phải tìm hiểu từng trường hợp để có cách giải quyết thích hợp.
1. Tôi quan niệm, biện pháp tốt nhất để giáo dục học sinh chưa ngoan là thầy cô phải có “lực hút” đối với các em, trước hết phải là một GV dạy giỏi, có năng lực về chuyên môn. Ngoài ra các em còn nhìn vào tác phong mẫu mực của từng thầy cô nữa, đúng như cách nói: “Mỗi GV là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Thầy cô cũng đừng nên để các em sợ nhiều hơn phục. Có thể các em sợ uy của thầy nhưng chưa hẳn là “tâm phục khẩu phục” cách răn dạy của thầy. Trong các trường phổ thông hay có hiện tượng học sinh lấy sổ đầu bài giấu đi, nguyên nhân là do các em sợ bị kỷ luật vì có tên mình bị phê vào trong đó. Thay vì truy lùng thủ phạm, chúng ta bình tĩnh xử lý theo chiều hướng khả thi nhất. Cách hay nhất là tuyên bố trước lớp: “Các em có giấu cũng vậy thôi vì thầy cô đã cập nhật hết dữ liệu vào trong sổ cá nhân” rồi cho các em một cơ hội để trả lại sổ đầu bài. Biết là các em không dám trả trực tiếp cho GV, thầy cô nên gợi ý cho các em trả gián tiếp bằng nhiều cách.
Học sinh lớp 12 đã lớn nên GV có thể coi như bạn bằng cách kéo gần khoảng cách thầy - trò để dễ dàng chia sẻ hơn, nhất là những chuyện mà các em không nói được ở nhà. Cách đây không lâu, có một học sinh nữ muốn bỏ học để đi múa phụ họa, tuy nhiên em không dám đưa ra ý kiến này với ba mẹ. Tôi đã thuyết phục bằng cách cho em thấy đi múa cũng là tốt nhưng đây là nghề không ai đeo đuổi được suốt đời vì chỉ hợp khi tuổi còn trẻ. Sau này nếu chuyển nghề thì cũng phải có bằng cấp, nếu tiếp tục đam mê theo nghề biên đạo thì cũng phải có trình độ mới dạy được người khác.
2. Tại sao lại có tình trạng học sinh cãi thầy cô? Một phần do các em chống chế che giấu khuyết điểm, phần khác có khi do chính thầy cô đẩy học sinh đến tình huống đó. GV phải luôn để học sinh trình bày ý kiến của mình. Tôi còn nhớ một câu chuyện - một nam học sinh thường nhắn tin “phá” một bạn nữ trong lớp… vào thời điểm 23g. Em này không cãi lại nhưng cứ im lặng, tôi giảng giải cho em thấy đâu là lỗi và đề cao những ưu điểm của bản thân em. Thấy cô chủ nhiệm hiểu mình nên em đã kịp thời khắc phục được khuyết điểm. Ngoài ra, trường hợp trong lớp có biểu hiện tình yêu đôi lứa GV không nên cấm cản mà cần phân tích cho các em thấy điều thiệt hơn, ví dụ như khuyên các em “đừng quá sa đà làm ảnh hưởng nhiều đến nhiệm vụ học tập”. Ngoài ra có thể đặt các em vào tình huống cụ thể như ra câu hỏi cho các em “dự báo tương lai” của mình: “Nếu sau này các em có con cái chưa ngoan như mình bây giờ thì nghĩ sao? Các em có muốn như vậy không?”. Không chỉ GV chủ nhiệm mà nhà trường cũng cần quan tâm hơn tới từng học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh.
3. Năm nay tôi chủ nhiệm lớp 12, sắp thi cử đến nơi nhưng vẫn có một số học sinh lười, học lực yếu. Nhiều GV có nhận xét các em không có hứng thú với môn học, kiến thức nắm chưa vững còn mơ hồ, trong đó có nguyên nhân mất căn bản từ những lớp dưới. Qua tìm hiểu tôi biết có những em do hoàn cảnh gia đình khó khăn vừa phải làm thêm vừa đi học. Nếu GV chủ nhiệm biết động viên, chia sẻ thì các em cũng tìm cách vượt khó để học tốt. Đơn cử như có học sinh nam vừa đi học vừa đi lấy hàng giúp mẹ, một em nữ ngoài giờ học còn tranh thủ kết bông gia công để có thêm thu nhập nhưng các em vẫn ngoan và học khá.
Muốn “gia cố” lại nền móng đó không phải là chuyện dễ mà đòi hỏi GV bộ môn phải biết cách và ý thức thường trực. Có thể khi dạy bài mới thầy cô nên lồng ghép các kiến thức cũ vào để gợi cho các em nhớ và ôn lại. Ngoài ra phải đưa cả thực tế sinh động và cả những ví dụ vui dễ hiểu vào trong bài giảng để có thêm luận cứ minh họa…
Huỳnh Thị Diệu Quỳnh
(GV Trường THPT Thanh Đa)
GV xử lý mọi tình huống phải mềm dẻo, linh hoạt nhưng nghiêm khắc, nhất là khi mới tiếp nhận lớp vì đó là ấn tượng ban đầu. GV cũng không nên dễ dãi quá khiến các em coi thường.