Thứ tư, 10/11/2010, 14h11

Diễn đàn “Xây dựng trường chất lượng cao thời kỳ hội nhập: Những điều kiện cần và đủ?”

Tiêu chuẩn để xây dựng trường chất lượng cao

Một trong những tiêu chuẩn để xây dựng trường CLC là lớp học phải được kết nối internet và trang bị một bộ thiết bị trình chiếu như thế này (ảnh minh họa). Ảnh: H.V.H

Rút kinh nghiệm từ việc xây dựng mô hình trường chất lượng cao (CLC) của địa phương, chúng tôi xin được trao đổi một số vấn đề trong việc xác định tiêu chuẩn trường tiên tiến trong thời kỳ hội nhập.
Theo đó, về tiêu chuẩn trường CLC các cấp học mầm non và phổ thông có thể dựa trên tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia (gọi chung là trường chuẩn) các cấp học đã được Bộ GD-ĐT quy định để xác định như sau:
Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý
Ngoài các quy định như tiêu chuẩn trường đạt chuẩn, mỗi lớp ở cấp tiểu học không quá 30 HS (trường chuẩn quy định không quá 35), ở THCS và THPT không quá 40 HS (trường chuẩn quy định không quá 45).
Tiêu chuẩn 2: Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên
Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông và tổ trưởng chuyên môn các trường bậc trung học phải đạt trình độ đào tạo trên chuẩn ít nhất một cấp so với quy định của điều lệ trường trung học, đạt trình độ B trở lên về ngoại ngữ và tin học; hiệu trưởng đạt chuẩn loại xuất sắc theo quy định về chuẩn hiệu trưởng. Trường mầm non, tiểu học, THCS có ít nhất 40% GV trên chuẩn về trình độ đào tạo; trường THPT có 15-20% GV trên chuẩn về trình độ đào tạo (quy định trường đạt chuẩn mầm non và tiểu học là 30%), có ít nhất 40% GV đạt tiêu chuẩn dạy giỏi từ cấp huyện (quận, thị xã, thành phố) trở lên (quy định trường chuẩn là 30%); có 30% GV đạt chuẩn loại xuất sắc và có 70% GV đạt chuẩn loại khá trở lên theo quy định về chuẩn nghề nghiệp (quy định trường đạt chuẩn là 70% đạt loại khá, giỏi; THCS và THPT là 100% loại khá trở lên; không có quy định đạt loại xuất sắc). Tất cả GV đều sử dụng được một ngoại ngữ và máy vi tính trong công tác, học tập.
Tiêu chuẩn 3: Hoạt động và chất lượng giáo dục
Trường phổ thông có 100% số HS được học 2 buổi/ngày (quy định trường đạt chuẩn cấp tiểu học là 50%). Có ít nhất 98% trẻ mầm non phát triển đạt yêu cầu theo hướng dẫn đánh giá về chuẩn phát triển trẻ em do Bộ GD-ĐT ban hành (quy định trường đạt chuẩn là 95%). Tỷ lệ HS hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm học đạt ít nhất 98% (quy định trường đạt chuẩn là 95%). Có trên 99% HS đỗ tốt nghiệp THCS hoặc THPT, trong đó có trên 5% xếp loại giỏi và trên 20% xếp loại khá; trường THPT có trên 70% HS đậu ĐH hoặc CĐ. Trường THCS và THPT có trên 15% HS đạt trình độ về tin học tương đương trình độ B quốc gia; có trên 20% HS đạt trình độ PET, trong đó có từ 5 đến 8% đạt trình độ FCE về tiếng Anh theo chương trình của Đại học Cambridge hoặc các chương trình quốc tế tương đương. Nhà trường được đánh giá xếp loại xuất sắc về tiêu chuẩn “Trường học thân thiện, HS tích cực” trong năm học liền trước khi công nhận (quy định trường đạt chuẩn là loại tốt).
Tiêu chuẩn 4: Cơ sở vật chất và thiết bị
Các trường mầm non và phổ thông phải được kết nối internet, có website riêng, có phòng chức năng dạy học bộ môn âm nhạc, mỹ thuật và tin học. Mỗi phòng học được kết nối internet và trang bị một bộ thiết bị trình chiếu. Các trường phổ thông có thư viện trường học đạt loại xuất sắc theo quy định của Bộ GD-ĐT, có thư viện điện tử, có đủ phòng học cho mỗi lớp học 2 buổi/ ngày (1 lớp/ 1 phòng học). Các trường phổ thông có hồ bơi, sân bóng đá, sân bóng chuyền, sân bóng rổ... theo đúng tiêu chuẩn quy định.
Tiêu chuẩn 5: Công tác xã hội hóa giáo dục     
Các trường phải đảm bảo thực hiện mức thu học phí đối với trường CLC một cách hợp lý, tương xứng với chất lượng giáo dục, chất lượng dịch vụ giáo dục. Các trường học đạt tiêu chuẩn trường CLC cần được UBND theo phân cấp quản lý ban hành quyết định công nhận để công bố, công khai cho xã hội biết.
Tuy nhiên, vấn đề xây dựng trường CLC đang là bài toán khó. Khó vì thiếu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học; khó vì đòi hỏi đội ngũ GV có CLC với mức lương tương xứng và khó nhất vẫn là vấn đề học phí như thế nào cho hợp lý giữa sự đầu tư của Nhà nước và đóng góp chia sẻ của nhân dân, đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục.
Tóm lại, để có lộ trình xây dựng trường CLC, tiên tiến, hiện đại, trước hết cần phải rà soát, chọn lựa các trường đã đạt chuẩn hoặc các trường tư thục có vốn đầu tư lớn, nhà đầu tư có tâm huyết đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng trường CLC theo hai hướng: Một là, Nhà nước đầu tư ngân sách và có một phần đóng góp học phí vừa phải của phụ huynh HS; hai là, các trường tự hạch toán toàn bộ chi phí hoạt động từ nguồn thu học phí của HS, ngân sách nhà nước không phải bù đắp.
Yếu tố cơ bản để xây dựng trường CLC là phải quán triệt chủ trương xã hội hóa giáo dục, không trông chờ vào ngân sách nhà nước; cần có cơ chế chính sách rõ ràng về đầu tư cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ cho cán bộ, GV, nhân viên.
Lê Minh Hoàng
(Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai)