Thứ sáu, 12/11/2010, 14h11

Diễn đàn “Xây dựng trường chất lượng cao thời kỳ hội nhập: Những điều kiện cần và đủ?”

Tiêu chí và lộ trình xây dưng trường chất lương cao

Muốn tiến đến xây dựng trường tiên tiến, chất lượng cao cần phải thay đổi chương trình học, cải tiến chế độ thi cử như hiện nay. Ảnh: T.T.Quang

Thế nào là trường tiên tiến chất lượng cao? Ngành giáo dục là ngành có đặc thù riêng. Học sinh (HS) không phải là hàng hóa, nhà trường dạy học rèn luyện HS không giống như quy trình sản xuất hàng hóa nhưng quy trình dạy học cũng tạo ra sản phẩm, đó là kiến thức, nhân cách của HS được đào tạo nên…
1. Tiêu chí để đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường
Đầu tiên là nội lực của nhà trường, bao gồm đội ngũ giáo viên có tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn vững vàng và đạo đức, kỹ năng sư phạm; hiệu trưởng: vừa là nhà quản lý vừa là nhà lãnh đạo, có tầm nhìn chiến lược, có mục tiêu kế hoạch rõ ràng phù hợp với yêu cầu xã hội từng giai đoạn. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay thì tầm nhìn kế hoạch phải đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế, kỹ thuật của đất nước và toàn cầu hóa. Tiếp theo là cơ chế quản lý của nhà trường thông thoáng nhưng lại có kỷ cương, có hệ thống chính trị Đảng, Đoàn Thanh niên, công đoàn... Hệ thống quản lý phải định rõ chức năng, quyền hạn của từng chức danh. Nội quy cơ quan và nội quy HS rõ ràng. Kế nữa là môi trường thân thiện, văn hóa ứng xử nhà trường; giáo dục kỹ năng sống; kỹ năng thực hành; hoạt động của các đoàn thể và phong trào tạo nên niềm hứng khởi cho thầy trò. Đầu tư cho cơ sở vật chất cho trường, lớp, trang thiết bị học tập, sách, thư viện phục vụ cho dạy học và sinh hoạt…
Tuy nhiên ở từng cấp học có nhìn nhận riêng: Giáo dục mầm non cần đánh giá trên cơ sở môi trường gần gũi thân thiện, cơ sở vật chất đủ tiện nghi; sự chăm sóc chu đáo của cô nuôi dạy trẻ. Phương pháp giáo dục bằng trực quan sinh động, tiếp xúc vật thật để giúp bé phát triển tất cả các giác quan một cách tự nhiên. Những hoạt động vui chơi, học hỏi gắn liền với thực tiễn sẽ giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ, khám phá bản thân và thế giới xung quanh, phát triển sự khéo léo, khả năng sáng tạo; tạo mọi điều kiện để phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ cho trẻ. Với giáo dục tiểu học cần chú trọng chương trình chuẩn kiến thức. Giáo dục môi trường, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu. Với THCS và THPT thì chất lượng cao - thấp còn được đánh giá về số lượng HS được vào học ở các trường “top”. Nhưng quan trọng là hiệu suất đào tạo, đầu ra cao hẳn so với đầu vào. Cần xét yếu tố này để đảm bảo sự công bằng cho các trường.
2. Lộ trình xây dựng nhà trường tiên tiến, chất lượng cao
Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất:Trang thiết bị dạy học phải đáp ứng yêu cầu chương trình dạy, trình độ kỹ thuật của thời đại. Trường tự mua sắm thiết bị ở các cơ sở thích hợp. Không để các công ty trang thiết bị đồ dùng dạy học độc quyền như hiện nay giá đắt, chất lượng kém, lỗi thời. Cải tiến phương pháp dạy học hướng tới cá thể:Cụm từ cải tiến phương pháp giảng dạy hay phương pháp giảng dạy cần làm rõ phương pháp giảng dạy phải thích hợp với từng trường, từng đối tượng HS. Muốn thực hiện điều này không chỉ hô hào chung mà cần có lộ trình cụ thể. Ngay từ giai đoạn đào tạo của trường ĐH sư phạm, ngoài việc trang bị kiến thức bộ môn, cần dạy cho giáo sinh về kỹ năng sống, kỹ năng dạy học, kỹ năng làm công tác chủ nhiệm, quản lý HS. Bởi đây là nhiệm vụ quan trọng mà giáo viên phải làm trong quá trình dạy học, có làm tốt việc này thì mới làm tốt việc dạy chuyên môn.Thay đổi chương trình học một số môn học:thứ nhất, nếu không phải là trường chuyên thì giảm tải môn lý, hóa, sinh. Những môn này chỉ cần trang bị kiến thức cơ bản, không phải đi sâu như hiện nay, để dành thời gian tăng thêm cho các môn sử, địa, giáo dục công dân và giáo dục kỹ năng sống. Thứ hai là phải sớm thay đổi chế độ thi cử: bỏ thi tốt nghiệp phổ thông, chỉ tổ chức thi ĐH. Chính việc áp đặt môn thi chưa hợp lý như hiện nay, với quá nhiều ngành thi khối A: toán, lý, hóa mà các chuyên ngành này lại chẳng học môn lý, hóa. Ví dụ ngành kinh tế (khối A) thi lý, hóa trong khi đó kiến thức văn, sử, địa rất cần cho họ sau này lại không thi. Chính vì cách thi cử hiện nay đã sinh ra sự học lệch. Cải tiến cơ chế quản lý: nên để các địa phương cấp chứng nhận hoàn thành chương trình học phổ thông trên cơ sở dựa vào kết quả ba năm học cấp III. Ai chưa đạt được thì địa phương cho bổ túc thêm sau đó cho kiểm tra lại như THCS hiện nay. Nên trao quyền tự chủ tài chính cho một số trường có điều kiện, tuyển dụng nhân sự thông thoáng hơn. Việc tự chủ tài chính thông thoáng hơn về cơ chế để tránh cồng kềnh, đảm bảo tính khoa học nhưng cũng nên phân cấp từng phần phù hợp theo trình độ quản lý và thực tế ở từng địa phương, từng trường. Ví dụ mô hình Trường THPT Lê Quý Đôn có thể rút kinh nghiệm để nhân rộng thêm vì trường này có quá nhiều thuận lợi về cơ sở vật chất sẵn có do Nhà nước đầu tư, trường nằm ở trung tâm thành phố, thu học phí cao ngang với trường tư thục… Ngoài ra, công tác đánh giá thi đua khen thưởng cần khách quan, sát thực, phải đảm bảo công bằng.
Phạm Thị Thúy Vĩnh
(Hiệu trưởng Trường tư thục Ngô Thời Nhiệm)